Phần lớn các chủ nhà trọ trên địa bàn TP Hà Nội đều đang thu tiền điện vượt gần gấp đôi so với quy định hiện hành.

Thực trạng này đã được Báo Giao thông phản ánh vài năm trước nhưng “đâu vẫn vào đấy” và đối tượng đáng được hỗ trợ vẫn chịu thiệt thòi trong khi các chủ nhà trọ trục lợi lớn từ chính sách.

Ồ ạt thu tiền điện nhà trọ giá cao, chỉ xử phạt 3 trường hợp!

Trong con ngõ nhỏ 562 Trần Cung (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), các dãy nhà trọ san sát. Nhiều gia đình cho thuê trọ lâu năm và có lượng người thuê trọ khá cao đều khẳng định đã đưa ra mức giá chung 4.000 đồng/kWh nhiều năm nay và không thấy cơ quan ngành điện kiểm tra hay phổ biến về việc được hưởng ưu đãi chính sách giá điện cho người thuê nhà.

Chủ nhà trọ trục lợi từ bán điện giá cao, ai chịu trách nhiệm?
Một con ngõ nhỏ tại phố Trần Cung (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) có hàng chục nhà cho thuê trọ lâu năm vẫn áp giá điện cao gấp đôi quy định

Chị Lan, chủ một nhà trọ lâu năm với khoảng 20 phòng trọ (tại ngõ 43/113 đường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm) tự tin cho rằng, mức giá 4.000 đồng/kWh là “mức rẻ” khi quanh khu vực này nhiều nơi đã thu tới 5.000 đồng/kWh.

Khi được hỏi tại sao không đăng ký mức giá ưu đãi cho người thuê trọ để hưởng mức ưu đãi bậc 3 (hiện được quy định là 2.014 đồng/kWh, chưa bao gồm VAT) cho toàn sản lượng điện tiêu thụ, bà chủ này cho hay: “Không có đâu em, đây là chia đều, lấy mức cao - thấp chia đều ra, gia đình cũng không lấy tiền chênh lệch gì!”.

Em Nguyễn Anh T., thuê trọ ở khu vực này nhiều năm cho biết, mặc dù có nhiều bạn cũng biết quy định được hưởng giá điện bậc 3 và chịu thêm 10% tiền tổn thất máy bơm, nhưng không ai dám ý kiến bởi chủ nhà xem đó là mặc định và ai đồng ý thì ở!

Tương tự, theo phản ánh của chị Hồng Thắm (Kim Giang, quận Hoàng Mai), công nhân làm việc tại một xí nghiệp gần đó cho biết, chị có đăng ký tạm trú tạm vắng (TTTV) và đã ở trọ được 3 năm nhưng vẫn phải trả tiền điện giá 4.000 đồng/kWh chứ không được đứng tên ký hợp đồng mua bán điện trực tiếp. Một phần vì không được hướng dẫn, phần khác giá điện là quy định của chủ trọ ngay khi đến ở.

Khảo sát quanh khu vực Hoàng Mai, Thanh Xuân... cho thấy, người thuê trọ đều phải trả tiền điện ngưỡng 3.000 - 4.000 đồng/kWh. Tình trạng chung đều không có hóa đơn, sổ ghi chép việc nộp tiền điện chi tiết hàng tháng giữa người thuê với chủ nhà; người thuê nhà cũng không dám phản hồi về việc thu tiền điện vì ngại xung đột với chủ nhà...

Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) xác nhận, việc quản lý thực hiện cam kết bán điện cho người thuê nhà đúng giá Chính phủ quy định vẫn trong vòng luẩn quẩn mấy năm qua.

Tính đến ngày 30/6/2021, EVN Hà Nội bán điện cho 16.358 hộ kinh doanh phòng trọ, trong đó có hơn 14.000 hộ được áp giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thứ 3. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra từ đầu năm tới nay tại gần 4.000 cơ sở cho thuê trọ, chỉ phát hiện và lập biên bản 3 trường hợp tại quận Bắc Từ Liêm, do chủ nhà trọ thu tiền điện của người thuê sai quy định.

Cũng theo đại diện EVN, việc phát hiện vi phạm không hề dễ, có khi ngành điện còn phải nằm vùng như công an mới phát hiện được.

