Nhấn mạnh tính chất phức tạp của ổ dịch tại thôn Hạ Lôi, ông Nguyễn Đức Chung đề nghị cách ly, lấy mẫu xét nghiệm tất cả những người liên quan, kể cả những người từng qua lại đây.
 
Ngay khi phát biểu mở đầu cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố sáng 13/4, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã bày tỏ lo ngại về ổ dịch tại thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh) cũng như nguy cơ lây nhiễm dịch trong cộng đồng.
 
Theo ông Chung, có 2 nguồn cung cấp hoa chủ yếu là từ Đà Lạt và Lào Cai chuyển đến chợ hoa tại Mê Linh, sau đó được phân phối bán đi cho tất cả các tỉnh từ Hà Tĩnh trở ra.
 
Trong đó, ông lo ngại nguồn cung cấp hoa cúc bởi hoa này chủ yếu dùng cho khu vực nhà tang lễ hoặc làm vòng hoa phục vụ đám tang. Nhóm này nguy cơ lớn vì trực tiếp tiếp xúc nhiều. Bên cạnh đó, lo ngại còn nằm ở nhóm người Hạ Lôi đi giao hoa cho các nơi.
 
“Quan trọng là phải khoanh gọn lại, vì ngóc ngách của việc bán hoa là đi đến tất cả các cơ quan. Nếu tính theo con đường đó, có thể đến tận UBND thành phố”, ông Chung nói.
 
Người đứng đầu chính quyền thành phố chia sẻ những ngày qua “tương đối sóng gió” với Hà Nội. Sau 1 tháng 6 ngày kể từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên, Hà Nội trở thành địa bàn nóng bỏng, có số ca lây nhiễm cộng đồng nhiều nhất, có ổ dịch lớn nhất cả nước.
 
Tập trung đông người là mảnh đất màu mỡ cho dịch phát triển
 
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung nêu tình hình thế giới đã xấp xỉ 1,8 triệu ca mắc Covid-19 và khoảng 110.000 tử vong.
 
Trong đó, ở những nước có dịch bệnh nặng, họ đều thực hiện cách ly và giãn cách xã hội nhưng với cách thức gần như phong tỏa toàn bộ. Ví dụ các bang của Mỹ, hay ở Moscow (Nga) chỉ có người được cấp thẻ mới được ra ngoài. Ở châu Á, các nước như Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Thái Lan… cũng thực hiện biện pháp tương tự.
 
Đặc biệt như vừa qua, một số vùng của Trung Quốc bùng phát dịch trở lại và họ cũng đã cho phong tỏa ngay lập tức. Họ chấp nhận ở trong phong tỏa toàn bộ vì chỉ có như vậy mới hạn chế dịch lây lan.
 
“Tập trung đông người và đi lại đông người chính là mảnh đất màu mỡ cho dịch bệnh phát triển”, ông Chung nhận định.
 
Nhắc đến Chỉ thị 16 của Thủ tướng về cách ly xã hội, Chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh tính đúng đắn chủ chỉ đạo này, nhưng theo ông, cách làm không được như mong muốn, không thực hiện được việc “nhà nào ở nhà đó, xã nào ở xã đó, tỉnh nào ở tỉnh đó”. Việc cách ly xã hội sau 15/4 có tiếp tục thực hiện hay không, sẽ được Thủ tướng quyết định.
 
Qua nghiên cứu tình hình ở Việt Nam, ông Chung cho biết người dân có “thói quen chết người” là cứ ho, sốt sẽ chạy ra hiệu thuốc, hiệu thuốc sẽ kê rồi bán ngay lập tức. Trong khi các nước mua thuốc phải có chỉ định của bác sĩ.
 
Từ thực tế này, ông Chung đề nghị thông tin cho tất cả hiệu thuốc trên địa bàn thành phố, nếu nắm được thông tin cá nhân nào mua thuốc ho, sốt thời gian qua thì báo ngay cho y tế phường để lấy mẫu xét nghiệm. “Đây là nhiệm vụ tham gia công tác phòng chống dịch, nếu không thông báo cho y tế phường, bỏ sót trường hợp có thể là nguy cơ lây nhiễm thì sẽ xử lý, có thể tước giấy phép vĩnh viễn”, ông Chung nói.
 
Ông cũng yêu cầu tất cả phòng khám tư nhân, bác sĩ tư nhân, kể cả bác sĩ về hưu, nếu có bệnh nhân ho, sốt, khó thở đến khám thì phải thông báo để lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ, không bỏ sót trường hợp nào.
 
Cách ly toàn bộ 14 ngày mới chặt đứt được nguồn lây nhiễm
 
Với ổ dịch tại thôn Hạ Lôi, Chủ tịch Hà Nội khẳng định đang áp dụng hình thức phong tỏa, thực hiện như thiết quân luật chứ không phải cách ly.
 
