Xe bị chiếm dụng bất hợp pháp sẽ được trả về cho chủ sở hữu
Ngày 6/7, Công an TP Hà Nội vẫn đang điều tra, làm rõ đường dây trộm cắp và tiêu thụ ô tô cực lớn, thu giữ gần 100 xe các loại.
Đường dây này do Nguyễn Thành Công (SN 1989, HKTT: xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) cầm đầu. Công và các đối tượng trong ổ nhóm thường xuyên nhận cầm cố các loại xe ô tô do trộm cắp mà có hoặc các xe ô tô thuê tự lái, cầm cố các loại xe do chủ xe đã thế chấp cho ngân hàng để vay tiền...
Liên quan đến vụ việc, trao đổi với PV Báo Giao thông, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, cơ quan CSĐT sẽ phân loại, xem xét từng ô tô do trộm cắp, cầm cố, ngân hàng siết nợ hay do lừa đảo mà có.
Nếu chiếc xe bị trộm cắp, lừa đảo, thì trường hợp này xác định có yếu tố hình sự. Do vậy, cần điều tra, xác minh nên chiếc xe này sẽ được coi là vật chứng theo Điều 74 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Việc xử lý vật chứng được quy định tại Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự. Theo đó, nếu vật chứng là những vật, tiền bạc thuộc sở hữu của Nhà nước, tổ chức, cá nhân bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội thì trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp; trong trường hợp không xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp thì sung quỹ Nhà nước.
Thông thường, tài sản là vật chứng được trả lại khi vụ án bị đình chỉ hoặc vụ án đã được giải quyết. Tuy nhiên, theo Điều 76, Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: "Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan có thẩm quyền có quyền quyết định trả lại những vật chứng quy định cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án".
Theo luật sư Cường, do không có quy định cụ thể nào về thời gian tạm giữ tang vật trong các giai đoạn tố tụng, nên thời gian thu giữ chiếc xe là vật chứng sẽ do cơ quan điều tra xem xét và quyết định. Chủ xe có thể làm đơn yêu cầu trả lại tài sản gửi đến cơ quan có thẩm quyền ra quyết định trả lại tài sản (ở giai đoạn điều tra là cơ quan Công an; ở giai đoạn truy tố là Viện Kiểm sát; ở giai đoạn xét xử là Toà án).
"Sau khi nhận được đơn, cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét, nếu thấy việc trả lại tài sản không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án thì sẽ trả lại cho chủ nhân. Ngược lại, nếu xét thấy không thể trả lại tài sản ngay thì chủ xe phải chờ đến khi vụ án được xét xử hoặc bị đình chỉ", luật sư Cường cho hay.
Chủ gara Thành Công đối diện mức án nào?
Về thắc mắc của dư luận: Ông "trùm" đường dây trộm cắp, tiêu thụ xe gian Nguyễn Thành Công phạm những tội danh gì và bị xử lý ra sao?, luật sư Cường cho biết, cơ quan điều tra sẽ xác định nhóm đối tượng này có tham gia hành vi trộm cắp hay không hay chỉ là tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Trường hợp nhóm đối tượng do Công cầm đầu có tham gia hành vi trộm cắp, do có tới hàng trăm xe nên giá trị của tài sản trộm cắp ở đây là lớn, nhóm đối tượng sẽ phải chịu trách nhiệm về tội trộm cắp theo quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự năm 2015 với mức án lên tới 20 năm tù.
Trường hợp nhóm đối tượng này không tham gia vào hành vi trộm cắp, song biết đó là tài sản trộm cắp nhưng vẫn mua, tiêu thụ, hành vi này có dấu hiệu của tội Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có theo điều 323 Bộ luật Hình sự với mức hình phạt cao nhất lên tới 15 năm tù.
"Thông tin từ cơ quan công an, đường dây này hoạt động đã một thời gian ổn định, dài và có tổ chức, phân công rõ ràng, có kẻ cầm đầu... nên có thể các đối tượng này vừa là đồng phạm của trộm cắp vừa tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có, nên có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về cả 2 tội danh trên", luật sư Cường phân tích.
Luật sư Cường cho rằng, các đối tượng này còn có thể phạm tội cho vay lãi nặng, không tố giác tội phạm... Trường hợp có đối tượng phạm nhiều tội sẽ tổng hợp hình phạt theo nguyên tắc nếu hình phạt cao nhất là tù chung thân thì hình phạt chung sẽ là tù chung thân. Nếu các hình phạt đều là tù có thời hạn, tổng hình phạt không quá 30 năm tù. Trong số các tội danh trên, có hình phạt cao nhất là tù chung thân.