Dọc các tuyến đường trung tâm TP Hà Tĩnh như: Xuân Diệu, Nguyễn Huy Tự, Lý Tự Trọng… có rất nhiều tấm biển thông báo “cho thuê nhà”, “cho thuê ốt”, “chuyển nhượng cửa hàng”...
Chị Nguyễn Thị Mỹ (phường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh) có nhà 2 tầng cho thuê nhưng từ tháng 3/2021 đến nay vẫn chưa tìm được khách.
“Giá thuê trước đây là 20 triệu đồng/tháng, nay chỉ 10 triệu đồng/tháng nhưng vẫn không có ai liên hệ. Tôi cũng đã đăng tin lên nhiều nơi, nhờ môi giới nhà đất mà chưa cho thuê lại được. Nhìn nhà cửa để không sốt ruột lắm, chưa năm nào ế ẩm như năm nay” - chị Mỹ than thở.
Ở hoàn cảnh tương tự, anh Phạm Hồng Quân (phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh) cũng thấp thỏm khi mặt bằng rộng hơn 80 m2 của gia đình để trống gần 4 tháng nay.
“Trước đây, tôi cho thuê ki-ốt với giá 13 triệu đồng/tháng. Khi có dịch COVID-19, tôi chủ động hạ giá xuống còn 11 triệu đồng/tháng nhưng họ vẫn trả mặt bằng vì buôn bán lỗ, không đủ tiền trang trải. Giờ tôi rao cho thuê với giá 10 triệu đồng/tháng mà vẫn chưa gặp được người có nhu cầu” - anh Hồng Quân bộc bạch.
Tuyến đường Xuân Diệu (TP Hà Tĩnh) được biết đến là phố mua sắm với hàng loạt cửa hàng kinh doanh thời trang. Thế nhưng, thời gian gần đây, việc kinh doanh khó khăn, nhiều chủ cửa hàng đã trả lại mặt bằng. Trên tuyến đường này, không ít ki-ốt “cửa đóng then cài” vì không có khách thuê.
Chị Phan Hà Mỹ - chủ cửa hàng quần áo trên đường Xuân Diệu (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Tình hình kinh doanh ế ẩm trong khi hằng tháng phải chi trả tiền mặt bằng 8 triệu đồng cộng với tiền thuê nhân viên, điện, nước đã khiến việc kinh doanh gặp khó. Dù đã cố gắng cầm cự nhưng tôi cũng vừa phải đăng tin sang nhượng mặt bằng”.
Theo ghi nhận, mặt bằng kinh doanh thiếu người thuê không chỉ diễn ra ở những khu vực trung tâm TP Hà Tĩnh mà nhiều địa phương khác cũng chung tình cảnh này. Chị Nguyễn Hà Ngân (xã Tùng Lộc, Can Lộc) chia sẻ: “Ki-ốt của tôi rộng 14 m2, nằm ngay ở cổng chợ rất tiện cho kinh doanh buôn bán nhưng người ta cứ trả đi trả lại, thuê được vài tháng rồi không thuê nữa".
Trước tình trạng ế ẩm, nhiều chủ nhà, ki-ốt đã chủ động giảm giá để thu hút khách hàng. Tùy từng vị trí, cơ sở vật chất mà mức giá cho thuê giảm từ 20 - 30%, thậm chí giảm sâu đến 50%. Bên cạnh đó, các hình thức hỗ trợ khách hàng khác như giảm giá thuê cả năm, cam kết không tăng giá trong thời gian dài, đóng tiền theo tháng... để giảm áp lực cho khách cũng được áp dụng nhưng vẫn không dễ cho thuê.
Theo khảo sát, hiện nay, giá thuê mặt bằng kinh doanh ở một số trục đường chính tại TP Hà Tĩnh như: Hà Huy Tập, Trần Phú dao động từ 10 – 15 triệu đồng/tháng (giảm tầm 5 triệu/tháng so với trước); Nguyễn Huy Tự, Xuân Diệu từ 3 – 6 triệu đồng/tháng (giảm 1 - 2 triệu đồng/tháng so với trước)...
Được biết, có nhiều nguyên nhân khiến mặt bằng cho thuê gặp khó nhưng chủ yếu do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến sức mua giảm. Các cửa hàng kinh doanh ế ẩm nên nhà đầu tư hạn chế thuê mặt bằng kinh doanh.
Ngoài ra, dịch bệnh cũng khiến thói quen tiêu dùng của khách hàng thay đổi từ mua trực tiếp sang mua trực tuyến.
Có thế thấy, thị trường mặt bằng kinh doanh cho thuê rơi vào tình trạng ảm đạm là thực trạng chung ở nhiều địa phương. Tình hình này chưa thể cải thiện ngay mà còn tuỳ thuộc vào diễn biến dịch bệnh và sức hồi phục của tình hình sản xuất, kinh doanh. Nhằm từng bước khắc phục khó khăn, chủ sở hữu mặt bằng cho thuê và các hộ kinh doanh cần có những biện pháp cùng hỗ trợ nhau bước qua giai đoạn gian khó này.
Theo anh Nguyễn Hoàng Lý Nhân – nhân viên tư vấn tại sàn bất động sản Fami Land (phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh): “Những người có bất động sản cho thuê thời điểm này nên cân nhắc thấu đáo, đưa ra mức giảm, hình thức và thời hạn giảm cụ thể. Đặc biệt, cần tính đến bài toán kinh tế: một mặt bằng cho thuê giá 10 triệu đồng/tháng với hợp đồng ổn định trong vài năm vẫn tốt hơn cho thuê 20 triệu đồng/tháng mà chỉ được thời gian ngắn”./.