87-1728870688.jpg
Bến cá Diễn Bích, huyện Diễn Châu lúc bình minh

11 giờ đêm ngày hè, chúng tôi có mặt tại chợ cá Diễn Bích. Tuy gọi chợ nhưng đây chỉ là một bãi đất trống sát mặt nước của con sông Bùng, nơi mà người dân Diễn Bích coi như cảng cá của họ. Người dân quanh chợ cũng không nề hà tốn kém kéo vài ba chiếc bóng điện ra chợ để bà con có đủ ánh sáng buôn bán. Thời điểm này, trong khi hầu như mọi gia đình đã chìm vào giấc ngủ thì tại đây tấp nập không khí của chợ cá đêm. Tiếng còi xe, tiếng xô chậu va vào nhau đã “xé toạc” không gian yên bình về đêm của một vùng quê. Việc mưu sinh khi mà mọi người đang chìm trong giấc ngủ đã diễn ra hàng chục năm nay của những người phụ nữ vùng biển tảo tần khuya sớm. Họ là những người vợ, người mẹ có chồng con theo thuyền đánh cá ở khơi xa. Họ vui mừng đón chồng con trở về sau chuyến biển tại chợ cá, và bắt đầu công việc mưu sinh. Đêm nay tàu về muộn, tận 2 giờ sáng mới lác đác cập bến. Dưới ánh điện mờ ảo và ánh đèn pin đội đầu lấp lóa chiếu trên những mẻ cá lấp lánh ánh bạc. Trước khi đưa xuống bến, hải sản đều được ngư dân trên tàu phân thành nhiều loại to nhỏ khác nhau bỏ vào các khay. Tuy nhiên do Diễn Bích ra khơi xa bằng tàu lớn dài ngày nên hải sản chủ yếu là loại to. Những người phụ nữ luôn tay nâng lên, đặt xuống từng khay hải sản; những mớ cá còn tươi nguyên tung mình trong những cái khay nhựa tạo nên khung cảnh vô cùng sinh động. Những con bạch tuộc còn dư sức sống cứ bám riết vào bàn tay chị em; những con ghẹ trong thùng sâu vẫn cố gắng khua chân trèo lên để cố nhoài mình ra ngoài; những mớ tôm tít bật lên tanh tách; những khay mực tươi rói óng ánh lân tinh; những con cá dơi dài hàng mét nằm im lìm trên khay nhựa…

Lênh đênh 7 ngày trên biển, đội tàu xa bờ trị giá 4 tỷ đồng của ngư dân Thái Bá Quý cũng đã kịp trở về bến đêm nay để kịp phiên chợ. Cá của tàu anh bao giờ cũng được thương lái tranh mua bởi được bảo quản tốt. Anh Quý vừa nhanh tay đẩy từng khay cá xuống bến theo dây chuyền, vừa dặn vợ anh là chị Lan trên bờ đưa nhanh đến điểm tập kết để bán cho tươi, được giá. “Đêm về bến mới bán được, còn ngày về không ai mua. Vì về đêm có khách buôn để 5 giờ sáng họ đi bán cho sớm, kịp chợ, con cá nó tươi nên bán giờ này có giá hơn”. Chị Lan chia sẻ.

56-1728870716.jpg
Niềm vui của ngư dân sau chuyến ra khơi

Còn chủ tàu 400 CV, khi tàu vừa bỏ neo, cột dây vào trụ đã đảo mắt tìm vợ. Anh gọi thật to để vợ nhìn thấy mình và nở nụ cười tươi với rói. Anh cho biết: “Đi biển dài ngày, chịu sóng chịu gió, cốt làm sao cho vợ con ở nhà có thu nhập nên anh em ai cũng cố gắng để đánh bắt được thật nhiều. Mỗi lần tàu về, bước chân xuống đất liền, thấy vợ đón trên bờ là lòng nhẹ nhõm, bình yên vô cùng. Đàn ông đi biển “ăn sóng nói gió” nhưng trong lòng cũng mềm yếu, tình cảm lắm, thương vợ con ở nhà thấp thỏm lo âu và phải cáng đáng mọi công việc thay mình”.

Đêm hè, không khí oi bức về nên người bán cá vất vả hơn nhưng bù lại đắt hàng. Chị em ở đây cần mẫn, tấp nập mua bán, chạy đua với thời gian, thi nhau chọn cho mình mẻ cá ngon. Cũng kì kèo, thêm bớt lên xuống nhưng dường như ai cũng hiểu tính chất chợ đêm và cũng không đòi giá quá cao nên việc mua bán diễn ra nhanh chóng. Việc cân đong đo đếm cũng rất vội vàng nhưng chẳng ai cân điêu, đếm dối. Bản chất người dân miệt biển này là vậy.

