Từ ca sĩ, MC tới diễn viên lồng tiếng
Nghệ sĩ Quốc Uy (tên đầy đủ là Thái Văn Quốc Uy), tốt nghiệp khoa Thanh nhạc trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM. 8 tuổi, cha mẹ anh đã đưa con trai tham gia sinh hoạt trong Đội ca Nhà thiếu Quận 8. Khi vừa "chân ướt chân ráo" vào trường nhạc, Quốc Uy lại được bầu show Duy Ngọc - ông bầu tiếng tăm một thời, mời show.
Bên cạnh sự nghiệp ca sĩ, Quốc Uy còn có nghề tay trái là MC. Giọng đẹp, chuẩn, ngoại hình sáng cùng sự duyên dáng, Quốc Uy rất đắt show dẫn chương trình. Nhiều show anh dẫn được khán giả tặng hoa hơn cả ca sĩ.
Sau gần 20 năm theo nghiệp cầm mic, Quốc Uy rút lui khỏi showbiz, chuyển sang dạy thanh nhạc tại nhà. Ca sĩ Tim và Minh Hằng từng theo thầy Quốc Uy học thanh nhạc thuở chập chững vào nghề.
Trong thời gian đó, Quốc Uy theo học lớp dạy lồng tiếng của nghệ sĩ Phước Trang và đời anh lại một lần rẽ lối. Nhận thấy thiên phú của học trò, Phước Trang đã khuyên anh dừng các công việc khác để tập trung cho nghề lồng tiếng.
Sau này, do đặc thù công việc nên không nhiều khán giả còn nhớ Quốc Uy. Nhưng trong nghề, anh là cái tên được nhiều người nể phục.
Nhiều năm nay, Quốc Uy ghi dấu ấn khi lồng tiếng (dubbing) cho nhiều nghệ sĩ như NSND Việt Anh, NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hữu Châu, NSƯT Thanh Điền, NSƯT Hùng Minh, nghệ sĩ Trung Dân, Mai Huỳnh, Hoàng Sơn, Mai Sơn,... thậm chí cả giọng Nguyễn Chánh Tín mà mọi người vẫn thường nghe được trên màn ảnh. Đáng lưu ý, đây đều là những nghệ sĩ sân khấu gạo cội, có màu giọng đặc trưng và riêng biệt. Quốc Uy vẫn tự tin chuyển giọng, truyền thần vào từng nghệ sĩ anh thể hiện khiến nhiều khán giả tưởng là giọng thật của chính chủ thay vì lồng tiếng.
'Quái nhân' giới lồng tiếng
Nói về khả năng của mình, Quốc Uy cho rằng anh không dùng từ "giả giọng" mà là "biến giọng" - một công việc đòi hỏi bắt được thần thái, khí chất của nghệ sĩ trong vai diễn của họ. Mỗi lần lồng tiếng, anh đều thấy mình như lên đồng.
"Họ là ngôi sao, có rất nhiều fan. Nếu tôi dùng một giọng khác, không phải của họ để lồng tiếng cho các vai diễn của họ thì giống như không tôn trọng họ. Thế nên khi lồng tiếng, tôi làm bằng tất cả sự quý mến, ngưỡng mộ của mình dành cho đàn anh.
Tôi may mắn xuất thân là dân thanh nhạc nên được hỗ trợ nhiều trong việc nghiên cứu xem giọng người này âm thấp, trầm, trung hay cao, nằm trong khoảng vang nào. Khi vào phòng thu, tôi hình dung, tưởng tượng, cùng với thiết bị kỹ thuật, nghe, truyền thần và đổi giọng. Tôi luôn làm việc bằng thái độ nghiêm túc nhất, thậm chí trịnh trọng để khi mình cất tiếng là phải ra cái giọng, cái chất của người đó”, anh nói.
Dù nổi tiếng trong nghề nhưng Quốc Uy từng không quan tâm cát-sê của mình bao nhiêu. Anh say mê nghề đến mức lấn át nhu cầu tiền bạc dù cuộc sống của mình không hề giàu có. Tuy nhiên, sự nhiệt thành của Quốc Uy bỗng nhận lại những thị phi không đáng có.
Anh kể: “Sau này, tôi không làm với giá bình thường nữa, vì mình giúp mà người ta không thấy. Tôi không có tiếng cũng chẳng có miếng. Thậm chí, nhiều người còn bảo tôi hám danh nên lồng tiếng cho các anh, các chú để bám sự nổi tiếng của họ. Thật ra, tôi luôn được đạo diễn lồng tiếng yêu cầu, mời đích danh tôi lồng tiếng cho mấy anh, mấy chú. Thế nên sau này, tôi quyết định lấy đúng giá với công sức và khả năng của mình. Tôi hiện tại chỉ cống hiến chứ không cống nạp, nhất là khi những gì mình nhận được chỉ là sự ganh tị và thị phi”.
Bên cạnh công việc lồng tiếng, Quốc Uy còn là thầy giáo dạy lồng tiếng cho một số đơn vị chuyên “gia công” phần chuyển ngữ, lồng tiếng, thuyết minh./.