Chủ một trường mầm non tư thục tại quận 12, TP.HCM cho biết thời gian nghỉ dịch, trường thực hiện khai báo bảo hiểm xã hội theo hình thức báo giảm không lương. Nhờ việc báo giảm không lương này thì cán bộ, nhân viên, giáo viên của trường được nhận trợ cấp hỗ trợ người lao động trong dịch COVID-19.
Từ tháng 2-2022, khi được phép hoạt động lại, trường thực hiện khai báo bảo hiểm xã hội tăng. Tuy vậy, tiền bảo hiểm xã hội của trường từ tháng 4, tháng 5-2021 còn bị nợ. Vì thế, đời sống của giáo viên ở trường bị ảnh hưởng do bảo hiểm xã hội cắt hết các thẻ bảo hiểm y tế của giáo viên. "Các giáo viên của chúng tôi không được chi trả bảo hiểm y tế khi đi khám chữa bệnh", chủ trường này nói.
Không chỉ vậy, với số tiền nợ bảo hiểm xã hội từ tháng 4, tháng 5-2021, nhà trường phải đóng lãi với mức 1%/tháng, tương ứng với 12%/năm.
"Chúng tôi nợ tiền bảo hiểm xã hội chỉ vài chục triệu nhưng sau mấy tháng không hoạt động, tiền lãi nhiều đến chóng mặt. Trong tình hình ngành mầm non khó khăn vì sĩ số học sinh không đủ, cơ sở vật chất phải đầu tư lại… mà ngành bảo hiểm xã hội còn thu tiền lãi cả một thời gian dài nghỉ vì dịch như vậy, chúng tôi đến khốn đốn", chị chủ trường này than vãn.
Tình hình diễn ra tương tự tại hệ thống Trường mầm non Việt Đức. Bà Nguyễn Thị Minh Uyên, chủ hệ thống này, cho biết có hệ thống trường ở nhiều quận, huyện và cũng gặp tình trạng tương tự.
"Theo quy định đóng bảo hiểm xã hội, trường làm việc trong tháng 4-2021 xong thì sẽ đóng bảo hiểm vào tháng 5-2021, nhưng lúc đó trường nghỉ nên báo giảm. Đến khi trường mở cửa trở lại, báo tăng nhưng vẫn chưa có nguồn thu để đóng bảo hiểm xã hội được. Thương nhất là giáo viên chúng tôi khi đi khám thì bị cắt hết thẻ bảo hiểm y tế và nhà trường phải đứng ra chi trả các khoản này cho các cô" - bà Nguyễn Thị Minh Uyên cho biết.
Trong một diễn biến khác, chủ một trường mầm non tại quận Bình Tân cũng cho hay tháng 5-2021, trường đã báo lên bảo hiểm xã hội và hai bên chốt lại số tiền mà trường phải thanh toán bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, tháng 1-2022, trường nhận được email thông báo phát sinh tiền nợ bảo hiểm xã hội từ tháng 6. Vì thế, giáo viên của trường trong giai đoạn này không được hưởng các chính sách bảo hiểm y tế.
"Tôi rất bức xúc. Chúng tôi đã chốt với bảo hiểm xã hội tất cả các khoản, nhưng cuối cùng vẫn bị liệt vào diện nợ bảo hiểm và vì thế giáo viên chúng tôi không được hưởng những chính sách đáng được hưởng do sự hướng dẫn không rõ ràng của ngành này", chủ trường này bức xúc.
Theo nhiều chủ trường mầm non, trong bối cảnh nghỉ dịch lâu dài và khó khăn hiện nay của ngành mầm non, họ mong muốn bảo hiểm xã hội có những chính sách hỗ trợ ngành.
"Tôi mong ngành bảo hiểm xã hội tính toán lại và không thu lãi phạt các cơ sở giáo dục trong giai đoạn này. Lãi phạt như vậy là quá cao, 12%/năm khiến các trường càng khó khăn hơn", bà Nguyễn Thị Minh Uyên nêu ý kiến.
Trả lời báo Tuổi Trẻ, đại diện Bảo hiểm xã hội TP.HCM cho biết: căn cứ điều 21 Luật bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13, điều 15 Luật bảo hiểm y tế số 46/2014/QH13, điều 44 Luật việc làm số 38/2013/QH13, điều 41, 44 Luật an toàn vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động là hằng tháng trích từ tiền lương của người lao động theo quy định tại khoản 1 điều 85 của luật này để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội.
Căn cứ điểm b khoản 3 điều 6 quyết định số 60/2015/QĐ-TTg ngày 21-11-2015 của Thủ tướng Chính phủ quyết định cơ chế quản lý tài chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp quy định trường hợp trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp từ 30 ngày trở lên, số tiền lãi phải thu bằng hai lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng;
Cơ quan Bảo hiểm xã hội thành phố chia sẻ khó khăn mà đơn vị gặp phải do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Bảo hiểm xã hội thành phố đã kịp thời triển khai ngay các gói hỗ trợ nhằm giúp cho các đơn vị trên địa bàn thành phố giảm bớt phần nào gánh nặng như: hỗ trợ người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí tử tuất; giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ 0,5% xuống 0% từ tháng 7-2021 đến tháng 6-2022; giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống 0% từ tháng 10-2021 đến tháng 9-2022.
Ngoài ra cơ quan Bảo hiểm xã hội còn xác nhận kịp thời cho người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội để được hưởng các gói hỗ trợ từ UBND thành phố hoặc từ Chính phủ; hỗ trợ bằng tiền cho người lao động từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp… Hiện nay ngoài các chính sách trên, chưa có quy định nào cho phép đơn vị được giãn tiền nợ bảo hiểm./.