Sinh ra và lớn lên ở làng biển, đã góp mặt vào không biết bao nhiêu phiên chợ đêm, tuy nhiên bà Thanh - một người dân xã Diễn Bích cũng không thể biết chính xác chợ cá có từ bao giờ. Với bà, đây không chỉ là nơi mưu sinh, nuôi sống hàng ngàn người mà dường như đây còn là nơi giữ hồn cốt của người dân làng chài. Bà bộc bạch: “Đã hàng chục năm nay, giấc ngủ nửa đêm về sáng hầu như không có. Thời gian đó, dì đã ra bến đón tàu cá trở về, mua mớ cá, mớ ghẹ, mớ mực bán lại. Dì tham gia chợ đêm này lâu lắm rồi, cách đây 30-40 năm. Giã chiều theo con nước, tàu về lúc nào thì mình buôn lúc nấy. Như đêm ni tàu về muộn tận 2 giờ sáng và phải kéo đến 7 giờ sáng. Mình bán sỉ là như vậy chớ chị em bán lẻ tại chợ đi đến quá trưa mới về, mất ngủ lắm. Từ hồi có chợ đêm, tuy vất vả nhưng việc buôn bán của chị em cửa biển khá lên rất nhiều. Có đêm kiếm được trăm, dăm chục, có đêm kiếm được đôi ba trăm”.

hh-1728870768.PNG
Chị em phụ nữ vùng biển nhanh tay mua bán hải sản tại chợ cá

Còn tại điểm bến cuối chợ, khi tàu đồng loạt về bờ, chị em nhanh chân tỏa xuống mạn tàu, trên khuôn mặt rạng rỡ niềm vui bởi cả tuần mới gặp lại chồng con bình yên trở về, cùng với đó là tàu thuyền đầy ắp tôm cá. Chỉ kịp chào hỏi chồng, con qua quýt, họ lao vào công việc của mình, đưa hải sản từ tàu vào bờ, phân loại. Đàn bà vốn chân yếu tay mềm nhưng đàn bà vùng biển lại khác, họ đội từng thúng hải sản từ thuyền lên bờ, kéo những xe hàng nặng mấy tạ, gánh những gánh cá dăm sáu chục cân trên vai đi thoăn thoắt. Chị Hương, vợ một thuyền viên, tuy mới chưa đầy 30 tuổi nhưng trên khuôn mặt đã khá già dặn, nhiều nếp nhăn do phải thường xuyên thức đêm, nói: “Mình người Yên Thành, lấy chồng về đây, theo nghề chị em ở đây. Chồng đi biển riết ngày này qua ngày khác nên một tay nuôi con, chăm bố bẹ chồng, công việc nội ngoại một mình lo toan. Vất cả nhưng phải chu tất cho chồng ngoài biển yên tâm làm ăn. Anh ấy cũng vất vả lắm chứ phải mình vất chắc mô”.

000-1728870795.jpg
Các loại hải sản tươi ngon được đưa lên chợ bán

Những bước chân vội vã như chạy đua với thời gian. Tiếng kỳ kèo bớt một thêm hai, tiếng xô chậu xô vào nhau loảng xoảng tạo nên âm thanh đặc trưng của bến cá. Ông Nguyễn Văn Liên - Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Bích chia sẻ: Con nước lớn vào lạch ban đêm, tàu cập bến thuận lợi. Để các hộ gia đình và thương lái sáng sớm có hàng mang đi bán nên chợ cá cũng vì thế mà hình thành. Chợ cá đêm ở Diễn Bích là một khu chợ không ngủ. Trời càng về khuya, không khí chợ cá càng khẩn trương. Do tàu đi xa bờ nên các loại hải sản tại chợ đêm rất phong phú và có giá trị cao, trở thành nơi cung cấp thực phẩm lớn với khoảng 200 tấn mỗi đêm. Tập tục phát triển nghề biển đi khơi từ 7-9 ngày và khi về thì họ bán cá từ 12 giờ đêm đến 5 giờ sáng. Thương lái từ Yên Thành, Quỳnh Lưu về đây mua sỉ và đưa cá đi bán ở các chợ trong tỉnh. Những phụ nữ ở đây tháo vát, đảm đang. Ngoài việc chăm sóc việc nhà cho chồng con bám biển họ còn tranh thủ làm thuê cho các chủ thuyền hoặc đưa cá đi bán khắp các nơi trong huyện.

Sau một đêm thức trắng ở chợ cá Diễn Bích, chúng tôi mới cảm nhận được công việc nhọc nhằn của những người dân lấy đêm làm ngày. Không lều quán, không biển hiệu, ngôi chợ đặc biệt này chỉ là nơi hội tụ giữa biển trời và những con người trọn đời bám biển.