Những cuộc họp lúc nửa đêm…
21h đêm, TP Vinh “lặng ngắt như tờ”, riêng Sở Y tế Nghệ An vẫn sáng đèn. Cuộc họp ban lãnh đạo sở với tổ tham mưu về vấn đề truy vết dịch Covid-19… bắt đầu.
Dù những chiếc khẩu trang y tế đã che đi hơn nửa khuôn mặt nhưng có một điểm chung dễ nhìn thấy ở tất cả các thành viên dự họp là khuôn mặt phờ phạc, hốc hác, đôi mắt thâm quầng vì nhiều đêm không ngủ.
Sau khi nghe báo cáo về tình hình dịch bệnh, các đại biểu đã tập trung thảo luận về cơ chế lây nhiễm và đường đi của các ca dịch mới. Trực tiếp chủ trì cuộc họp, PGS-TS Dương Đình Chỉnh, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An yêu cầu tổ tham mưu về vấn đề truy vết phân tích, đánh giá lại các ca bệnh ở chợ đầu mối Vinh và Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa.
“Chúng ta làm chuyên môn, không thể phát biểu chung chung. Từ kết quả xét nghiệm, phải phân tích được cơ chế lây nhiễm, đường đi của dịch rồi vẽ ra bản đồ dịch tễ để đánh giá vùng, ổ dịch. Từ đó có căn cứ tham mưu cho lãnh đạo tỉnh đưa ra những chỉ đạo và giải pháp thực hiện trong tình hình mới”, ông Chỉnh nhấn mạnh.
Người đứng đầu Sở Y tế Nghệ An cũng yêu cầu tăng cường nhập dữ liệu xét nghiệm lên hệ thống phần mềm; phối hợp với Sở TT&TT để có giải pháp nâng cao hiệu quả của ứng dụng Robot call trong việc truy vết.
Theo tìm hiểu của PV, đây chỉ là một trong hàng trăm cuộc họp sau 21h đêm của ngành Y tế Nghệ An kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện. Đặc biệt, từ khi TP Vinh xuất hiện những ca dương tính đầu tiên, hầu như đêm nào, ngành y tế tỉnh cũng họp bàn chuyên môn.
Ông Nguyễn Trung Thành, Chánh Văn phòng Sở Y tế Nghệ An cho biết: Từ khi có dịch cho đến nay, hầu như hôm nào anh em cũng phải làm việc ở sở đến đêm khuya. Không ai được tắt điện thoại hay để hết bin, khi nhận được thông báo là phải có mặt ngay. Có những cuộc họp bắt đầu lúc 12h đêm và kết thúc khi đã hơn 3h sáng.
Điển hình như tối 25/6, trong quá trình phân tích, đánh giá dịch tễ, phòng chuyên môn phát hiện nhiều ca bệnh có đặc điểm chung là liên quan đến chợ đầu mối Vinh. Ngay lập tức, Sở Y tế triệu tập cuộc họp khẩn lúc 12h đêm nhằm đưa ra các giải pháp mới cho ổ dịch này. Cuộc họp kéo dài đến tận 3h30 sáng ngày hôm sau.
“Tính đến hôm nay, nhiều anh em trong đó có Giám đốc Sở đã 10 ngày liên tục chưa về nhà. Có những đêm họp xong đã quá nửa đêm, nhưng Giám đốc Sở vẫn trực tiếp đi xuống hiện trường để chỉ đạo công tác lấy mẫu xét nghiệm, truy vết dịch…”, ông Thành nói.
Và những văn bản phát hành lúc rạng sáng
Ngay khi kết thúc cuộc họp, Thạc sĩ, bác sĩ Dương Tiến Hưng - Chuyên viên Phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế Nghệ An nhanh chóng trở về phòng làm việc. Anh trao đổi thêm với đồng nghiệp về một số nội dung trong kết luận cuộc họp rồi bắt tay vào làm báo cáo.
Bác sĩ Hưng cho biết: Thông thường, 7h tối sẽ có kết quả xét nghiệm. Nếu có ca bệnh mới, lực lượng chuyên môn sẽ tiến hành truy vết cho đến khoảng 12h đêm sẽ có báo cáo. Từ kết quả phân tích báo cáo, phòng sẽ tham mưu cho lãnh đạo Sở ban hành các văn bản phù hợp như: thông báo khẩn, chỉ đạo ngành y tế địa phương hay chỉ là báo cáo chuyên môn…
“Kể từ 13/6 đến nay, đêm nhiều nhất tôi phải làm đến 6 - 7 văn bản với các nội dung khác nhau như: cách ly, xét nghiệm, thông báo khẩn, báo cáo… Văn bản phát đi muộn nhất thường là sau 2h sáng”, bác sĩ Hưng kể.
Lý giải vì sao phải làm văn bản cả đêm khuya để, bác sĩ Hưng nói: Chúng ta vẫn nói “chống dịch như chống giặc”. Mà đã chống giặc thì chậm giây phút nào sẽ ảnh hưởng, thậm chí là nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của Nhân dân giây phút đó. Văn bản ra sớm hơn một giây, lãnh đạo tỉnh có những chỉ đạo, lãnh đạo sớm hơn giây đó; bộ phận chuyên môn truy vết sớm hơn giây đó, bớt đi được nhiều F1, F2 và chính quyền địa phương cũng có cơ sở để triển khai sớm các giải pháp phòng chống dịch…
Ngoài ra, không phải tự nhiên muốn ra được văn bản thì ra. Ví dụ như lịch trình của một bệnh nhân kéo dài, nhưng chúng ta phải điều tra, phân tích rất kỹ rồi chọn những điểm tiếp xúc trong cộng đồng, nguy cơ lây nhiễm cao để ra thông báo khẩn. Văn bản sau khi được soạn thảo còn phải đưa ra trao đổi trong phòng trước khi trình Ban Giám đốc Sở xem xét.
Tìm hiểu thêm mới biết, không phải bây giờ, mà kể từ khi dịch xuất hiện ở Vũ Hán, trước mỗi diễn biến mới của dịch, Phòng Nghiệp vụ Y lại kịp thời tham mưu cho Sở, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tỉnh có những chỉ đạo, lãnh đạo đúng đắn, kịp thời. Ngoài ra, cán bộ, nhân viên phòng vẫn phải hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn khác. Ấy thế mà không ít cán bộ còn rất trẻ, vợ cũng đang làm nhiệm vụ ở tuyến đầu chống dịch, các con thơ gửi lại ông bà… như bác sĩ Hưng.
Một số hình ảnh PV ghi lại tại "sở chỉ huy" phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Nghệ An: