Cần khẩu trang chuyên dụng giúp ngăn lây lan virus
Tờ Mainichi (Nhật Bản) vừa đăng tải bài báo cho biết một nhóm 40 nhà khoa học Nhật Bản bao gồm các bác sĩ, chuyên gia về dịch tễ ra thông báo chung, kêu gọi chính quyền địa phương và trung ương khuyến khích người dân áp dụng các biện pháp phòng dịch tốt nhất trong bối cảnh đại dịch ngày càng sâu rộng.
Giải thích rõ hơn về hai chữ “tốt nhất”, các chuyên gia dẫn một nghiên cứu cho thấy, virus thường được lây truyền qua dạng hạt chất lỏng siêu nhỏ (Aerosol), lơ lửng trong không khí, nên những loại khẩu trang làm bằng chất liệu Urethane và khẩu trang vải thông thường không có tác dụng ngăn giọt bắn.
Do đó, các chuyên gia đề xuất chính quyền địa phương, trung ương Nhật Bản sửa đổi, bổ sung một số quy định, pháp luật để người dân có thể đeo khẩu trang làm bằng những chất liệu khác ngăn được virus lây lan.
Phòng cần thoáng khí
Tờ Mainichi dẫn lời nhóm nhà khoa học Nhật Bản cho biết, các hạt chất lỏng siêu nhỏ vẫn lơ lửng trong không khí ở môi trường trong nhà, suốt thời gian dài.
Do đó, cần phải giữ phòng luôn luôn thông thoáng khí, thay vì chỉ mở cửa sổ trong thời gian ngắn khoảng 2 lần 1 giờ. (Thậm chí hiện giờ có nơi vẫn chỉ chuộng dùng điều hòa).
Các nhà khoa học đề xuất các cơ quan chức năng khuyến khích người dân giữ nhà cửa thông thoáng phù hợp bằng cách sử dụng máy lọc không khí và hệ thống thông gió trao đổi nhiệt, để vừa có thể giúp thông thoáng không khí vừa duy trì nhiệt độ phòng trong không gian kín và có nhiều người.
Trên hết, nhóm 40 nhà khoa học nhấn mạnh, chỉ có thể hạn chế tối đa việc lây nhiễm nếu các biện pháp phòng tránh được thực hiện triệt để tại những khu vực mọi người thường xuyên tiếp xúc.
Ông Tsuyoshi Hondo, người đứng đầu nhóm chuyên gia, Phó Giáo sư chuyên nghiên cứu về sinh thái lâm sàng tại Đại học Tohoku nhận định: “Các biện pháp phòng chống dịch bệnh ở Nhật Bản không nên chỉ dừng ở hạn chế ra ngoài, thay đổi cách sinh hoạt. Một số chính quyền địa phương, trung ương tại Nhật Bản khẳng định đã dùng hết cách trong phòng dịch nhưng thực thế thì chưa tận dụng hết ý kiến chuyên môn của giới chuyên gia”.
Tình trạng dịch bệnh như thảm hoạ
Hiện tại, tình hình dịch bệnh ở Nhật Bản đang rất đáng ngại. Chia sẻ trên kênh NHK, Bộ trưởng Y tế Nhật Bản Norihisa Tamura cho biết, rất khó để có thể dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp vì Covid-19 theo dự kiến vào ngày 12/9 tới vì nước này vẫn đang chật vật kiểm soát tình trạng lây nhiễm tăng cao, hệ thống y tế căng thẳng.
Ông Tamura dẫn ví dụ tại thủ đô Tokyo – tâm dịch của Nhật Bản hiện nay cho biết, để có thể dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, số ca nhiễm phải giảm về mức dưới 500.
Nhưng thực tế hiện nay, khu vực thủ đô Nhật Bản đang ghi nhận tới 3.081 ca mới/ngày và chưa có dấu hiệu giảm trong tương lai gần.
Các bệnh viện ở Tokyo đang rơi vào tình trạng quá tải với hơn 80% số giường chăm sóc đặc biệt đã được sử dụng.
Trước đó, nhóm chuyên gia cố vấn cho Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) từng cảnh báo, tình hình dịch Covid-19 ở nước này tồi tệ như thảm họa và kêu gọi người dân Nhật Bản cần tăng cường các biện pháp phòng ngừa, đặc biệt là hạn chế ra khỏi nhà nếu không có việc thực sự cần thiết.
Theo nhận định của nhóm chuyên gia này, đại dịch Covid-19 đang lây lan với tốc độ chưa từng có trên khắp Nhật Bản. Qua tình hình ở Tokyo, nếu các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tiếp tục lây lan, các bệnh viện trên khắp Nhật Bản sẽ nhanh chóng rơi vào tình trạng quá tải tương tự.