''Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022'' với chủ đề ''Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững' khai mạc sáng 18/9.
Diễn đàn do 4 cơ quan đồng chủ trì, gồm: Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự diễn đàn với tư cách khách mời.
Tăng khả năng tự cường của nền kinh tế
Phát biểu khai mạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ nhờ các quyết sách của trung ương, Quốc hội, điều hành quyết liệt của Chính phủ, các cấp nên tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục ổn định, đạt được các kết quả rất tích cực, quan trọng.
Sau khi giảm sâu nhất trong quý III/2021 (âm 6,02%), kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP, tăng trưởng từng bước phục hồi từ quý IV/2021 và phục hồi mạnh mẽ từ đầu năm 2022 đến nay.
Các tổ chức quốc tế như WB, IMF, ADB... dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam từ 6,7-7,5%, lạm phát dưới 4%.
Trong tháng 8/2022, tổ chức xếp hạng tín dụng Moody’s dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt 8,5% năm 2022, mức cao nhất ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Ngày 6/9, tổ chức này nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng ổn định. Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và là một trong 4 quốc gia trên thế giới được Moody’s nâng bậc tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay.
Tuy vậy, theo Chủ tịch Quốc hội, việc giữ vững, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô mà nói rộng hơn là nâng cao năng lực chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế, thúc đẩy, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội còn rất nhiều thách thức.
Trong đó một số cấu phần của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội triển khai còn chậm, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra tại nghị quyết 43 và nghị quyết 11 của Chính phủ, nhất là việc giải ngân gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; gói hỗ trợ lãi suất qua ngân hàng thương mại.
Cấu phần đầu tư cơ sở hạ tầng (quy mô 113.000 tỷ đồng), vốn kỳ vọng sẽ tạo cú hích cho phục hồi kinh tế, song vừa mới được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua danh mục dự án cuối tháng 8-2022 chủ yếu do chậm trễ, khó khăn trong chuẩn bị đầu tư...Giải ngân đầu tư công còn chậm và vẫn là điểm nghẽn. Lạm phát tăng chậm lại song vẫn duy trì ở mức cao, và áp lực tăng trở lại...
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, tăng cường khả năng chống chịu và tự cường của nền kinh tế luôn là mục tiêu hàng đầu, nhất là do kinh tế nước ta có độ mở rất lớn và tình hình thế giới, khu vực luôn có biến động bất thường, khó dự báo.
“Bài học thực tiễn qua hơn 35 năm đổi mới, kể cả trong những giai đoạn khó khăn, thử thách khắc nghiệt như trong 2 năm qua có thể nói rằng bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô như là yếu tố “ bất biến’’ để ứng với “ vạn biến’’ của tình hình kinh tế quốc tế”, ông Huệ nêu rõ.
Đề xuất chính sách năm 2023
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cân nhắc, quyết định lựa chọn vấn đề “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững" làm chủ đề cho Diễn đàn năm 2022 và điều chỉnh tên gọi là Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2022 để bảo đảm tính toàn diện và sát hợp với chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội.
Đồng thời đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận những nội dung chính. Trong đó, phân tích, đánh giá, làm rõ thực trạng, bối cảnh tình hình kinh tế, tài chính, tiền tệ khu vực, thế giới; dự báo xu hướng trung hạn, dài hạn; phân tích, đánh giá những tác động, cơ hội và thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022, 2023 và giai đoạn tiếp theo.
Phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện thực trạng kinh tế - xã hội, nhất là tình hình kinh tế vĩ mô, năng lực chống chịu của nền kinh tế Việt Nam, dự báo cho cả năm 2022, 2023; chỉ rõ các thành tựu, kết quả đã đạt được và cảnh báo những rủi ro bất ổn vĩ mô và bất ổn tài chính cả ở khu vực kinh tế thực (tăng trưởng kinh tế và lạm phát khu vực doanh nghiệp phi tài chính, thị trường bất động sản), khu vực kinh tế đối ngoại (tỷ giá, cán cân vãng lai, dự trữ ngoại hối), khu vực tài chính tiền tệ (quy mô và cấu trúc các thị trường tài chính, ngân hàng, thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm) và rủi ro, bất ổn trong chính sách tài khóa (quy mô, cơ cấu nợ công, cân đối ngân sách nhà nước...)
Tình hình triển khai và kết quả thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43/NQ/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ; việc thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ và phối hợp chính tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác.
Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất chính sách cho Việt Nam trong củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, tăng cường năng lực chống chịu và tự cường của nền kinh tế, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong năm 2023 và định hướng cho cả nhiệm kỳ 2021-2025. Các kiến nghị, đề xuất cụ thể đối với Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong hoạch định và tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật, thể chế, chính sách của Nhà nước.
Diễn đàn diễn ra trong vòng 1 ngày với phiên khai mạc, phiên toàn thể và 2 phiên chuyên đề về “Đẩy mạnh cải cách thể chế - Hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”; và “Thúc đẩy các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững”.
Giải ngân nguồn vốn đầu tư công liên tục chậm là câu chuyện "dài nhiều kỳ":
Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng khi nêu ý kiến tại hội thảo cho biết, chúng ta đang đứng trước tình hình thế giới và trong nước thay đổi rất nhanh, nhiều biến động, bất ổn, tiềm ẩn nhiều rủi ro khó dự báo.
Theo ông Thắng tốc độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công liên tục chậm là câu chuyện "dài nhiều kỳ" về sự lãng phí, có tiền mà không tiêu được. Nguyên nhân quan trọng là chưa tháo gỡ được các nút thắt về cơ chế, chính sách, nhất là các thủ tục về giải phóng mặt bằng, đấu thầu, tìm kiếm các nhà đầu tư có năng lực thật sự và sự thiếu quyết liệt, sợ trách nhiệm… trong việc triển khai các dự án lớn.
Đánh giá củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô không chỉ nằm ở chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ hay quản lý, điều tiết giá, ông Thắng cho rằng, nhiệm vụ này còn đòi hỏi sớm tháo gỡ điểm nghẽn để nền kinh tế vận hành thông suốt, doanh nghiệp tự tin đưa ra các quyết định kinh doanh và đầu tư, khơi thông dòng chảy trên thị trường và khai thác hiệu quả nguồn lực trong xã hội.
Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nêu ba nhiệm vụ cần thực hiện để phát triển kinh tế Việt Nam bền vững: chuyển dịch năng lượng trong khi vẫn phải bảo đảm an ninh năng lượng; cải cách tiền lương, tăng thu nhập và phúc lợi cho người lao động; tiếp tục thực hiện đột phá về thể chế, hạ tầng, khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo./.