Cha mẹ chấp nhận ở “ngoài cuộc”
Bên cạnh những lời tâm sự chất chứa nỗi đau của các bạn trẻ mang thai ngoài ý muốn, bác sĩ Vũ Hồng Thăng còn không thể quên giọt nước nước mắt hối hận của gia đình bệnh nhân.
Ông kể về trường hợp của một gia đình có bố mẹ đi làm ăn xa không có thời gian gần gũi con cái và hệ luỵ không mong muốn xảy ra.
Đó là trường hợp chị H.P (36 tuổi, Tuyên Quang) phải xuất khẩu lao động để gia đình có nguồn thu nhập ổn định hơn. Nhưng chị P không ngờ rằng quyết định của mình đã đẩy con gái trượt dài dù mới ở cái tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới".
Phát hiện con gái 13 tuổi mang thai 16 tuần, đó cú sốc lớn đối với chị P, và dù gặng hỏi thế nào cô bé cũng không nói danh tính cha đứa bé.
Tận dụng những ngày nghỉ cuối cùng trước khi tiếp tục lên đường làm ăn xa, chị P đã đưa con gái đi nạo phá thai với biết bao trăn trở.
“Không biết con gái bị ảnh hưởng bởi những yếu tố nào, cũng không rõ ai là cha của sinh linh bị bỏ rơi, chị P chấp nhận làm người ‘ngoài cuộc’, nhìn con gái nhận vết thương cả về thể xác và tâm hồn”, bác sĩ Thăng chia sẻ về trường hợp đáng nhớ.
Trao đổi với PV Báo Lao động, TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội nhận định: Trong tình huống trẻ vị thành niên mắc sai lầm và phải nạo phá thai thì chắc chắn cha mẹ sẽ hối hận và tiếc nuối khi không cùng con trao đổi vấn đề sinh sản từ sớm.
“Trên thực tế, phần đông người Việt Nam vẫn coi chủ đề giới tính, tình dục là nhạy cảm nên cha mẹ cũng không biết bắt đầu từ đâu khi muốn dạy bảo con cái. Chưa kể, một số phụ huynh còn thiếu hiểu biết trong vấn đề mà họ cho là khó nói nên trẻ vị thành niên hiếm khi được tiếp thu kiến thức sinh sản từ gia đình”, TS Khuất Thu Hồng nói thêm.
Cùng quan điểm, Thạc sĩ, Bác sĩ Lâm Quang Tùng, Bệnh viện Thanh Nhàn chia sẻ: Nhiều bạn đến phòng khám tâm sự rằng bố mẹ đều đi làm 8-12 tiếng/ngày nên gần như không có thời gian lắng nghe vấn đề riêng tư của các bạn ấy.
Thêm vào đó, nhiều trẻ vị thành niên khi mang thai ngoài ý muốn luôn sợ hãi và chỉ muốn giải quyết êm đẹp không ai hay nên chấp nhận lừa dối gia đình - Bác sĩ Tùng nói.
Bỏ hay giữ đều “thiệt”
Không chỉ trở thành thách thức lớn đối với công tác dân số mà vấn đề trẻ vị thành niên mang thai còn có thể dẫn đến nhiều hậu quả về sức khỏe và tâm lý.
Hệ lụy ngày càng trầm trọng khi nhiều bạn trẻ quyết định bỏ con dù đã mang thai nhiều tuần.
“Đầu tiên, chắc chắn các bạn trẻ sẽ bị tác động rất nhiều về yếu tố tâm lý, thậm chí nhiều người còn bị suy nhược cơ thể hay trầm cảm sau quyết định phá thai.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các sang chấn như rối loạn lo âu, nghiện rượu và các chất kích thích thường xuyên xuất hiện ở trẻ vị thành niên sau nạo hút thai”, bác sĩ Tùng chia sẻ.
Bên cạnh đó, bác sĩ Tùng cảnh báo, mỗi lần nạo phá thai sẽ là một lần đối mặt với khả năng vô sinh bởi nguy cơ dính buồng tử cung, tắc vòi trứng...
"Theo thống kê của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, tỷ lệ vô sinh thứ phát được ghi nhận ở trẻ vị thành niên phá thai cao gấp 3-4 lần so với những người bình thường", bác sĩ Tùng thông tin.
Chia sẻ về tâm lý của trẻ vị thành niên trong giai đoạn khủng hoảng sau nạo phá thai, TS Khuất Thu Hồng đưa ra khuyến nghị, sau khi trải qua sự cố không mong muốn, các bạn trẻ cần mạnh mẽ, tự tin khẳng định giá trị của bản thân trong những khía cạnh khác như năng lực, phẩm chất thay vì canh cánh lỗi lầm nhạy cảm.
“Cách bạn trẻ vực dậy và tạo ra giá trị riêng cho bản thân sau sự cố không mong muốn cũng là hành động góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao vị thế người phụ nữ. Chỉ khi bạn chủ động vươn lên và tiếp tục tương lai dài phía trước thì "vết nhơ" quá khứ mới có thể biến mất”, TS Khuất Thu Hồng chia sẻ.
Chịu sự ảnh hưởng từ nhiều nguồn khác nhau, vấn nạn yêu và quan hệ tình dục sớm của trẻ vị thành niên gần như không thể ngăn cấm. Theo TS Khuất Thu Hồng, biện pháp khả thi nhất vẫn là cách giáo dục từ gia đình, nhà trường và các chuyên gia bởi sự hiểu biết có thể giúp trẻ vị thành niên phòng tránh những nguy cơ không mong muốn từ sức khoẻ sinh sản.
Theo Thảo Phương - laodong.vn