Hiến đất, chặt cây vườn để sớm có đường đẹp
Trung tuần tháng 8/2021, PV Báo Giao thông "mục sở thị" tuyến đường từ trục chính xã Đồn Đạc vào thôn Làng Cổng, ghi nhận con đường đã được bê tông hoá khang trang, rộng rãi, ô tô con, xe tải nhỏ qua lại thuận lợi.
Cụ bà Chìu Thị Hồng, năm nay trên 70 tuổi, nhà ở gần giữa thôn Làng Cổng khoát tay chỉ vào con đường bê tông mới mở qua cửa nhà mình, hồ hởi: "Khi tôi còn bé, con đường này bé tẹo, khúc khuỷu, chỉ đi được bằng xe máy, xe đạp. Vào ngày mưa đường đất trơn trượt, không ít người đã ngã dúi dụi xuống sườn đồi".
Cụ Hồng nhớ lại, ngày chưa có đường, nhà nào xây nhà thì rất vất vả khoản vận chuyển nguyên vật liệu. Vì xe ô tô chỉ đổ được vật liệu tít ngoài xa, người dân phải dùng xe bò chở về. Nông sản nuôi trồng ra, xe tải của thương lái cũng không đánh vào vườn mua được.
"Vì vậy, khi nghe cán bộ thôn, xã đến giải thích về ý nghĩa của việc mở đường bê tông to hơn, thẳng hơn, thấy có lợi cho bà con mình, gia đình tôi liền hiến hơn 100m2 đất ở, đất vườn rồi chặt cây, giao mặt bằng cho đơn vị thi công", cụ Hồng kể.
Cạnh hộ cụ Chìu Thị Hồng là gia đình anh Triệu Cắm Thành cũng hiến gần 200m2 đất vườn để làm đường vào nhà văn hóa thôn Làng Cổng.
Anh Thành chỉ vào con đường bê tông mới mở rộng rãi, phấn khởi khoe: "Hôm bắt đầu làm đường, vợ chồng tôi còn bàn nhau, ngoài diện tích làm đường, do khúc cua qua cạnh vườn rất khuất tầm nhìn, nên tiếp tục chặt hạ một số cây ăn quả để bà con dễ quan sát.
"Giờ đường rộng, lại thông thoáng tầm nhìn, ngày ngày thấy xe ô tô tải loại nhỏ chạy tít vào cuối thôn, ai cũng mừng. Mất đất, mất vườn nhưng có đường đẹp, làm ăn thuận lợi dài lâu, khác gì trúng số", anh Thành cười vui.
Xã Đồn Đạc là một trong những địa phương tiêu biểu về vận động nhân dân hiến đất làm đường giao thông nông thôn.
Ông Triệu Văn Làu, Phó Chủ tịch UBND xã Đồn Đạc chia sẻ: Xã có 14 thôn với trên 1.440 hộ/gần 6.000 nhân khẩu thuộc 9 dân tộc anh, em, trong đó, người dân tộc thiểu số chiếm gần 90%.
Trước đây, các tuyến đường ở khu dân cư đều là đường đất lại nhỏ hẹp, cua gấp, nên đi lại rất khó khăn. Từ khi triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới đến nay, thông qua phong trào hiến đất làm đường, người dân đã tự nguyện ủng hộ hàng ngàn mét vuông đất.
"Chỉ tính từ năm 2016 đến nay, xã đã huy động xã hội hóa trên 7 tỷ đồng làm đường giao thông nông thôn, trong đó, giá trị từ việc người dân hiến đất chiếm đa số", ông Làu thông tin.
Quyết liệt gỡ "nút thắt" về hạ tầng giao thông
Huyện Ba Chẽ là một trong những địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nhất của tỉnh Quảng Ninh. Hiện huyện Ba Chẽ có gần 2,8 vạn người với gần 5.400 hộ, gần 80% dân số là đồng bào dân tộc Dao, Tày, Kinh, Hoa, Sán Dìu, Sán Chỉ, Nùng, Cao Lan, Mường, Thái.
