Trong một văn bản, các nhà khoa học tại Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA Mỹ) nói dữ liệu vaccine của Moderna cho thấy mũi tiêm nhắc lại có làm tăng số lượng kháng thể bảo vệ, nhưng sự khác biệt giữa mức kháng thể trước và sau khi tiêm nhắc lại không đủ lớn, đặc biệt là ở người có mức kháng thể vẫn còn cao, Reuters đưa tin ngày 13/10.
Những văn bản trên được công bố trước cuộc họp sẽ diễn ra tuần này giữa các nhóm chuyên gia ngoài FDA Mỹ, nhằm trao đổi về mũi tiêm nhắc lại.
“Đúng là có tăng cường đấy, nhưng hiệu quả đủ không thì chưa rõ. Hiện chưa có tiêu chuẩn về mức độ tăng cường cần thiết. Nghiên cứu này cũng không thể hiện rõ mức độ tăng cường là bao nhiêu”, John Moore, giáo sư vi sinh và miễn dịch học thuộc Đại học Y tế Weill Cornell ở New York, nói trong một email.
Hãng dược Moderna đang xin FDA phê duyệt mũi tiêm nhắc lại với liều 50 microgram, bằng một nửa so với liều lượng hai mũi đầu.
Moderna trước đó từng đề nghị nhà chức trách cho phép tiêm mũi tăng cường cho người từ 65 tuổi trở lên, cũng như cho nhóm người có rủi ro cao. Đề nghị này tương tự những gì hãng dược đối thủ Pfizer đã được phê duyệt.
Tới nay, dữ liệu về mũi tiêm nhắc lại chủ yếu tới từ Israel, quốc gia triển khai tiêm tăng cường bằng vaccine Pfizer. Trong khi đó, không có nghiên cứu tương tự được thực hiện bằng vaccine Moderna hoặc Johnson & Johnson.
Chứng cứ cho việc tiêm nhắc lại Moderna dường như “còn nhiều lỗ hổng”, theo giáo sư y học phân tử Eric Topol.
Ông Topol lưu ý dữ liệu được cung cấp còn hạn chế và không làm sáng tỏ hiệu quả thực tế của mũi tăng cường.
“Dữ liệu còn tương đối thiếu so với lượng dữ liệu mà Pfizer có được từ Israel, nơi hiệu quả vaccine được khôi phục hoàn toàn sau mũi tiêm tăng cường”, ông Topol nói.
FDA thông thường sẽ hành động theo khuyến nghị của chuyên gia, nhưng không bị buộc phải làm vậy.
Tuần sau, một nhóm cố vấn của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Mỹ (CDC) sẽ nhóm họp để trao đổi cụ thể về đối tượng được khuyến nghị tiêm tăng cường, nếu FDA phê duyệt mũi tiêm nhắc lại của Moderna./ .