Đã có nhiều dự đoán cho rằng, ông Tập Cận Bình đang củng cố quyền lực để tiếp tục điều hành đất nước thêm một nhiệm kỳ nữa.
Nhiệm kỳ thứ 2 của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới qua nửa chặng đường nhưng đã có nhiều dự đoán cho rằng, ông đang củng cố quyền lực để tiếp tục điều hành đất nước thêm một nhiệm kỳ nữa.
Chuẩn bị cho Đại hội Đảng vào năm 2022
Như thường lệ tại Trung Quốc, đến thời điểm này, khi phiên họp toàn thể thứ 5 của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19 bế mạc, kế hoạch 5 năm lần thứ 14 đã được dự thảo, cũng là lúc giới quan chức Trung Quốc bắt đầu chuẩn bị cho đại sự kiện thay đổi nhân sự 5 năm 1 lần, sẽ diễn ra vào tháng 10/2022.
Với việc hiến pháp đã được sửa đổi trong Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc khóa XIII năm 2018, giới hạn nhiệm kỳ đối với vị trí Chủ tịch nước đã được xóa bỏ, mở đường cho Chủ tịch Tập Cận Bình có thể tiếp tục nắm quyền sau khi nhiệm kỳ thứ 2 của ông kết thúc vào năm 2023.
Theo nhận định của giới quan sát chính trị thế giới, vị lãnh đạo 67 tuổi cũng nhiều lần bỏ ngỏ khả năng sẽ duy trì quyền uy thêm nhiệm kỳ nữa.
Trong hồi ký của mình, cựu Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton viết, tại cuộc họp thượng đỉnh diễn ra tháng 12/2018, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng nói với Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng, ông hy vọng “sẽ được làm việc với ông Trump trong 6 năm nữa”.
Khi ấy, việc ông Tập Cận Bình đề cập tới dấu mốc 2024, không chỉ vì muốn thể hiện lời chúc rằng ông Trump đảm nhiệm thêm 1 nhiệm kỳ nữa mà còn được cho là ngầm thể hiện tham vọng về nhiệm kỳ thứ 3 của chính ông ở cương vị Tổng Bí thư sau năm 2022.
Đặt mục tiêu, siết quy định, củng cố vị thế
Theo tạp chí Học giả Ngoại giao ở Nhật Bản, động thái của ông Tập Cận Bình trong nhiều tháng trở lại đây là minh chứng củng cố nhận định trên.
Động thái đầu tiên là thông báo hồi tháng 10 của Đảng Cộng sản Trung Quốc về mục tiêu kinh tế dài hạn tới năm 2035 cũng như kế hoạch 5 năm tiếp theo, bắt đầu từ năm 2021, sau cuộc họp kín của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19.
Đây là lần đầu tiên trong 25 năm, Đảng Cộng sản Trung Quốc đặt ra mục tiêu dài hạn đến như vậy (tới 15 năm). Lần gần nhất, Trung Quốc đặt ra kế hoạch dài hơi tới cả chục năm là từ năm 1995 (dưới thời Tổng Bí Thư Trung Quốc Giang Trạch Dân).
Trong đó, kế hoạch đề ra: Trung Quốc phải xây dựng quân đội hiện đại tính đến năm 2027. Dấu mốc này không chỉ trùng khớp sự kiện cực kỳ quan trọng đó là kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).
Theo đó, để đạt được mục tiêu trên, Bắc Kinh phải hiện thực hóa những sáng kiến về tăng cường quân sự do chính ông Tập Cận Bình đề ra.
Tờ Japan Times dẫn một nguồn tin quân sự tại Bắc Kinh giấu tên cho rằng, “chi tiết này cho thấy, ông Tập muốn giữ vị trí Chủ tịch Quân ủy Trung ương cho đến ít nhất năm 2027”.
Trong khi đó, người lãnh đạo ở cương vị này sẽ điều hành PLA, thậm chí còn được đánh giá có quyền lực mạnh hơn vị trí Tổng Bí thư (chức danh này hiện cũng do ông Tập Cận Bình nắm giữ).
Một chi tiết khác là việc truyền thông Trung Quốc công bố quy định làm việc đối với Ban Chấp hành Trung ương Đảng (gần 200 thành viên) cũng được công bố trong tháng 10. Văn bản mới phản ánh rõ mức độ tham vọng của ông Tập khi yêu cầu các cán bộ Đảng phải đảm bảo chắc chắn vị thế của Tổng Bí thư Tập Cận Bình luôn là nòng cốt trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng như toàn đảng.
Văn bản còn quy định: Tổng Bí thư có quyền ấn định chương trình họp của Thường vụ Bộ Chính trị - cơ quan đưa ra quyết định hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc, hiện có 7 thành viên, kể cả ông Tập Cận Bình.
Điểm mấu chốt là Ban Chấp hành đã thống nhất đưa tên ông Tập Cận Bình vào tên các quy tắc. Theo nhận định trong bài bình luận của Japan Times, có thể với quy định mới, các cán bộ đảng không còn được phép chỉ trích hay phản đối sự lãnh đạo của ông Tập dưới bất cứ hình thức nào./.