nguoinghe.vn
Công ty Xây dựng Tân Nam được chỉ định cho gói thầu số 02: Thi công xây dựng công trình đoạn Km86+00 ÷ Km101+500 (EC) do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu. Giá trị hợp đồng hơn 1.518 tỷ đồng, là một trong số dự án được chỉ định thầu lớn nhất trong nhiệm kỳ của Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị

Nhà thầu vang danh xứ Nghệ

Công ty Cổ phần Xây dựng Tân Nam là một trong số doanh nghiệp xây dựng nổi tiếng ở Việt Nam. Doanh nghiệp này có bề dày lịch sử, tháng 9 tới đây sẽ chính thức kỷ niệm 20 năm thành lập.

Khởi điểm từ một nhà thầu địa phương ở Nghệ An với số vốn ít ỏi, đến nay, Công ty Xây dựng Tân Nam đã "phủ sóng" khắp các thị trường giàu tiềm năng nhất đất nước, mở rộng quy mô hoạt động "thần tốc" thông qua 8 chi nhánh được đặt rải rác từ Bắc chí Nam như Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh, An Giang...

Giai đoạn "hoàng kim" là khoảng 10 năm trở lại đây, tốc độ phát triển của Công ty Xây dựng Tân Nam đã bỏ xa hàng loạt đối thủ cùng thời khác. Doanh nghiệp bắt đầu xuất hiện trên truyền thông với tần suất dầy đặc, tiêu tốn bút mực của báo giới khi liên tiếp được nhắc tới trên cương vị nhà thầu độc lập cho các gói thầu "lẻ tẻ" từ chục tỷ đồng cho tới cả ngàn tỷ đồng.

Những gói thầu "ào ạt" đổ về Công ty Xây dựng Tân Nam đã tạo nên sự lớn mạnh của doanh nghiệp này. Năm 2015, nhà thầu chỉ giành được gói thầu hơn 12,3 tỷ đồng của Ban Quản lý dự án ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An, nhưng một năm sau đã tiến lấy gói thầu trên 131 tỷ đồng của Ban Quản lý Tiểu dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phục vụ dự án nâng cấp, mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi).

nguoinghe.vn
Quyết định số 27/QĐ-SGTVT ngày 20/1/2022 về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu XL02: "Thi công xây dựng công trình từ Km48+250 - 76+00 và các cầu Lạch Vạn, Nghi Quang, Nghi Tân" thuộc dự án Đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Cửa Lò (Nghệ An) đoạn từ Km7 - Km76

Nghệ An và Quảng Ngãi cũng là hai "sân chơi" trọng yếu của Công ty Xây dựng Tân Nam, phần lớn các gói thầu lớn đều tới từ các cơ quan có thẩm quyền tại đây.

Chẳng hạn, ngày 20/1/2022, Công ty Xây dựng Tân Nam được Sở Giao thông vận tải tỉnh Nghệ An giao làm gói thầu XL02: "Thi công xây dựng công trình từ Km48+250 - 76+00 và các cầu Lạch Vạn, Nghi Quang, Nghi Tân" thuộc dự án Đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Cửa Lò (Nghệ An) đoạn từ Km7 - Km76.

Đích thân Giám đốc Sở Hoàng Phú Hiền ký quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, bởi đây là gói thầu lên đến 1.133 tỷ đồng và có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển kinh tế địa phương.

Dù vậy, gói thầu chỉ ghi nhận Công ty Xây dựng Tân Nam là nhà thầu duy nhất nộp hồ sơ tham gia, cùng với đó, tỷ lệ giảm giá chỉ đạt 0,07%, tương đương thấp hơn chưa nổi 1 tỷ đồng cho gói thầu cả ngàn tỷ.

nguoinghe.vn
Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Nghệ An Hoàng Phú Hiền. (Ảnh: Truyền hình Nghệ An)

Vài tháng sau, ông Hoàng Phú Hiền ký tiếp Quyết định số 482/QĐ-SGTVT ngày 14/7/2022, thừa nhận Liên danh "tay ba" do Công ty Xây dựng Tân Nam dẫn dắt (Công ty TNHH Hòa Hiệp và Công ty TNHH Tân Hưng là 2 thành viên còn lại) trúng gói thầu số 06: "Thi công xây dựng nền mặt đường và công trình trên tuyến và hệ thống điện chiếu sáng, đèn tín hiệu" hơn 1.051 tỷ đồng.

Kịch bản tương tự như ở gói thầu trước một lần nữa diễn ra, bao gồm những chi tiết: Giá trị hợp đồng trên ngàn tỷ, Liên danh trúng thầu độc diễn, hệ số tiết kiệm cho ngân sách chạm ngưỡng 0% xấp xỉ khoảng 751 triệu đồng...

