Kể từ ngày hôm nay, 1.7, luật Sửa đổi bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức bắt đầu có hiệu lực, chính thức không còn chế độ “biên chế suốt đời” đối với viên chức.
Giáo viên là một trong những đối tượng viên chức sẽ không còn "biên chế suốt đời" với các trường hợp tuyển dụng từ sau 1.7.2020 - Ảnh: Ngọc Thắng
Luật mới sửa đổi quy định, đối với viên chức được tuyển dụng từ ngày hôm nay, 1.7.2020 (ngày luật sửa đổi có hiệu lực) sẽ ký loại hợp đồng xác định thời hạn chứ không ký hợp đồng không xác định thời hạn (có “biên chế suốt đời) như trước.
Thời hạn hợp đồng là từ 12 tháng tới 60 tháng (từ 1 - 5 năm). Mức thời hạn hợp đồng đã kéo dài hơn so với luật cũ (1 - 3 năm).
Cũng theo luật mới có hiệu lực thì có 3 trường hợp viên chức sẽ được tiếp tục áp dụng loại hợp đồng không xác định thời hạn là: viên chức được tuyển dụng trước 1.7.2020 (đã có hợp đồng không xác định thời hạn); cán bộ, công chức chuyển sang làm viên chức; viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Đối với trường hợp viên chức được tuyển dụng trước 1.7.2020 nhưng chưa ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn, luật quy định phải tiếp tục thực hiện hợp đồng. Sau khi hết thời hạn hợp đồng thì được ký hợp đồng không xác định thời hạn nếu đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo quy định của pháp luật.
Chính phủ sẽ có quy định chi tiết để hướng dẫn thực hiện các quy định nêu trên.
Để đảm bảo quyền lợi cho viên chức khi ký hợp đồng có thời hạn, luật mới sửa đổi cũng bổ sung quy định chặt chẽ về ký kết tiếp và chấm dứt hợp đồng xác định thời hạn đối với viên chức.
Theo đó, trước khi hết hạn hợp đồng làm việc 60 ngày, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải thực hiện ký kết tiếp hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức.
Trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập còn nhu cầu, viên chức đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo quy định của pháp luật thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải ký kết tiếp hợp đồng làm việc với viên chức.
Trường hợp không ký kết tiếp hợp đồng làm việc với viên chức thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải nêu rõ lý do bằng văn bản.