Sự kiện Thế vận hội (Olympic) Tokyo 2020 đã đi được nửa chặng đường. Suốt tuần qua, Nhật Bản đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn để đảm bảo sự kiện tầm cỡ thế giới này diễn ra trong an toàn.
Trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 hàng ngày không ngừng tăng ở mức đáng báo động, một câu hỏi đặt ra, việc tổ chức Thế vận hội có liên quan đến tình hình ca bệnh tăng đột biến?
Mở rộng tình trạng khẩn cấp nhưng không phong tỏa
Cuối tuần qua, theo báo Japan Times, Thủ đô Tokyo, thành phố đăng cai Olympic chứng kiến số ca nhiễm Covid-19 hàng ngày liên tiếp cán mốc kỷ lục, có thời điểm lên hơn 4.000 ca. Đặc biệt, lần đầu tiên trong 1 ngày, toàn Nhật Bản có số ca nhiễm lên mức 10.000 người.
Số ca lây nhiễm trong độ tuổi 40 - 50 và chưa tiêm phòng có chiều hướng tăng cao. Cùng lúc, lượng bệnh nhân cần nhập viện cũng gia tăng.
Các chuyên gia y tế cho rằng, số ca nhiễm sẽ tiếp tục giữ ở mức cao trong ít nhất 2 tuần tới. “Hệ thống y tế đã và sẽ ngày càng căng thẳng”, ông Shigeru Omi, cố vấn cấp cao về Covid-19 của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga cảnh báo.
Song các chuyên gia y tế đánh giá, nguyên nhân khiến tình hình dịch bệnh căng thẳng là do các biện pháp áp đặt tình trạng khẩn cấp trên toàn Thủ đô Tokyo từ ngày 12/7, có lẽ chưa đạt được hiệu quả, không hạn chế được xu hướng dịch bệnh tăng cao, chứ không phải do Olympic.
Ông Kazuhiro Tateda, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, đang làm việc tại Tiểu ban phản ứng Covid-19 của Chính phủ Nhật Bản cho biết, những ca nhiễm Covid-19 mới xuất hiện gần đây không liên quan tới sự kiện Olympic nhưng bầu không khí ăn mừng Thế vận hội sau một năm bị trì hoãn, niềm hân hoan từ những tấm huy chương vàng mà vận động viên (VĐV) Nhật Bản đạt được, kết hợp với 4 ngày nghỉ lễ cuối tháng 7 và kỳ nghỉ hè, có thể là tác nhân khiến virus lây lan.
Về phần mình, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga cũng khẳng định, không có sự liên quan giữa Olympic và tình trạng số ca nhiễm tăng mạnh tại Thủ đô Tokyo.
Theo ông Suga, Chính phủ đã thực hiện rất nhiều biện pháp ngăn chặn virus lây lan từ khu vực Làng Olympic với người dân.
Nhưng lãnh đạo Nhật Bản tuyên bố sẽ không siết chặt bằng cách phong tỏa. Theo quan điểm của lãnh đạo Nhật, những biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt không thực sự phù hợp với Nhật Bản.
Triển khai tiêm phòng vẫn là ưu tiên hàng đầu. Tính đến thời điểm này, tỉ lệ tiêm phòng tại Nhật vẫn ở mức rất thấp so với một quốc gia phát triển như vậy (chỉ khoảng 28% người dân được tiêm phòng đủ 2 mũi).
Thay vì siết chặt mức độ phong tỏa, Nhật sẽ chỉ mở rộng tình trạng khẩn cấp trên nhiều quận như: Kanagawa, Saitama, Chiba và Osaka bắt đầu từ hôm nay (2/8). Đồng thời, Chính phủ duy trì tình trạng khẩn cấp hiện tại đối với Tokyo và Okinawa đến hết tháng 8.
Trong tình trạng khẩn cấp, chính quyền địa phương được quyền yêu cầu các nhà hàng, quán bar phải giảm thời gian kinh doanh hoặc đóng cửa hoàn toàn, phạt tới 300.000 yên (hơn 60 triệu VNĐ) với những người chống đối.
Nhưng chính quyền địa phương chỉ có thể đề nghị chứ không có quyền giới hạn hoạt động đi lại của người dân.
Làng Olympic được bảo vệ như thế nào?
“Tại khu vực tổ chức Thế vận hội, Làng Olympic - nơi các đoàn tham gia sự kiện nghỉ lại gần như biệt lập với cuộc sống người dân thủ đô. Chưa có bất cứ trường hợp nào lây từ VĐV lan sang người dân”, ông Richard Budgett, Giám đốc y tế và khoa học Ủy ban Olympic Quốc tế nhấn mạnh.
Theo hãng Kyodo, tại Làng Olympic ở Tokyo, nơi ở của khoảng 18.000 VĐV và quan chức, Ban tổ chức đã bố trí phòng khám, phòng cách ly, phòng xét nghiệm. Trong thời gian tại Nhật, hoạt động xét nghiệm Covid-19 được tiến hành hàng ngày, toàn bộ VĐV được theo dõi chặt chẽ về y tế.
Toàn bộ người nước ngoài đến tham dự Olympic chỉ có thể sử dụng phương tiện giao thông công cộng khi được phép, không được đến phòng tập thể dục, khu du lịch, cửa hàng, nhà hàng hoặc quán bar. Họ cũng được khuyến cáo đeo khẩu trang mọi lúc, trừ khi thi đấu, tập luyện, ăn uống, ngủ nghỉ...
Cuối tuần qua, đã có trường hợp VĐV tụ tập uống rượu và bị chính quyền địa phương điều tra để có biện pháp thích hợp. Các VĐV có thể buộc phải rời Olympic nếu vi phạm các nguyên tắc phòng dịch…
Đồng tình với Thủ tướng Nhật, Thị trưởng Tokyo Yuriko Koike cũng khẳng định, Olympic đang diễn ra rất suôn sẻ.
Tổ chức Olympic trong mùa dịch, Nhật mất hơn 2 tỷ USD doanh thu
Để hoàn thành trách nhiệm, đảm bảo uy tín, bất chấp dịch bệnh, Nhật Bản quyết tâm tổ chức Olympic một cách an toàn nhất nhưng buộc phải quyết định không mở cửa cho khán giả tới xem các môn thi đấu. Chính vì vậy, “xứ anh đào” đã chịu thiệt hại kinh tế không nhỏ. Ước tính, Ban tổ chức mất đi nguồn doanh thu hơn 2 tỷ USD (trong đó doanh thu từ bán vé khoảng 820 triệu USD, doanh thu từ du khách nước ngoài khoảng 1,4 tỷ USD).