“Nếu có ghi âm hoặc hình ảnh rõ ràng về vi phạm thì mới có cơ sở lập biên bản. Trong khi, việc thu tiền giữa chủ nhà trọ và người thuê trọ lại không có bằng chứng nào hay nếu chủ trọ có ghi chép nhưng họ không cho xem thì cũng chịu. Do vậy, không giải quyết được”, vị này trần tình.

Mặt khác, theo bà Đỗ Thục Anh, PGĐ Công ty Điện lực Bắc Từ Liêm, cán bộ ngành điện không có quyền hành trong việc xử phạt vi phạm nên ngay sau khi đi ra khỏi nhà trọ thì “đâu lại vào đấy”. Chưa kể, quy định của ngành điện, khi đến làm việc phải đi 2 người, mặc đồng phục có logo đơn vị nên việc “mật phục” rất khó.

“Người dân cũng rất “khôn” trong việc hợp thức hóa con số tiền điện thu của người thuê trọ. Có thể họ thu 4.000 đồng/kWh nhưng trong sổ họ ghi thành các khoản gồm tiền điện theo quy định ưu đãi, cộng với tiền điện chiếu sáng chung, tiền điện bơm nước, cũng có thể thêm tiền rác, tiền sinh hoạt chung để ra tổng là số tiền đã thu của giá điện đó”, bà Thục Anh nói.

Ai chịu trách nhiệm?

Chủ nhà trọ trục lợi từ bán điện giá cao, ai chịu trách nhiệm?
Nhiều nhà trọ kiên cố, lâu năm vẫn thu giá điện 4.000 đồng/kWh

Báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng thể hiện một con số “đẹp như mơ” khi có tới hơn 99% chủ nhà trọ ký cam kết bán điện đúng giá trên toàn quốc, tương đương với 1,85 triệu phòng trọ và 3,58 triệu người tạm trú. Tuy nhiên, trong nửa đầu năm, con số xử phạt vi phạm cũng chỉ vọn vẹn 35 trường hợp.

Đáng nói, chính sách ưu đãi giá điện cho người thuê trọ song phần lớn chủ nhà trọ lại đang được hưởng.

Cụ thể, báo cáo của EVN chỉ rõ, trong số 832.700 phòng trọ với tổng số 88.800 chủ nhà được áp dụng giá bán điện bậc 3 thì chiếm tới 50% chủ nhà trọ dùng chung công tơ với người thuê trọ và 65% chủ nhà trọ được áp giá theo định mức, trong tổng số 704.000 định mức sinh hoạt bậc thang được cấp cho 111.400 chủ nhà.

Nhận định về thực trạng trên, chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, vấn đề ở đây là cần có cơ chế kiểm soát chính sách hỗ trợ đến đúng đối tượng, chứ không phải cứ kêu khó để mặc hành vi trục lợi.

“Càng kêu khó kiểm soát thì việc trục lợi càng dễ xảy ra. Không thể ban hành một chính sách ưu đãi mà khi thực thi lại không đạt được điều mong muốn. Phải có chế tài xử phạt, làm rõ ai chịu trách nhiệm, chứ không nên xem mình ở vai trò vận động”, ông Ánh nói.

Một vị chuyên gia khác tỏ thái độ rất gay gắt khi cho rằng: “Không có lý nào một việc vi phạm phổ biến, thấy rõ nhưng người trong cuộc lại bảo không làm được gì. Nếu không làm được gì mà vẫn đi vận động cam kết là “nực cười”.

Theo hướng dẫn của Bộ Công thương, nếu chủ nhà trọ không thực hiện kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì người thuê trọ được ưu tiên áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3 (từ 101 - 200kWh) cho toàn bộ sản lượng điện đo đếm được tại công tơ. Giá bán điện bậc 3 hiện được quy định là 2.014 đồng/kWh.

Trường hợp sinh viên và người lao động thuê trọ đăng ký tạm trú từ 12 tháng trở lên đứng tên ký hợp đồng mua bán điện thì công ty điện lực sẽ phát hành hóa đơn trực tiếp cho người ở trọ.

Nếu chủ nhà trọ mua điện theo giá bán lẻ điện để phục vụ mục đích sinh hoạt, nhưng thu tiền cao hơn so với quy định trên thì sẽ bị xử phạt hành chính. Mức tiền phạt dao động khoảng 7.000.000 - 10.000.000 đồng, theo Điều 12 Khoản 6 của Nghị định 134/2013.