Theo đó, tinh thần là nhà nào ở nhà đó, trong nhà cố gắng cũng cách ly với nhau, không tập trung ăn uống, cố gắng người ăn trước, người ăn sau, không tiếp xúc với nhau. Người ra ngoài cũng phải luân phiên để mua thực phẩm và khuyến khích dân mua dùng trong 1-2 ngày để hạn chế ra ngoài. “Nếu 14 ngày cách ly toàn bộ thì sẽ không có nguy cơ, chặt đứt nguồn lây nhiễm”, ông Chung nói.
 

 
Lực lượng chức năng chuẩn bị tiến hành phun khử trùng tại ổ dịch thôn Hạ Lôi. Ảnh: Duy Hiệu.

Ông đề nghị với các trường hợp trong ổ dịch, nếu ai đi ra ngoài phải xử phạt nghiêm túc.
 
Chủ tịch Hà Nội yêu cầu toàn thành phố tập trung dập ổ dịch tại thôn Hạ Lôi, xác minh tất cả trường hợp có quan hệ tiếp xúc với bệnh nhân 243 và có liên quan tới các ca dương tính khác.
 
Trước hết, ưu tiên xác minh tất cả người đến mua hoa ở chợ hoa, những trường hợp công nhân tại đây đi làm ở các nơi, và tất cả những người đi lại qua thôn Hạ Lôi từ 15/3. Khi xác định được thì ra quyết định cách ly và lấy mẫu xét nghiệm ngay lập tức.
 
Với chợ hoa Tây Hồ hay điểm mua bán hoa ở các nhà tang lễ, các điểm chợ có 4-5 hàng hoa bán lẻ, ông Chung yêu cầu xác minh toàn bộ để cách ly tại nhà và lấy mẫu xét nghiệm.
 
Về công tác xét nghiệm, Chủ tịch Hà Nội chỉ đạo phải tập huấn việc lấy mẫu cho các y, bác sĩ tại 579 trạm y tế để có thể mở rộng lấy mẫu xét nghiệm.
 
“Hiện nay yếu tố dịch tễ lây ra cộng đồng có nguy cơ lớn, tỷ lệ người nhiễm bệnh ở Hà Nội không có triệu chứng chiếm tỷ lệ cao. Ổ dịch ở Mê Linh lại có liên quan đến yếu tố các tỉnh rất nhiều nên trước mắt phải cách ly tất cả những người liên quan đến nơi này”, ông Chung nhấn mạnh.
 
Cách ly tất cả những người liên quan đến ổ dịch Hạ Lôi
 
Khái quát tình hình trong nước trong vài ngày gần đây, Chủ tịch thành phố cho biết các ca nhiễm mới được phát hiện chủ yếu ở Hà Nội.
 
Hiện, cơ quan chức năng đang tìm tất cả những người có yếu tố liên quan đến chợ hoa Mê Linh từ ngày 15/3, vì rất có thể từ khoảng thời gian này đã có nguy cơ lây nhiễm.
 
Đến nay có 10 ca dương tính đã được phát hiện tại thôn Hạ Lôi thông qua việc xét nghiệm gần 7.000 trường hợp.


 
Hà Nội yêu cầu xác minh, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm tất cả trường hợp liên quan đến ổ dịch thôn Hạ Lôi. Ảnh: Việt Linh.
 
Điều đáng lo là 9 trong số 10 người này đều được phát hiện trong tình trạng không có triệu chứng nhiễm bệnh, đều sinh hoạt và đi làm bình thường. Nhưng thực tế đã có tình trạng ca bệnh thôn Hạ Lôi lây nhiễm cho những người đi làm ở nơi khác, như bệnh nhân số 262 làm công nhân Samsung ở Bắc Ninh.
 
Lãnh đạo thành phố đề nghị nghiên cứu, đánh giá về tỷ lệ CDC Hà Nội đưa ra rằng có 68% ca bệnh không có triệu chứng.
 
Theo ông Chung, phải coi thôn Hạ Lôi như Bệnh viện Bạch Mai thu hẹp, tức là tất cả những ai có liên quan đến yếu tố thôn Hạ Lôi, kể cả người từng đi qua thôn, cũng có thể có nguy cơ lây nhiễm.
 
Trước đó, Bộ Y tế nêu quan điểm không cần thiết truy tìm nguồn gốc F0 trong giai đoạn này, song theo ông Chung, việc truy tìm nguồn gốc F0 của các ca nhiễm rất quan trọng. Đặc biệt như ca bệnh 237 người Thụy Điển, ông Chung yêu cầu CDC Hà Nội phải nghiên cứu, tìm ra nguồn gốc lây nhiễm, để tìm ra yếu tố, phòng ngừa cho những trường hợp tương tự.
 
Theo nhận định của người đứng đầu chính quyền thành phố, dịch Covid-19 có thể kéo dài và không kết thúc trong năm nay.