Ngày 1/7, tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa XIII) về trường chính trị chuẩn.
Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng chủ trì Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng cho biết, mục đích công nhận trường chính trị chuẩn nhằm chuẩn hóa, nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn và các hoạt động khác của trường chính trị.
Ngoài ra, chuẩn hóa các mặt công tác sẽ tạo cơ sở cho các trường chính trị tăng cường việc hợp tác, chia sẻ nguồn lực đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học cả trong nước và quốc tế. Trên cơ sở kết quả chuẩn hóa, các trường chính trị cấp tỉnh nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, góp phần xây dựng hệ thống chính trị của Đảng, Nhà nước ở địa phương vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của cách mạng nước ta trong tình hình mới.
Nội dung cốt lõi của Quy định số 11-QĐ/TW chính là Bộ Tiêu chí trường chính trị chuẩn là căn cứ đánh giá trường chính trị trong từng lĩnh vực hoặc nội dung hoạt động. Một trong những quy định trong Bộ Tiêu chí trường chính trị chuẩn mức 1 là ít nhất 90% giảng viên có trình độ chuyên môn từ thạc sỹ trở lên, phù hợp với chuyên môn giảng dạy, có trình độ trung cấp lý luận chính trị hoặc tương đương trở lên. Tuy nhiên, qua rà soát sơ bộ, hiện nay, mới chỉ có một trường (Nghệ An) đáp ứng trên 80% số tiêu chí. Thực tế đó cho thấy, cả hệ thống hiện nay đang có những khó khăn trong việc đáp ứng các tiêu chí theo Quy định 11-QĐ/TW.
Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đề nghị lãnh đạo trường chính trị tại các địa phương nhanh chóng phổ biến thông tin, quán triệt đến đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên của trường về những tiêu chí trong Quy định; rà soát, thống kê hiện trạng của trường về các lĩnh vực công tác cần chuẩn hóa, nhất là về đội ngũ cán bộ, viên chức; hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, cơ sở vật chất...
Để công tác giảng dạy đạt kết quả tốt, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, bên cạnh việc tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, cán bộ, giảng viên trường chính trị phải gương mẫu toàn diện từ lời nói đến việc làm; thường xuyên trau dồi đạo đức, chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia tích cực vào công cuộc đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, các quan điểm sai trái, thù địch.
Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng đề nghị, các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương tiếp tục quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức trường chính trị; kiên quyết không điều động, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống trường chính trị cấp tỉnh để giải quyết tình thế, để chờ nghỉ hưu hoặc "có vấn đề" không tốt từ các cơ quan khác.
Bên cạnh đó, lãnh đạo các địa phương chỉ đạo và tạo điều kiện để trường chính trị tăng cường mở các lớp trung cấp lý luận chính trị hệ tập trung tại trường; bảo đảm chế độ chính sách đối với cán bộ, giảng viên, học viên. Từ đó, phấn đấu 100% cán bộ giảng dạy ở các trường chính trị phải có trình độ cao cấp lý luận chính trị.
Đặc biệt, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương cần phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tham mưu triển khai Quy định tiêu chí trường chính trị chuẩn và hướng dẫn quy trình, tham gia thẩm định, công nhận trường chính trị chuẩn; thống nhất tham mưu quy định về tiêu chuẩn, đối tượng học Trung cấp lý luận chính trị.
Bộ Nội vụ phối hợp với Học viện thống nhất trong chỉ đạo, hướng dẫn chế độ làm việc của cán bộ, công chức, giảng viên trường chính trị; việc đào tạo, bồi dưỡng giảng viên. Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Học viện trong việc hướng dẫn chính sách có liên quan, cần có những quy định đặc thù cho giảng viên trường Đảng trong chính sách phong chức danh khoa học, danh hiệu nhà giáo...
Tại Hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Bùi Huyền Mai cho biết, thành phố luôn coi trọng công tác xây dựng, phát triển Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong trở thành Trung tâm đào đào, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học, lý luận có uy tín, chất lượng của Thủ đô và đất nước. Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhiều giải pháp đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng, đảm bảo mục tiêu, yêu cầu đặt ra; tích cực xây dựng chiến lược phát triển, gắn với những tiêu chí theo Quy định của Trung ương. Đội ngũ cán không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, hiện 63/63 giảng viên của trường có trình độ thạc sỹ trở lên.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Bùi Huyền Mai cho rằng, việc chuẩn trường chính trị là rất cần thiết, kịp thời, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ, tuy nhiên việc kiện toàn bộ máy, nhân sự cần phù hợp với các chức năng của trường chính trị cũng như đặc thù của từng địa phương. Bà Bùi Huyền Mai đề nghị Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh kiến nghị với Đảng, Nhà nước cho phép giảng viên các trường chính trị được học cao cấp lý luận chính trị theo cơ chế đặc thù về tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu trong Quy định số 11-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa XIII)./.