Tuyến đường sắt đô thị đầu tiên tại Việt Nam vận hành an toàn
Sáng nay (13/1), tại Hà Nội, Bộ GTVT phối hợp với UBND TP. Hà Nội, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam tổ chức Lễ khánh thành Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông.
Phát biểu tại đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của Ban QLDA Đường sắt, Tổng thầu EPC và các đơn vị tham gia thực hiện dự án.
Thứ trưởng gửi lời cảm ơn tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ hai nước, đồng chí Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam đã dành sự quan tâm đặc biệt, thúc đẩy tiến độ, giải quyết khó khăn liên quan đến việc triển khai dự án. Thứ trưởng cũng cảm ơn các bộ, ngành trung ương, chính quyền, nhân dân TP.Hà Nội đã ủng hộ và tạo mọi điều kiện thuận lợi trong suốt quá trình thi công dự án.
"Hiện mỗi ngày có 203 chuyến tàu metro Cát Linh - Hà Đông phục vụ chở khách từ 5h30 - 22h. Tần suất chạy tàu 10 phút/chuyến dừng đón, trả khách tại ga.
Vé tàu được ngân sách trợ giá, gồm các loại: vé lượt (8-15 nghìn đồng/lượt, tính theo quãng đường đi), vé ngày (30 nghìn đồng/vé, không hạn chế lượt đi), vé tháng phổ thông (200 nghìn đồng/vé/30 ngày), vé tháng ưu đãi (100.000 đồng/vé dành cho học sinh, sinh viên), vé mua theo hình thức tập thể (30 người trở lên, 140 nghìn đồng/vé) và vé miễn phí (người có vé xe buýt miễn phí)."
"Cát Linh - Hà Đông là dự án đường sắt đô thị được triển khai thí điểm đầu tiên của cả nước cũng như tại TP.Hà Nội bằng vốn vay của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Đến nay, dự án đã được nghiệm thu và Bộ GTVT bàn giao cho Hà Nội đưa vào vận hành khai thác từ ngày 6/11/2021", Thứ trưởng nói.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả đầu tư của dự án, Thứ trưởng Đông đề nghị UBND TP.Hà Nội, tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thành các tuyến đường sắt còn lại (trước mắt hoàn thành tuyến số 3, Nhổn - Ga Hà Nội) nhằm cụ thể hóa quy hoạch giao thông và mạng lưới đường sắt đô thị của Thành phố đã được Thủ tướng phê duyệt.
Ban QLDA Đường sắt được giao tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo Tổng thầu EPC phối hợp với Công ty Metro Hà Nội thực hiện đầy đủ, nghiêm túc công tác bảo hành, bảo trì dự án theo quy định.
"Bộ GTVT cam kết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với UBND TP. Hà Nội trong công tác vận hành, khai thác an toàn giai đoạn đầu và trong thời gian bảo hành công trình", Thứ trưởng Đông nói.
Phát biểu tại lễ khánh thành, ông Hùng Ba, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Trung Quốc tại Việt Nam bày tỏ vui mừng vì dự án được khánh thành đúng dịp kỷ niệm 72 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Trung Quốc - Việt Nam.
“Tôi rất vinh dự được cùng Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khánh thành dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, dự án đường sắt đô thị đầu tiên của Việt Nam. Quá trình triển khai dự án này gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nhưng với sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Chính phủ và các bộ, ngành hai nước, dự án đã vượt qua để khánh thành, đưa vào sử dụng, mang lại sự tích cực cho giao thông Hà Nội”, Đại sứ Hùng Ba nói.
Đạt mốc 1 triệu hành khách đi tàu Cát Linh - Hà Đông
Khẳng định sau hơn 2 tháng đi vào vận hành, đảm bảo chạy tàu an toàn tuyệt đối và thực hiện tốt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, được lãnh đạo các cấp, các ngành, Thành ủy, HĐND, UBND TP. Hà Nội ghi nhận, đánh giá cao, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết thêm: "Đến nay, tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông được đông đảo người dân Thủ đô đồng tình ủng hộ và đón nhận như một phương thức vận tải hành khách công cộng tiên tiến, hiện đại lần đầu tiên có mặt ở Việt Nam".
Mỗi ngày tuyến vận chuyển bình quân gần 15 nghìn hành khách. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, gần đây số hành khách tham quan, trải nghiệm tuy có giảm, nhưng hành khách có nhu cầu sử dụng thực tế là những người đi làm, đi học thường xuyên bằng vé tháng giữ ổn định và đang có xu hướng tăng từ 10% ban đầu lên hơn 20%.
"Dự kiến, số người dùng vé tháng tiếp tục tăng trong thời gian tới khi học sinh, sinh viên đi học trực tiếp trở lại. Tôi vui mừng thông báo đến các quí vị đại biểu, ngày hôm nay cắt băng khánh thành dự án cũng là ngày đón hành khách thứ 1 triệu đi tàu Cát Linh - Hà Đông", ông Quyền nói.
Để tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông hoạt động ngày càng hiệu quả xứng đáng là một trong những công trình tiêu biểu của Thủ đô, là biểu tượng của tình hữu nghị Việt Nam - Trung Hoa, TP. Hà Nội cũng xây dựng kế hoạch, phương án khai thác vận hành rất cụ thể và chỉ đạo Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (đơn vị vận hành khai thác tuyến) phải đảm bảo an toàn, chính xác, giữ gìn trật tự, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị. Đồng thời bảo trì phương tiện và hạ tầng kỹ thuật theo đúng qui trình; Khẩn trương triển khai phương án kinh doanh dịch vụ nhằm tận dụng lợi thế thương mại và tăng tiện ích cho hành khách đi tàu.
Trước đó, ngày 6/11/2021, Bộ GTVT và TP. Hà Nội đã tổ chức lễ bàn giao, tiếp nhận dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông. Trong 15 ngày đầu, tuyến đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông phục vụ miễn phí để người dân Thủ đô và các địa phương tham quan, trải nghiệm.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án đường sắt (trực thuộc Bộ GTVT) làm đại diện chủ đầu tư, trực tiếp quản lý đầu tư xây dựng dự án.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng, vốn vay ODA Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước. Tuyến đường được thiết kế với khổ đôi, ray tiêu chuẩn 1.435mm, với chiều dài 13,05km đi trên cao, gồm 12 nhà ga và 13 đoàn tàu. Mỗi đoàn gồm 4 toa, sức chở tối đa 960 người/đoàn, tốc độ tối đa 80km/giờ, tốc độ khai thác 35km/giờ. Với biểu đồ khai thác hiện nay, thời gian đoàn tàu di chuyển toàn tuyến chỉ hết hơn 23 phút./.