Huyện Ba Chẽ không có quốc lộ mà chỉ có 4 tuyến tỉnh lộ dài 107,6 km, 65,66 km đường huyện, 105,7 km đường xã và 240km đường thôn, ngõ xóm, nội đồng. Khoảng chục năm trước, nhiều xã ở huyện Ba Chẽ vẫn còn những thôn, bản giao thông chủ yếu là đường đất. Vào mùa mưa, nhiều tuyến đường bị ngập, khiến một số thôn, bản bị cô lập cục bộ.
Để gỡ "nút thắt" về hạ tầng giao thông, tạo động lực để địa phương bứt phá về kinh tế - xã hội, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền, từ năm 2011, Ba Chẽ đã tập trung huy động, linh hoạt lồng ghép từ nhiều nguồn để phát triển hệ thống giao thông nông thôn.
Cùng với đó, phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn ở Ba Chẽ phát triển mạnh, từ đó góp phần tạo ra nhiều con đường, cây cầu mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo đa chiều cho người dân ở khu vực nông thôn, miền núi.
Ông Vi Thành Vinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) khái quát: Có được hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn như hiện nay, ngoài sự đầu tư của nhà nước, huy động sự giúp đỡ, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân thì việc phát huy có hiệu quả phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
"Nếu phải bỏ kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng thì sẽ rất tốn kém, phức tạp. Do đó, việc vận động bà con tự nguyện hiến đất không chỉ giảm được kinh phí mà còn không mất thời gian kiểm đếm, xây dựng phương án đền bù", ông Vinh chia sẻ.
Theo ông Vinh, 10 năm qua, phong trào hiến đất, làm đường giao thông nông thôn ở huyện Ba Chẽ được triển khai rộng khắp từ các khu phố ở thị trấn đến các thôn, khe bản ở nông thôn, miền núi.
Qua quá trình triển khai đã xuất hiện nhiêu tấm gương tiêu biểu như: Ông Đàm Văn Sáng ở thôn Phá Lạn, xã Thanh Lâm đã hiến 200m2 đất để xây dựng tuyến đường nội thôn; Ông Triệu Sinh Kim ở thôn Khe Ốn, xã Thanh Lâm, huyện Ba Chẽ vận động bà con hiến hàng ngàn mét vuông đất nông – lâm nghiệp để làm đường vào thôn Làng Mới...
Ông Trần Trọng Tường, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Ba Chẽ cho hay: Đến nay, hầu hết các đường huyết mạch, quan trọng của huyện Ba Chẽ đều đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp làm mới, tạo điều kiện cho giao thông đi lại, mở ra cơ hội mới để giao lưu kinh tế trong và ngoài huyện.
Theo đó, chỉ tính trong giai đoạn 2015-2020, hệ thống đường huyện với tổng chiều dài 65,66km của Ba Chẽ được cứng hóa (nâng cấp, cải tạo mở rộng 18,291km so với năm 2015). Đường xã 37 tuyến, với tổng chiều dài 105,7km cứng hóa, so với năm 2015 tăng 22 tuyến và 47,15km cứng hóa.
Đường thôn 47 tuyến, với tổng chiều dài 51,21km cứng hóa, tăng 33 tuyến so với năm 2015. Đường ngõ xóm 47 tuyến, với tổng chiều dài 66,80km cứng hóa, tăng 24 tuyến và 11,35km cứng hóa so với năm 2015.
Đường sản xuất 24 tuyến, với tổng chiều dài 20,64km được cứng hóa, tăng 19 tuyến và 9,94km cứng hóa so với năm 2015. Huyện cũng đã triển khai nâng cấp, chỉnh trang cơ bản gần 16km đường đô thị.
Huyện cũng hoàn thành đầu tư bến xe khách tại thị trấn Ba Chẽ với diện tích 5.000m2 vào năm 2020, góp phần phục vụ nhu cầu đón trả khách trên địa bàn.
Nhờ kết cấu hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ đã tạo ra động lực quan trọng để bà con dân tộc thiểu số huyện Ba Chẽ chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng hàng hóa ngày càng cao, từ đó nâng cao thu nhập, thiết thực đẩy mạnh công tác giảm nghèo đa chiều. Nếu như năm 2018, toàn huyện có 9,44% thì nay chỉ còn 0,85% số hộ nghèo, số hộ khá giả trên địa bàn tăng mạnh sau mỗi năm.