Nhiều năm nay, một số hộ dân trú đội 6 (thôn Ðức Long, xã Ân Ðức, huyện Hoài Ân, Bình Định) buộc phải chui qua hàng rào thép gai hoặc bắc thang qua tường người khác để đi nhờ. Nguyên nhân do tranh chấp đất đai nên bị hàng xóm chặn đường ra mặc dù người dân và chính quyền địa phương cũng xác nhận con đường này là đường đi chung, nằm trong quy hoạch.
Vụ việc xảy ra đã nhiều năm qua, nhiều phiên tòa đã được mở ra để xét xử vụ tranh chấp đường đi này nhưng không hiểu tại sao vụ việc vẫn dây dưa, chưa được giải quyết dứt điểm, người dân chỉ biết kêu trời dù ai đúng, ai sai tòa án đã nêu rõ.
Nhiều người dân ở đội 6, thôn Ðức Long cho biết: Năm 1993, bà Đào Thị Phiển (ngụ ở địa phương) được UBND huyện Hoài Ân giao cấp quyền sử dụng thửa đất số 470, tờ bản đồ số 04, diện tích (300m2 đất ở, 7.316m2 đất vườn) tại thôn Đức Long, xã Ân Đức, huyện Hoài Ân, Bình Định.
Sáng 12/7, PV về đội 6, thôn Đức Long để ghi nhận phản ánh của người dân về vụ việc trên thì rất nhiều người trong nhà ông Hồ Ngọc Toàn buông lời chửi bới, ghi hình PV khi PV làm việc, gây mất ANTT, thể hiện thái độ coi thường pháp luật.
Trước thời điểm năm 1993, bà Phiển và một số hộ dân trong xóm đều sử dụng chung lối đi qua đất nhà bà Phiển, qua đất nhà bà Bưởi (thửa đất này sau đó được chuyển quyền sử dụng cho ông Hồ Ngọc Toàn - cháu bà Bưởi) để ra con đường liên thôn. Khi UBND huyện Hoài Ân giao cấp quyền sử dụng đất cho bà Phiển và các hộ dân trong xóm đã công nhận đó là con đường đi chung duy nhất của các hộ được thể hiện trên bản đồ.
"Tuy nhiên, đến giữa năm 2017, ông Hồ Ngọc Toàn tự ý đổ đất chắn lối đi vào nhà bà Phiển, bít con đường đi chung từ trước đến nay của nhiều hộ dân trong xóm lại. Lý do ông Toàn cho rằng đó là đất của bà nội mình nên không cho ai đi ngang qua. Từ đó đến nay, nhiều hộ dân ở đội 6 bỗng dưng bị mất lối đi", ông Huỳnh Tấn Hùng (đội 6, thôn Đức Long) bức xúc.
Theo quan sát của PV, đầu con đường dẫn từ nhà một số hộ dân đội 6 ra con đường bê tông liên thôn bị đổ đất chắn ngang và dùng thép gai, có các trụ bê tông kiên cố để rào lại. Người dân ở đây muốn đi ra phải chui xuống dưới lớp thép này, còn phương tiện thì không thể ra được. Vì quá khó khăn, một số hộ dân đã buộc phải mở một con đường nhỏ khác mà theo họ là rất xa để đi ra ngoài khu vực. Riêng nhà ông Huỳnh Tấn Hùng buộc phải leo qua tường rào nhà đối diện để đi, xe máy cũng phải gửi nhờ nhà người khác chứ không có đường đưa về nhà.
Ngày 1/1/2019, TAND huyện Hoài Ân đã mở phiên tòa xét xử vụ án "Tranh chấp quyền về lối đi qua" giữa nguyên đơn là bà Đào Thị Phiển, bị đơn là ông Hồ Ngọc Toàn. Tại đây, TAND huyện Hoài Ân đã chấp nhận đơn khởi kiện của bà Đào Thị Phiển, giữ nguyên con đường đi chung của cả xóm.
Không chấp nhận quyết định của TAND huyện Hoài Ân, ông Hồ Ngọc Toàn có đơn kháng cáo.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Huỳnh Văn Việt, Phó Chánh VP HĐND và UBND huyện Hoài Ân, trưởng ban tiếp dân huyện cho biết, tại phiên tòa xét xử ở TAND huyện, hội đồng yêu cầu ông Hồ Ngọc Toàn phải tháo dở hàng rào, trả con đường đi chung lại cho người dân nhưng ông Toàn không trả.
"Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 30/9/2020 của TAND tỉnh Bình Định, hội đồng xét xử cũng nhận định hộ ông Hồ Ngọc Toàn sai. Tòa án tỉnh Bình Định không ra bản án do nhận định con đường này do lịch sử để lại, đã có từ lâu rồi. Việc yêu cầu ông Toàn trả lại con đường cho bà con không thuộc thẩm quyền của tòa mà là thẩm quyền xử lý của UBND xã Ân Đức. Tòa cũng động viên ông Toàn về tháo dỡ thép chắn nhưng đến nay vẫn chưa chịu tháo dỡ", ông Việt nói.
Ông Trần Văn Tảo - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ân Đức cũng khẳng định: "Theo quy hoạch chung là có con đường đó".
Thế nhưng không hiểu sao, đến nay nguyện vọng chính đáng của người dân là được đi trên con đường có trong quy hoạch nhà nước vẫn không thể thực hiện được. Hộ ông Toàn ngang nhiên rào chắn lối đi chung nhưng lại không bị xử lý. Một vụ việc tưởng đơn giản qua nhiều phiên tòa vẫn chưa giải quyết dứt điểm, không chỉ gây bức xúc trong người dân mà còn ảnh hưởng đến ANTT địa phương.