Tại phiên họp thường kỳ của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An mới đây, tỉnh này đã thống nhất chủ trương sáp nhập Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, Trường Cao đẳng Văn hóa – Nghệ thuật Nghệ An và Trường Đại học Kinh tế Nghệ An thành Trường Đại học Nghệ An.
Việc thực hiện chủ trương này được cho là một chỉ số rất quan trọng trong phát triển toàn diện và bền vững, góp phần tạo sức hút về các nguồn lực cho phát triển tỉnh này. Đồng thời, việc sáp nhập để các trường mạnh hơn, giải quyết những khó khăn, bất cập đối với những mô hình đang triển khai nhằm thay đổi bộ mặt giáo dục đại học tại Nghệ An.
Tuy nhiên, dư luận cũng đặt ra nhiều băn khoăn về quá trình hiện thực hóa chủ trương nói trên, liệu các trường có đối mặt với khó khăn, vướng mắc gì trong sắp xếp cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên hay không?
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Đình Tường - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kinh tế Nghệ An cho rằng, chủ trương sáp nhập trường là đúng đắn và có tác động rất lớn đến các trường, vì thế cần có những bước đi thận trọng và chắc chắn.
"Trong quá trình các trường hiện thực hóa chủ trương thì may mắn lớn nhất là luôn có sự ủng hộ của lãnh đạo và các ban, ngành trong tỉnh nên mọi việc diễn ra khá thuận lợi.
Các trường cũng phải nhìn nhận thực tế là, nếu không có sự thay đổi, vẫn giữ nguyên mô hình hoạt động như hiện tại thì không thể phát triển hơn được.
Như hiện tại, Trường Đại học Kinh tế Nghệ An cũng chỉ có khoảng 140 cán bộ, giảng viên. Quy mô này nếu đem so sánh thì cũng chưa bằng 1 khoa của một trường đại học lớn. Qua đó cho thấy, việc đưa ra chủ trương sáp nhập trong thời điểm này là hợp tình, hợp lý và phù hợp với nguyện vọng của các cán bộ, giảng viên trong trường".
Ngoài ra, theo vị Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kinh tế Nghệ An, quá trình hiện thực hóa chủ trương chắc chắn sẽ gặp phải một số khó khăn nên rất cần sự đồng lòng và phối hợp giữa các đơn vị để có thể vượt qua.
Trong đó, thầy Tường nhấn mạnh việc chi trả lương cho các giảng viên của các trường nằm trong đề án sáp nhập hiện tại đang khác nhau. Vì thế, sau khi sáp nhập, các trường cũng mong muốn nhận được cơ chế hỗ trợ của địa phương trong chi trả chế độ đối với giáo viên trong giai đoạn đầu để các trường từng bước tháo gỡ.
Vị này cho biết: "Hiện tại tôi được biết ở Trường Cao đẳng sư phạm Nghệ An, hiện việc chi trả lương cho giáo viên đang được tài trợ hoàn toàn bằng ngân sách của nhà nước.
Như vậy, nếu sáp nhập để thành Trường Đại học Nghệ An thì trong giai đoạn đầu, ít nhất cơ chế chi trả lương cũng cần phải được đảm bảo như vậy. Nếu ngay lập tức cắt cắt cơ chế đó thì theo tôi là khó đối với nhà trường".
Bên cạnh đó, theo thầy Tường, việc duy trì các lĩnh vực đào tạo của từng trường để không gây xáo trộn sau khi thực hiện việc sáp nhập cũng cần sự tính toán và điều chỉnh linh hoạt.
Về việc này, thầy Tường cho hay: "Đối với Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Nghệ An, lâu nay có thế mạnh và chủ yếu là đào tạo nghề. Tuy nhiên, theo Luật Giáo dục đại học thì các trường đại học sẽ không đào tạo nghề. Vì vậy, sau khi sáp nhập làm sao để đảm bảo cho hoạt động đào tạo trước đây của các trường cao đẳng nghề không bị ảnh hưởng cũng là điều khó khăn.
Điều này cũng cần có thêm cơ chế và sự tính toán kỹ lưỡng để không gây ra sự lãng phí nguồn lực và phù hợp với những ngành mà hiện tại Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Nghệ An đang có thế mạnh".
Từ đó, nhận định tổng quan về nhân lực để có thể mở đủ ngành theo yêu cầu đặt ra nếu Trường Đại học Nghệ An chính thức thành lập, thầy Tường cho rằng, đội ngũ giảng viên của các trường đang hiện có là chưa đủ đáp ứng với yêu cầu đặt ra.
