Đây là thông tin trích từ báo cáo của Uỷ ban các vấn đề cộng đồng thuộc Hạ viện Anh vừa công bố ngày 25/7, theo hãng tin Sputnik.
Trong tình hình cấp bách vì dịch bệnh, chính quyền Anh có thể linh hoạt đưa ra một số quyết định về chi tiêu.
Nhưng, theo các nghị sĩ, phản ứng nhanh của chính phủ với đại dịch đã ảnh hưởng tới một số cơ quan, chương trình nhà nước. Hậu quả có thể kéo dài tới hàng chục năm sau.
Uỷ ban các vấn đề cộng đồng thuộc Hạ viện Anh chỉ ra một ví dụ như quyết định mua 10.000 thùng container bộ đồ bảo hộ cá nhân ngay đầu đại dịch nhưng đến tháng 5/2021, các kiện hàng này chưa được mở.
Hay như việc Bộ Y tế và Chăm sóc xã hội Anh đã đặt 32 vật dụng liên quan thiết bị bảo hộ cá nhân có giá lên tới 15 tỉ bảng Anh (khoảng 20,6 tỉ USD).
Nhưng đến ngày 7/6, chỉ có 6,8% số thiết bị này vượt qua các bài kiểm tra chất lượng ban đầu để được phép sử dụng trong y tế. Con số mới nhất cao gấp 5 lần so với số liệu Uỷ ban này công bố vào đầu năm nay.
Chi phí lưu trữ lô hàng này cũng ngốn của Bộ Y tế Anh tới 6,7 triệu bảng/tuần.
Uỷ ban các vấn đề cộng đồng của Hạ viện Anh đề xuất, Bộ Tài chính nước này phát triển một khung làm việc xuyên chính phủ duy nhất để giám sát và quản lý những rủi ro phát sinh với tài chính cộng đồng do hậu quả của các phản ứng nhanh nhưng dư thừa để phòng dịch Covid-19 của chính phủ tạo ra.
Các nghị sĩ cũng đề nghị Bộ Tài chính Anh giải thích rõ trong bản đánh giá chi tiêu mùa Thu tới về phương án sẽ thực hiện để quản lý rủi ro.