Các mẹ có thấy như vậy là xứng đáng với chị em phụ nữ mình không?

Mình biết chị em phụ nữ nhiều người ngại chuyện lấy chồng vì thấy các bà, các mẹ, cô, dì của mình lấy chồng xong là phải quán xuyến chuyện bếp núc.

Nhắc đến phụ nữ, người ta cứ nghĩ ngay đến bếp núc nhà cửa và chăm con. Đó là nhiệm vụ đương nhiên, còn mấy anh thì lo nhiệm vụ đi kiếm thật nhiều tiền về. Nên mới có câu “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”.
 
Thế nhưng khi mà xã hội phát triển, mọi thứ bình đẳng thì nhận thức của con người cũng thay đổi. Ngày nay quan niệm xã hội lẫn luật pháp cũng yêu cầu vợ chồng phải cùng nhau san sẻ trách nhiệm trong việc nhà, lẫn công việc ngoài xã hội.
 
 
Ảnh minh họa. Nguồn: Pexels

Cái cảnh chồng về nhà chỉ có gác chân lên bàn đọc báo, xem tivi, còn vợ thì hì hục lo nấu nướng, dọn dẹp, và chăm sóc con giờ đây cũng ít dần đi.
 
Mới đây, theo trang Zing News, một bản án xử theo Luật hôn nhân và gia đình mới tại Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 01/01 đang gân xôn xao trong dư luận.
 
Sự việc là Chen (chồng) và Wang (vợ) kết hôn với nhau vào năm 2015. Họ lấy nhau được 3 năm thì cả 2 vợ chồng bắt đầu ly thân. Người con trai sống với mẹ. Cho đến năm 2020, Chen nộp đơn xin ly hôn lên Tòa án ở Bắc Kinh. Wang ban đầu không muốn, nhưng sau đó lại quyết định đòi phân chia tài sản và yêu cầu Chen phải bồi thường do anh không làm việc nhà lẫn chăm sóc con cái. Không chỉ vậy, Wang còn cáo buộc chồng ngoại tình.
 
Vừa qua, khi Tòa đã xử ly hôn, Chen có nghĩa vụ gửi tiền cấp dưỡng cho Wang để nuôi con là 300 USD/tháng và bồi thường tiền công nội trợ cho Wang với số tiền 7.700 USD, tương đương hơn 177 triệu Việt Nam Đồng trong 5 năm hôn nhân.
 
Được biết, bản án này được xử theo Luật hôn nhân và gia đình mới của Trung Quốc, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01, trong đó có điều khoản quy định bên nào phải làm việc nhiều hơn trong nhà, ví dụ như nuôi dạy con cái, chăm sóc người lớn tuổi và hỗ trợ công việc của người còn lại sẽ có quyền yêu cầu bồi thường khi ly hôn. Luật cũng cho phép 2 bên tự dàn xếp, thỏa thuận với nhau trước khi nhờ Tòa án can thiệp.
 
 
Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnamnet

Ngay khi bản án vừa được tuyên, trong dư luận đã diễn ra làn sóng tranh cãi, vì có một số người cho rằng công việc này là trách nhiệm và do người phụ nữ đảm nhiệm, họ không có quyền yêu cầu bồi thường. Thậm chí, họ cho rằng chị này yêu thích công việc nội trợ nên thấy không tốn công sức bao nhiêu. Trong khi đó, một số khác lại cho rằng, Tòa yêu cầu chồng bồi thường số tiền này là quá nhỏ, bởi chỉ cần người vợ đi làm bên ngoài thì dễ dàng kiếm được số tiền này, chứ không chờ tiền bồi thường từ chồng.
 
Theo một vị luật sư nước này đánh giá, phán quyết này có lợi cho các lý do xã hội và pháp lý vì nó công nhận giá trị của công việc nội trợ của người phụ nữ trong gia đình. Những người phụ nữ làm việc nhà thường bị mất giá trị trong cuộc sống hôn nhân cũng như kỹ năng nghề nghiệp của họ bị giảm sát. Nhưng theo vị này, số tiền bồi thường mà Tòa án đưa ra quá thấp.
 
Theo khảo sát của Tổ chức Phụ nữ Liên Hợp Quốc, phụ nữ đảm nhận công việc nội trợ và chăm sóc gia đình không được trả lương cao hơn nam giới ít nhất 2,5 lần.
 
Một cư dân mạng đã nói rằng, từ vụ việc này cảnh báo chị em phụ nữ mình không nên trở thành những bà nội trợ. Vì như vậy, tụi mình sẽ trở nên tụt lại trong xã hội, không có sự nghiệp và công việc thì chị em phụ nữ mình bị xem là vô nghĩa vì không có giá trị kinh tế. Điều tệ hại nhất là chúng ta chỉ biết phụ thuộc vào chồng.

Mặt khác, tại Việt Nam, Luật hôn nhân và gia đình hiện hành không quy định trách nhiệm bồi thường trong vấn đề này, mà chỉ là quy định trách nhiệm bồi thường chung của cả 2 vợ chồng, cũng như nghĩa vụ mà cả 2 vợ chồng phải cùng thực hiện nếu như con cái gây ra.
 
Dù không quy định trách nhiệm bồi thường trong vấn đề như thế này, nhưng luật pháp Việt Nam cho phép chia tài sản nhiều hơn cho vợ, nếu như chồng ngoại tình, xét đến hoàn cảnh của vợ ở thời điểm ly hôn, công sức đóng góp của vợ để tạo lập và duy trì, phát triển khối tài sản chung và lợi ích chính đáng của người vợ.
 
Sẽ không thể chia tài sản nhiều hơn cho chồng nếu như chồng suốt ngày bê tha, nhậu nhẹt, phá tán tài sản hoặc là ngoại tình, hoặc suốt ngày chỉ thích “ngồi mát ăn bát vàng”. Ngoài ra, việc xét xử trong vấn đề phân chia tài sản còn phải tính đến lợi ích của con cái nữa. Việc trốn tránh không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng tùy mức độ, nếu nghiêm trọng sẽ phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
 
Thêm nữa, ngay cả khi kết thúc cuộc hôn nhân, nếu mà bên kia không có nơi ở sau khi ly hôn, thì có thể ở lại căn nhà trước giờ đã ở trong thời hạn tối đa 06 tháng, đó gọi là quyền lưu cư.
 
Chứng kiến nhiều cuộc hôn nhân đổ vỡ, mình từng thấy nhiều ông chồng “cạn tàu ráo máng” dù rằng trước đây yêu thương mặn nồng với vợ cũ của mình. Vậy nên, nói phụ nữ trước khi lấy chồng phải đọc và hiểu Luật hôn nhân và gia đình quả không thừa các mẹ ạ!