Sự trùng hợp đáng kinh ngạc buộc công chúng phải dấy lên lo ngại về tính minh bạch, hiệu quả trong công tác đấu thầu, trong nhiệm vụ tiết kiệm ngân sách của chủ đầu tư và chất lượng thật sự của các công trình do Công ty Xây dựng Tân Nam tham gia.

Vẫn là năm 2022, Công ty Xây dựng Tân Nam bị Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Giao thông vận tải) cảnh cáo về việc chậm tiến độ thi công cầu Ông Bầy thuộc gói thầu XL-03 dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1. Trước đó, chủ đầu tư đã nhiều lần họp bàn và có văn bản đôn đốc tiến độ, yêu cầu Công ty Xây dựng Tân Nam hoàn thành đúng tiến độ, nhưng cuối cùng nhà thầu vẫn phải lùi mốc thời gian của công trình.

"Việc liên tiếp chậm tiến độ này thuộc trách nhiệm chủ quan của nhà thầu (mặt bằng đã bàn giao sạch cho nhà thầu từ tháng 2/2021 và tháng 7/2021), ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch giải ngân và thời gian hoàn thành dự án theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải”, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đánh giá.

nguoinghe.vn
Ông Nguyễn Trọng Long còn là doanh nhân nặng lòng với lĩnh vực năng lượng tái tạo

Đã như vậy, dư luận băn khoăn hơn vì nhà thầu này từng được chỉ định cho gói thầu số 02: Thi công xây dựng công trình đoạn Km86+00 ÷ Km101+500 (EC) do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu. Giá trị hợp đồng hơn 1.518 tỷ đồng, là một trong số dự án được chỉ định thầu lớn nhất trong nhiệm kỳ của Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị.

Ngoài những dự án giao thông lớn ở những địa chỉ thân thuộc phía trên, Công ty Xây dựng Tân Nam còn góp mặt trong các "đại công trình" trọng điểm có sức ảnh hưởng lan tỏa đối với nền kinh tế quốc gia, như dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Ước tính, bằng cách liên danh với các nhà thầu vai vế, Công ty Xây dựng Tân Nam đã có mặt trong loạt gói thầu thi công có tổng giá trị vạn tỷ đồng.

Tất cả những điều đó đã nói lên thành công khó tưởng tượng của nhà thầu xuất thân từ vùng đất cằn cỗi Nghệ An. Suốt hành trình 2 thập kỷ đầy gian truân qua, không thể không nhắc tới sự đóng góp lớn lao của doanh nhân Nguyễn Trọng Long (SN 1964) - Chủ tịch Hội đồng quản trị, người sáng lập doanh nghiệp.

Dấu ấn đại gia Nguyễn Trọng Long

Một báo cáo phát hành ngày 7/9/2020 thể hiện, vốn điều lệ của Công ty Xây dựng Tân Nam đạt 548,88 tỷ đồng, trong đó ông Nguyễn Trọng Long nắm giữ tỷ lệ gần tuyệt đối 98,087% (538,38 tỷ đồng). Tuy nhiên, danh sách cổ đông "hùn vốn" lập nên Công ty Xây dựng Tân Nam không chỉ có ông Nguyễn Trọng Long, trước đó ghi nhận thêm các ông/bà gồm: Lê Anh Duyên, Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Trọng Thao, Nguyễn Thị Liên, Nguyễn Đình Thi, Đặng Trọng Thanh và Nguyễn Đình Dung.

Các cá nhân trên đây đều sinh sống tại tỉnh Nghệ An, tuy nhiên đã thoái hết vốn khỏi doanh nghiệp. Mặt khác, cánh tay phải đắc lực hỗ trợ ông Nguyễn Trọng Long trong quá trình gây dựng thương hiệu Xây dựng Tân Nam trở nên tiếng tăm ngày nay, còn có ông Trần Tử Đồng Khánh (SN 1976), Giám đốc kiêm đại diện theo pháp luật.

Thành công ở lĩnh vực xây dựng tạo động lực cho ông chủ nhà thầu Tân Nam tiếp tục bạo tay đầu tư cho các lĩnh vực có nhiều cơ hội khác như đầu tư tài chính, công nghiệp, nông nghiệp, bất động sản và năng lượng tái tạo.

Ngày 27/3/2019, ông Long bắt tay ông Lê Văn Nguyên, bà Trần Thị Vân Anh, bà Dương Thu Phương thành lập Công ty Cổ phần HCJ với vốn sáng lập 30 tỷ đồng, trong đó 40% là lượng cổ phần sở hữu của ông Long, cao nhất trong bộ tứ này.

Website doanh nghiệp giới thiệu, HCJ được định hướng trở thành tập đoàn hoạt động đa ngành dưới sự điều hành của giàn lãnh đạo giàu kinh nghiệm, là chuyên gia trong ngành đầu tư và sản xuất kinh doanh. Thế nhưng đã 5 năm, tình hình hoạt động của Công ty HCJ không có nhiều dấu ấn đáng chú ý.

Ở mảng năng lượng tái tạo, ông Long là một trong số cổ đông đầu tiên tại Công ty Cổ phần Thủy điện Nậm Mô - Nậm Nơn của Chủ tịch Đào Duy Tân. Ông Tân khá nổi tiếng trong lĩnh vực này ở Nghệ An, là Giám đốc điều hành của Công ty Cổ phần Tổng công ty Phát triển năng lượng Nghệ An và Công ty Cổ phần Điện Bảo Tân.

Được biết, thủy điện Nậm Mô - Nậm Nơn là chủ đầu tư nhà máy thủy điện Bản Ang (xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương), có tổng công suất thiết kế 17 MW. Huyện Tương Dương cũng là nơi ông Đào Duy Tân cho đầu tư xây dựng nhà máy thủy điện Nậm Nơn với công suất 20 MW, tổng mức đầu tư 513 tỷ đồng, được khởi công từ tháng 12/2011.

Cách đó không xa, nhà máy thủy điện Nậm Mô tọa lạc trên dòng sông cùng tên (huyện Kỳ Sơn), công suất 16 MW với 2 tổ máy, đã hoàn thành đi vào sử dụng năm 2013. Cả ba nhà máy trên hàng năm sản xuất khoảng 550.106 kWh.

Bức tranh tài chính Xây dựng Tân Nam

Trở lại với Công ty Xây dựng Tân Nam của đại gia Nguyễn Trọng Long, theo tài liệu của Báo Công Thương, năm 2022 doanh thu của họ tăng vọt lên 1.620 tỷ đồng, cao gấp đôi so với năm trước (822,8 tỷ đồng). Đây cũng là giai đoạn hoạt động đấu thầu của doanh nghiệp vô cùng khởi sắc.

Các năm về trước, doanh thu của Công ty Xây dựng Tân Nam trồi sụt ở mức 789,5 tỷ đồng (2018), 592,1 tỷ đồng (2019) và 589,8 tỷ đồng (2020). Khấu trừ các chi phí, lợi nhuận ròng lần lượt đạt 3,2 tỷ đồng, 1,3 tỷ đồng, 4 tỷ đồng, 12 tỷ đồng và 16 tỷ đồng (2018 - 2022).

Cấu trúc nguồn vốn Công ty Xây dựng Tân Nam cũng khá đặc biệt. Cuối năm 2022, tổng nợ phải trả đứng ở mức 1.217 tỷ đồng, tăng gần 5 lần so với cùng kỳ và cao gấp 2,5 lần vốn chủ sở hữu. Nguyên nhân tăng là bởi nhà thầu ghi nhận khoản tiền người mua trả trước ngắn hạn trên 741 tỷ đồng, đồng thời phát sinh khoản vay dài hạn 177 tỷ đồng, trong khi năm 2021 chỉ là 28 tỷ đồng (tăng 532% cùng kỳ).

Có được hàng trăm tỷ đồng từ chủ đầu tư, Công ty Xây dựng Tân Nam đã làm được điều mà đối thủ cùng ngành luôn ao ước. Bản chất xây dựng là ngành thâm dụng vốn, cần huy động số vốn lớn trước khi thực hiện công trình (thường là đi vay) và chủ đầu tư chỉ giải ngân theo tiến độ thi công. Thế nhưng, trong trường hợp nhà thầu của đại gia Nguyễn Trọng Long, họ lại được khách hàng ưu ái trả tiền trước, phần nào cho thấy mối quan hệ khăng khít giữa chủ đầu tư và doanh nghiệp.

Sang năm 2023 - nay, song song với hàng loạt gói thầu về tay, Công ty Xây dựng Tân Nam đang tích cực vay mượn từ các nhà băng, thông qua việc thế chấp các quyền lợi phát sinh tại hợp đồng thi công xây dựng công trình ký kết với các chủ đầu tư. Nổi trội hơn là hợp đồng kinh tế với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Hà Tĩnh, do Ngân hàng TMCP Tiên Phong - Chi nhánh Nghệ An nhận thế chấp làm bảo đảm cho khoản vay 1.200 tỷ đồng (ngày 20/3/2024)...