"Hiện tại, Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật với đặc thù của một trường đào tạo nghề thì việc sử nguồn dụng nhân lực ra sao để không gây sự lãng phí nhân lực cũng cần được tính toán kỹ.
Còn với Trường Cao đẳng sư phạm Nghệ An, qua xem xét chúng tôi được biết, nhân lực có trình độ Tiến sĩ, Thạc sĩ của trường này chỉ mới đáp ứng mở được ngành sư phạm của giáo dục mầm non và tiểu học.
Vì thế, nội tại nhân lực mở ngành chủ yếu vẫn là của Trường Đại học Kinh tế Nghệ An là chính", Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Nghệ An nhận định.
Qua đó, vị này cũng nêu lên nguyện vọng, nếu Trường Đại học Nghệ An chính thức thành lập thì mong muốn được tỉnh Nghệ An có chính sách hỗ trợ ít nhất là trong 3 đến 5 năm đầu trong việc thu hút Tiến sĩ, Phó Giáo sư. Đồng thời, có sự hỗ trợ về kinh phí đối với đội ngũ được cử đi đào tạo để có thể đáp ứng điều kiện thiết yếu mở mã ngành.
Chia sẻ thêm về việc này, Tiến sĩ Trần Anh Tư - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An kỳ vọng, chủ trương đúng đắn này của tỉnh Nghệ An có thể góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học cho khu vực Bắc miền Trung nói riêng.
"Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An lâu nay đóng vai trò là đào tạo nguồn nhân lực sư phạm cho giáo dục mầm non và tiểu học cho tỉnh Nghệ An và các vùng lân cận.
Tuy nhiên, trong bối cảnh khi Luật Giáo dục sửa đổi có yêu cầu việc nâng chuẩn của giáo viên tiểu học và trung học cơ sở lên trình độ đại học. Là một trường cao đẳng sư phạm, chúng tôi nhận thấy rõ việc khó khăn trong công tác tuyển sinh sinh viên của ngành sư phạm theo học tại trường.
Vì vậy chủ trương này của tỉnh Nghệ An ra đời trong thời điểm này là hợp tình, hợp lý và nhận được sự đồng tình rất lớn của dư luận cũng như cán bộ, giảng viên trong tỉnh", thầy Tư nhấn mạnh.
Cũng theo vị này nhận định, để thực hiện được các yêu cầu của việc sáp nhập đáp ứng các tiêu chí thành một trường đại học theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì cần một quá trình rất dài mới có thể hoàn thiện được.
Qua đó, vị lãnh đạo này nêu lên một số khó khăn: "Trong quá trình thực hiện, chúng tôi cũng đã nhận được sự ủng hộ và động viên rất lớn của các lãnh đạo và ban, ngành trong tỉnh. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã lường trước những khó khăn phải đối diện.
Thứ nhất, với thực tại của đội ngũ giảng viên không chỉ của Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An mà kể cả với Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Nghệ An nếu nói để đáp ứng ngay lập tức yêu cầu của một trường đại học là rất khó.
Thứ hai, về cơ sở vật chất hiện tại các trường cũng đang trong tình trạng manh mún. Cụ thể, có 2 trường cao đẳng và 1 trường đại học nhưng có tổng hợp đến 8 cơ sở ở các địa điểm khác nhau. Khi sáp nhập thì ai cũng mong muốn có một diện tích đủ rộng để có thể xây dựng cơ sở vật chất đồng bộ theo yêu cầu của trường đại học. Điều này cũng đang là cái khó trong việc bố trí.
Ngoài ra, đặc thù ngành nghề của các trường thực hiện việc sáp nhập cũng đang không đồng bộ. Vì thế để bố trí hợp lý cho đội ngũ của các trường sao cho hài hòa và không lãng phí nguồn nhân lực hiện có cũng đang là bài toán căng não".
Qua đó, theo thầy Tư, với đội ngũ giảng viên như hiện tại mà nhà trường đang có là không phải thực hiện việc tinh giản. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu mở ngành khi Trường Đại học Nghệ An chính thức thành lập thì với đội ngũ nói trên bắt buộc phải cần đi học để nâng cao trình độ phù hợp với yêu cầu đặt ra.
"Để làm được điều này thì rất cần sự quyết tâm và đồng thuận của toàn bộ giảng viên trong trường. Đồng thời cần sự quan tâm, hỗ trợ của các ban ngành trong tỉnh, đặc biệt là về kinh phí để có thể hoàn thiện các yêu cầu tối thiểu của mô hình trường đại học khi Trường Đại học Nghệ An chính thức được thành lập", Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An chia sẻ thêm.