Nghệ An hiện có hơn 1.200 hồ chứa thủy điện, thủy lợi phân bố trên địa bàn 19 huyện, thị xã. Với tiềm năng lớn về mặt nước, sự phong phú của các giống loài thủy sinh vật, môi trường thủy hóa phù hợp và sinh trưởng tốt cho các đối tượng nuôi thuỷ sản nước ngọt nên trong những năm gần đây, phong trào nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) trên các hồ chứa đã có những phát triển tích cực dưới nhiều hình thức nuôi như: Nuôi lồng bè, thả nuôi tự nhiên với nhiều đối tượng nuôi truyền thống và cả các đối tượng nuôi thủy sản đặc sản có giá trị kinh tế cao.
Tuy nhiên, NTTS trên các hồ chứa vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như nuôi manh mún, nhỏ lẻ, chưa kết hợp được hài hoà với mục đích thủy lợi, thủy điện của hồ chứa. Việc tổ chức, quản lý nuôi trồng và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trong hồ còn chưa được coi trọng. Người dân địa phương đa phần kinh tế khó khăn nên khả năng đầu tư sản xuất thấp, chưa có sự đầu tư đồng bộ, chưa tận dụng, khai thác hết tiềm năng diện tích mặt nước hiện có một cách hiệu quả và bền vững.
Do đó, việc xây dựng “Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên các hồ chứa của tỉnh Nghệ An đến năm 2030” là rất cần thiết, nhằm khai thác tối đa tiềm năng mặt nước trên các hồ chứa để phát triển NTTS nhằm tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân vùng hồ, góp phần xoá đói giảm nghèo, ổn định kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Đồng thời góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Chương trình phát triển kinh tế thuỷ sản tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022- 2025, định hướng đến năm 2030 và Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo dự thảo Đề án, đến năm 2025: Diện tích nuôi thả trực tiếp trong hồ chứa đạt 8.400 ha; sản lượng đạt 6.100 tấn. Số lượng lồng nuôi trên hồ chứa đạt 2.250 cái (lồng thể tích 50 m3/lồng là 2.030 cái; lồng thể tích 100 m3/lồng là 220 cái). Giá trị sản xuất đạt 450 tỷ đồng.
Đến năm 2030: Diện tích nuôi thả trực tiếp trong lòng hồ chứa 8.480 ha; sản lượng nuôi đạt 7.300 tấn. Số lồng nuôi trên hồ chứa 3.200 lồng (lồng thể tích 50 m3/lồng là 2.765 lồng; lồng thể tích 100 m3/lồng là 435 lồng). Giá trị sản xuất đạt 715 tỷ đồng.
Khu vực nuôi lồng trên các hồ chứa có diện tích từ 05 ha trở lên có độ sâu hơn 3,5m tập trung chủ yếu ở các huyện Tương Dương, Con Cuông, Quỳ Châu, Nghĩa Đàn và Tân Kỳ. Khu vực này tập trung vào nuôi các đối tượng có giá trị như cá Trắm (Trắm cỏ, Trắm đen, Trắm giòn), cá Chép (Chép giòn), cá Lăng, cá Leo, cá Chình, cá Chiên, cá Rô phi, cá Vược,... Thử nghiệm nuôi một số loài đang có thị trường tiêu thụ tốt như: cá Lóc, cá Tầm. Công nghệ nuôi theo hướng công nghiệp, sử dụng con giống nhân tạo chất lượng cao, thức ăn công nghiệp, lồng bè bằng vật liệu mới HDPE,…
Khu vực phát triển nuôi thả trực tiếp trên các loại hồ chứa tập trung chủ yếu tại các huyện Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu, Tân Kỳ, Yên Thành, Đô Lương, Thanh Chương và Nghi Lộc... Khu vực này tập trung nuôi các loài cá có giá trị kinh tế được thị trường ưa chuộng như cá Trắm, cá Chép, cá Rô phi, Diêu hồng,... theo hình thức bán thâm canh trên các hồ chứa có diện tích dưới 50 ha và theo hình thức thả nuôi có quản lý đối với các hồ chứa có diện tích từ 50 ha trở lên.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Xuân Học cho biết: Sở đã điều tra, khảo sát, lấy ý kiến góp ý của các Sở, ngành, địa phương liên quan góp ý vào dự thảo Đề án.
Tại cuộc họp, các đại biểu tiếp tục cho ý kiến về căn cứ pháp lý, nguồn kinh phí thực hiện đề án; mức hỗ trợ lồng, hướng nuôi tập trung vào các loài cá đặc sản... Bên cạnh đó, một số ý kiến phản ánh khó khăn trong triển khai thực hiện việc NTTS trong lòng hồ thủy điện khi phải thực hiện quy định tại Nghị định 114/2018/NĐ-CP về quản lý an toàn đập, hồ...
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến của các đại biểu; nghiên cứu để xây dựng chính sách phù hợp; quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu giống và sản phẩm đầu ra. Quá trình triển khai tuân thủ nghiêm túc các quy định về đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước; quy định về đăng ký nuôi trồng thuỷ sản lồng bè và các quy định pháp luật khác. Để thực hiện Đề án cần phải có doanh nghiệp, Hợp tác xã tham gia để xây dựng chuỗi giá trị. Các Sở, ngành trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao phối hợp với Sở NN&PTNT để cùng triển khai thực hiện Đề án.