Sáng 6/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư Dự án đường vành đai 4 Thủ đô Hà Nội, Dự án đường vành đai 3 TPHCM; các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1), Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1), Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, để chuẩn bị cho 5 dự án đường cao tốc là nội dung khó khăn, tốn nhiều thời gian của các cơ quan Quốc hội và Chính phủ. Trong khi khóa XIV chỉ có một dự án thì khóa XV có đến 5 dự án trọng điểm quốc gia. Đây đều là các dự án có tính chất cấp thiết, là động lực và có tính chất kết nối vùng. Về cơ bản các dự án đã đạt được sự đồng thuận cao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ.

screen-shot-2022-06-06-at-164521-1654509407348-1654509881.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên thảo luận tổ sáng nay 6/6.

Theo Luật Giao thông đường bộ, đường cao tốc và quốc lộ do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) quản lý; tỉnh lộ trở xuống do địa phương quản lý. Tuy nhiên, trong thời kỳ có tới 6 dự án quan trọng quốc gia và các công trình cũ như sân bay Long Thành, Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1… Bộ GTVT không thể làm được và cần giao lại cho địa phương có dự án đi qua làm cơ quan đại diện nhà nước có thẩm quyền.

"Đường vành đai 3 giao cho TPHCM làm đầu mối, Vành đai 4 giao cho Hà Nội làm đầu mối. Riêng 3 dự án đường bộ cao tốc do Bộ GTVT trình, có những đoạn, những dự án nằm cả 2 tỉnh thì giao cho Bộ GTVT phụ trách. Dự án nào nằm trọn tỉnh nào thì tỉnh đó phụ trách" - Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Về nguồn vốn thực hiện dự án, Chủ tịch Quốc hội cho biết, các dự án phải áp dụng nhiều cơ chế đặc thù khác với quy định của luật hiện hành. Đơn cử như Luật Ngân sách không cho phép lấy ngân sách cấp này chi cho cấp kia. 

"Trong điều kiện khó khăn, Quốc hội nên có giải pháp đặc biệt để sử dụng nguồn vốn linh hoạt từ cả trung ương và địa phương. Việc này tùy theo khả năng đóng góp của các địa phương bởi tình huống đặc biệt thì phải có giải pháp đặc biệt" - ông Huệ cho hay. 

Luật quy định là phải đấu thầu nhưng tại các dự án đường cao tốc lại cho phép chỉ định thầu, vì đây là các dự án nằm trong gói kích thích kinh tế và cho phép chỉ định thầu cả phần xây lắp. 

"Đối với đường vành đai 3, vành đai 4 cũng cho phép chỉ định thầu nhưng riêng phần xây lắp phải đấu thầu. Đã có cơ chế đặc thù như này phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, cá thể hóa được trách nhiệm, nhất là trách nhiệm giải trình. Đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu. Nghị quyết Quốc hội cũng sẽ ghi các yêu cầu này" - ông Huệ nhấn mạnh. 

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát để tránh hệ lụy xấu xảy ra. Chúng ta trao quyền nhiều thì phải cá thể hóa trách nhiệm. 

"Người nào quyết định người đó phải chịu trách nhiệm. Tôi chỉ định thầu anh nhưng năng lực của anh không đúng, làm không đến nơi đến chốn thì người quyết định chỉ định thầu phải chịu trách nhiệm" - Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Trước một số ý kiến đề nghị cho sử dụng nguồn cải cách tiền lương để đầu tư các tuyến đấu nối vào đường vành đai, ông Vương Đình Huệ khẳng định sẽ "đụng" đến nghị quyết Trung ương. Cải cách tiền lương khác với việc điều chỉnh lương hàng tháng. 

"Tiền lương không phải là chi một lần, nếu đã đưa vào một năm thì phải chi "đời đời, kiếp kiếp". Nguồn để đảm bảo cải cách tiền lương là rất lớn vì khi đã quyết cải cách là chi thường xuyên chứ không phải chi một lần. Cải cách tiền lương và điều chỉnh tiền lương là khác nhau. Có địa phương nói đủ nguồn nhưng thực chất đó chỉ là đủ cho một năm trong khi phải chi hàng năm" - Chủ tịch Quốc hội cho biết và nhấn mạnh "Quốc hội có Nghị quyết tuyệt đối không được sử dụng nguồn cải cách tiền lương để làm việc khác, dù bất cứ lý do gì"./.