Nhà virus học hàng đầu Thái Lan - Giáo sư Yong Poovorawan cho biết, chính sách tiêm chủng kết hợp mới của Thái Lan được dựa trên các số liệu nghiên cứu ghi nhận trên người.

Uỷ ban các bệnh truyền nhiễm của Thái Lan thông báo nước này sẽ sử dụng vaccine Astra Zeneca cho liều thứ hai đối với những người đã được tiêm liều Sinovac đầu tiên. Các mũi sẽ được sử dụng cách nhau từ 3 tới 4 tuần để tăng khả năng tạo kháng thể chống lại biến thể Delta. Chính sách mới của Thái Lan sẽ được áp dụng cho các nhân viên y tế sau khi ghi nhận 618 người mắc bệnh dù đã được tiêm hai liều Sinovac.

Chuyên gia Thái Lan khẳng định việc tiêm hai loại vaccine là an toàn
Ảnh minh họa: Reuters

Theo giáo sư Yong Poovorawan, Giám đốc Trung tâm virus lâm sàng của đại học Chulalongkorn cho biết, nếu tiêm hỗn hợp hai vaccine AstraZeneca và Sinovac thì sẽ có khả năng bảo vệ gần như hai liều AstraZeneca. Dữ liệu nghiên cứu cũng cho thấy, việc tiêm hỗn hợp làm sản sinh miễn dịch nhanh hơn vì mũi tiêm thứ hai được thực hiện gần hơn.

Giáo sư Yong cho biết thêm, sử dụng một liều vaccine bất hoạt như Sinovac sau đó là vaccine vector như AstraZeneca đã tạo ra khả năng sinh miễn dịch mạnh mẽ ở 1.200 tình nguyện viên. Không có tác dụng phụ nào quá nghiêm trọng nào được ghi nhận ở những người đã được tiêm theo phương thức hỗn hợp.

Trong nghiên cứu của trung tâm, họ không chỉ nghiên cứu khả năng tạo miễn dịch mà còn xem xét tới phản ứng của kháng thể đối với virus. Kết quả cho thấy, khả năng phản ứng trung bình là 95% và lên tới 99% trong một số trường hợp.

Chiến lược tiêm vaccine hỗn hợp của Thái Lan đã bị Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, khi tổ chức này gọi đây là “một xu hướng nguy hiểm”. WHO cho biết, họ không có dữ liệu và bằng chứng nào liên quan tới việc tiêm các loại vaccine hỗn hợp./.