Theo công bố chi tiết các môn học chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ GD&ĐT, nội dung giáo dục cấp THPT mới sẽ gồm các môn học bắt buộc và các môn học tự chọn. Trong đó, 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc bao gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương. Hai môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2. Còn 5 môn học tự chọn khác sẽ lấy từ 3 nhóm môn học (mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn học) gồm: Nhóm môn Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); nhóm môn Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hoá học, Sinh học); nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật (trong nghệ thuật có Âm nhạc và Mĩ thuật).
Theo nhiều giáo viên, nếu tính hết các phương án chọn môn học và chuyên đề thì có thể có đến 108 cách lựa chọn. Trong đó, sẽ có những môn, tổ hợp môn rất ít học sinh chọn; có môn, tổ hợp môn rất nhiều học sinh chọn. Điều này sẽ dẫn tới hai vấn đề: Môn học quá ít học sinh lựa chọn sẽ dẫn đến thừa giáo viên, có thể không tránh khỏi tình trạng một lớp học chỉ có một vài em học sinh, trong khi có những môn học số lượng học sinh chọn quá đông nhưng điều kiện đội ngũ giáo viên lại không thể đáp ứng. Như vậy sẽ dẫn đến tình trạng thừa - thiếu cục bộ giáo viên.
Chưa kể, nhiều môn mới còn gặp khó khăn trong tuyển dụng giáo viên."Bộ đưa ra bài toán và nhà trường phải tự giải, đúng là thật không dễ.Bên cạnh đó, học sinh đi học, chọn môn nhưng chưa biết định hướng thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học những năm tới sẽ như thế nào. Vì thế, Bộ GD&ĐT cần sớm có định hướng làm nền tảng để phụ huynh, học sinh lựa chọn", cô Nguyễn Thị Minh Huệ, giáo viên Trường THPT Hoàng Mai (Nghệ An) chia sẻ.
Trước băn khoăn của giáo viên, phụ huynh học sinh về vấn đề này, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết, ông không bất ngờ khi về lý thuyết có đến hàng trăm tổ hợp môn lựa chọn, khi thiết kế các môn học, các chuyên gia toán học đã dự báo về điều này. "Không phải bây giờ mới tính được về mặt lý thuyết sẽ có bao nhiêu tổ hợp. Nhưng trong tính toán, chúng tôi xác định 2 dữ kiện quan trọng là đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất của nhà trường. Trên cơ sở quy định của chương trình, nguyện vọng của học sinh, đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất của mình, các trường sẽ xác định những tổ hợp phù hợp với thực tế", GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết.
Cũng theo Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh có thể chọn học các chuyên đề của 3 môn học phù hợp nhất với định hướng nghề nghiệp của mình, ví dụ Ngữ văn, Lịch sử, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật. Ngoài ra, các em có thể chọn thêm 2 môn học ở nhóm khác như Sinh học, Tin học (hoặc Công nghệ, Âm nhạc).
Về phía nhà trường, cách đơn giản nhất là tổ chức các lớp học cố định để học các môn học bắt buộc như trước nay. Thứ hai, tổ chức các lớp học chuyên đề và xác định sĩ số mỗi lớp theo đúng quy định. Nếu sĩ số đăng ký vượt với sĩ số lớp học theo quy định thì học sinh chuyển sang nguyện vọng 2. Căn cứ để xếp học sinh nguyện vọng 1 là "độ dốc" của điểm thi đầu vào lớp 10 THPT hoặc điểm tổng kết môn học đó ở THCS. Trên cơ sở quy định của chương trình, nguyện vọng của học sinh, đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất của mình, các trường sẽ xác định những tổ hợp phù hợp với thực tế.
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT cũng thừa nhận, khi ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GD&ĐT đã nhận thấy bất cập trong quá trình thực hiện việc lựa chọn 5 môn học trong 3 nhóm môn học, sẽ xuất hiện nhiều tổ hợp môn học mà điều kiện giáo viên, cơ sở vật chất của nhà trường rất khó có thể đáp ứng được tất cả nguyện vọng của học sinh.
Để giải quyết vấn đề này, trong Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT đã quy định các trường có thể xây dựng các tổ hợp môn học từ 3 nhóm môn học và chuyên đề học tập nói trên để vừa đáp ứng nhu cầu của người học vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường. Từ năm 2020, Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản pháp lý, đồng thời tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên. Theo đó, đã có nhiều ví dụ cụ thể về việc xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường, trong đó các trường tham gia tập huấn căn cứ vào điều kiện thực tiễn của trường xây dựng một số tổ hợp môn học lựa chọn theo 3 định hướng của chương trình, phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường.
Trên cơ sở 3 tổ hợp chính, mỗi tổ hợp ngoài các môn thuộc 3 nhóm theo định hướng trong chương trình thì các môn còn lại được lựa chọn từ 2 nhóm còn lại cần bảo đảm sự phù hợp để bảo đảm thuận lợi cho học sinh học tập. Như vậy, với mỗi định hướng có thể có 1-2 tổ hợp có cùng các môn thuộc nhóm chính và khác các môn thuộc 2 nhóm còn lại. Số tổ hợp và số lớp/mỗi tổ hợp do nhà trường quyết định nhằm bảo đảm sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất của nhà trường./.