"Chữa bệnh" bằng nhiều phương pháp
Căn cứ vào Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có hiệu lực về cho vay trả nợ các ngân hàng, nhiều nhà băng đã áp dụng lãi suất 5,6%/ năm với thời hạn vay lên tới 30 năm.
Cụ thể, VietinBank áp dụng mức lãi suất cho vay từ 5,6%/ năm và 7,5%/năm tương ứng với vay sản xuất kinh doanh và vay tiêu dùng. Theo đó, mức cho vay lên tới 100% dư nợ gốc còn lại ở ngân hàng khác và ân hạn nợ gốc lên tới 24 tháng. Tối đa vay trong 35 năm và không quá thời gian còn lại của khoản vay ở nhà băng khác.
Vietcombank cũng áp dụng chính sách cho vay vốn để khách hàng trả nợ trước hạn khoản vay ở ngân hàng khác. Cụ thể, nhà băng này áp dụng mức lãi suất ưu đãi từ 6,9%/năm trong 6 tháng đầu hoặc 7,5%/năm trong 12 tháng đầu hoặc 8%/năm trong 24 tháng đầu đối với các khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống.
Tại Techcombank, khách hàng có thể chuyển khoản vay bất động sản từ ngân hàng khác sang Techcombank với lãi suất vay từ 7,3%/năm, ân hạn gốc 24 tháng. Số tiền cho vay và thời gian cho vay tương đương với khoản vay của khách hàng tại ngân hàng cũ.
MB Bank cho biết, đang triển khai chương trình chuyển khoản vay bất động sản từ ngân hàng khác với lãi suất chỉ 8%/năm cố định trong 12 tháng.
Agribank đưa ra 6%/năm trong 6 tháng đầu hoặc từ 6,5%/năm trong 12 tháng đầu hoặc từ 7,5%/năm trong 24 tháng đầu. Ngân hàng sẽ điều chỉnh lãi suất cho vay theo tình hình thực tế.
Theo thống kê của NHNN, trong tuần cuối tháng 9, tín dụng đã tăng mạnh khi gần 120.000 tỷ đồng chảy ra nền kinh tế.
Tín dụng toàn nền kinh tế tính đến ngày 29/9 đạt 12,7 triệu tỷ đồng, tăng 6,9% so với hồi đầu năm, cao hơn so với dự báo của NHNN là 6,1-6,2%.
Theo cơ quan quản lý, tín dụng toàn nền kinh tế tính đến ngày 21/9 tăng 5,9% so với hồi đầu năm, nghĩa là bình quân mỗi tháng ghi nhận mức tăng tín dụng hơn 0,6%, đạt 12,63 triệu tỷ đồng. Theo đó, tín dụng tăng được 1% chỉ trong 9 ngày của cuối tháng 9, nghĩa là khoảng 120.000 tỷ đồng được bơm ra nền kinh tế.
Vào ngày 10/10 vừa qua, NHNN đã thông báo kết quả đấu thầu tín phiếu kỳ hạn 28 ngày. Trong số 11 thành viên tham gia đấu thầu, có sáu thành viên trúng thầu gần 10.000 tỉ đồng, với lãi suất 0,8%/năm, giảm 0,2%/năm so với phiên phát hành ngày 9-10.
Như vậy kể từ đợt phát hành đầu tiên vào ngày 21/9, đến nay NHNN đã phát hành gần 155.700 tỉ đồng tín phiếu. Theo các chuyên gia, động thái này của Ngân hàng Nhà nước chỉ nhằm "chữa bệnh" thừa thanh khoản, giảm áp lực lên tỉ giá.
Vẫn còn khó “dứt bệnh”
Trao đổi với báo chí, ông Phạm Thanh Hà, phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, khẳng định việc Ngân hàng Nhà nước điều tiết tín phiếu ngắn hạn nhằm mục đích giảm bớt thanh khoản dư thừa trên hệ thống, cố gắng để không tác động lớn tới mặt bằng lãi suất. "Lãi suất thị trường liên ngân hàng vẫn ổn định. Mặc dù vậy, áp lực thời gian tới vẫn rất lớn khi chúng ta cần cân đối giữa lãi suất và tỉ giá", ông Hà nói.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, cũng cho rằng động thái này của nhà điều hành là nhằm hút bớt lượng tiền lưu thông bởi các ngân hàng đang dư thừa tiền. "Việc hút một lượng tiền về của Ngân hàng Nhà nước còn nhằm giảm áp lực đầu cơ tỉ giá trong ngắn hạn. Mặt khác, động thái này của Ngân hàng Nhà nước có thể hạn chế phần nào đó dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán, bất động sản, vàng...", ông Hiếu nói.
Cũng theo ông Hiếu, các doanh nghiệp đang khó khăn, cần có hỗ trợ từ lãi suất thấp và Việt Nam cũng đang thực hiện các chính sách hỗ trợ để phục hồi nền kinh tế. Trong thực tế, chính sách tiền tệ đang áp dụng theo hướng nới lỏng bằng cách hạ lãi suất. Do đó, việc phát hành tín phiếu để rút tiền chưa phải là dấu hiệu rõ rệt về việc thắt chặt chính sách tiền tệ của nhà điều hành.
Trước đó, tại cuộc họp về vấn đề "giải cứu" tồn kho tiền trong hệ thống ngân hàng do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã đề nghị NHNN và các bộ, cơ quan phát huy tinh thần cầu thị, nghiên cứu kỹ lưỡng các ý kiến đóng góp để chủ động có giải pháp tháo gỡ ngay theo thẩm quyền và quy định.
TS Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương cho rằng, chỉ riêng ngành ngân hàng sẽ khó giải quyết được vấn đề thừa tiền trong hệ thống nhà băng. Các chính sách điều hành cần hướng dòng tiền vào khu vực có khả năng phục hồi, phát triển, dẫn dắt nền kinh tế, kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp…