Với mong muốn để mọi người cảnh giác tránh sập bẫy kẻ lừa, anh Tr.H (ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) đến Cơ quan đại diện Báo CAND tại TP HCM trình bày vụ lừa đảo khá tinh vi về việc đưa công dân về nước mà chính ông là nạn nhân.
Tuy bị mất số tiền không nhiều nhưng theo ông cho biết số lượng người tìm đến dịch vụ này khá đông nên kẻ lừa đảo đã chiếm đoạt số tiền khá lớn và chúng vẫn đang tiếp diễn, giăng bẫy khắp nơi…
Con ông Tr.H du học tại California (Hoa Kỳ) và “mắc kẹt” hơn 1 năm nay chưa về nước vì dịch COVID-19. Thấy tâm lý con hoang mang lại Visa hết hạn nên ông H chạy vạy khắp nơi để tìm cách cho con về nước. Bản thân con ông cũng đã có tờ khai đăng ký nhu cầu về nước gửi đến Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco để chờ xét duyệt.
Tuy nhiên, có lẽ do số lượng người đăng ký quá đông nên con ông chờ mãi vẫn chưa thấy được bố trí ngày về. Nôn nóng, ông truy cập mạng để tìm hiểu thông tin thì thấy có Công ty du lịch S.T (trụ sở đặt tại quận Phú Nhuận, TP HCM) chuyên nhận làm dịch vụ đưa công dân về nước.
Ngày 15/1/2021, ông H tìm đến đây thì thấy trụ sở công ty cũng khá bề thế, giám đốc nói năng lưu loát, cam đoan chắc nịch sẽ làm được vì có mối quan hệ thân cận với “ông nọ bà kia”.
“Công ty sẽ bố trí cho con anh từ Hoa Kỳ về Việt Nam vào ngày 27/1/2021, nếu không thực hiện đúng lời hứa công ty sẽ hoàn trả lại 100% số tiền anh đặt cọc. Như vậy thì anh có mất mát gì đâu mà ngại?”, người giám đốc tên T khẳng định.
Cũng theo T giá dịch vụ trọn gói là 7.000 USD, sau khi ký hợp đồng đặt cọc trước 50%, số còn lại tất toán sau khi công dân về nước. Thấy cũng ổn, ông H đặt bút ký hợp đồng và trả tiền cọc. Theo thỏa thuận, nếu bên A (Công ty S.T) không hoàn thành trách nhiệm thì hoàn tiền 100%, còn bên B (người về nước) vì lý do nào đó mà không chấp nhận về nước thì bị mất số tiền đặt cọc.
Ký hợp đồng xong chờ mãi chẳng thấy Công ty S.T có động thái gì, ông H sốt ruột gọi điện hỏi thì giám đốc T trấn an: “Anh yên tâm công ty đã đưa hàng trăm người về nước rồi chứ đâu phải mỗi con anh. Anh cứ ráng chờ đến cận ngày về sẽ có người không đi khi đó công ty sẽ “nhét” con anh vào”.
Tuy bán tin bán nghi nhưng ông H cũng không còn cách nào khác là phải chờ. Mãi đến chiều 25/1/2021, giám đốc T này mới gọi lại cho ông H giọng gấp gáp: “Được rồi đó anh, có người không đi, công ty đã bổ sung con anh vào danh sách về nước rồi. Anh nói con anh bay gấp qua Washington DC nhé để làm thủ tục đi liền nhé”.
Ông H thắc mắc: “Làm gì có chuyện đó, con tôi chưa nhận mail từ Tổng lãnh sự quán, chưa xét nghiệm COVID-19, chưa có vé chuyến bay nội địa thì làm sao có thể bay về Việt Nam vào ngày 27/1/2021?”.
Nghe qua, giọng giám đốc T gắt gỏng: “Cha con anh làm khó cho công ty quá rồi, con anh không đi là mất ngay tiền cọc. Tôi sẽ nhắn tin lại liền, nếu con anh không đi thì xác nhận ngay để công ty còn đưa người khác vào”. Ông H chưa kịp nói gì thì T cúp máy.
Sau đó một tin nhắn xác nhận liền gửi tới cho ông H. “Lúc đó tuy rất nóng giận nhưng tôi vẫn bình tĩnh nhắn lại là Công ty S.T không thực hiện đúng hợp đồng nên buộc hoàn trả tiền lại cho tôi. Nếu lúc đó tôi xác nhận không đi thì Công ty S.T sẽ cho rằng phía bên tôi có lỗi và không trả lại tiền cọc” - ông H nhớ lại. Sau đó ông H tiếp tục nhắn tin đòi lại tiền nhưng phía T thì im hơi lặng tiếng.
Ông H làm dữ, nói sẽ tố cáo đến cơ quan pháp luật thì T. mới trả lời là sẽ từ từ trả tiền lại rồi cũng không thấy đâu. Đến lúc ông H bảo sẽ hỗ trợ cho công ty 10 triệu đồng thì không bao lâu sau, phía Công ty S.T mới chuyển trả lại tiền cọc, tất nhiên là trừ đi 10 triệu đồng.
Làm thủ tục nhập cảnh cho công dân về nước tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Để tìm hiểu thêm, ông H hỏi một số người cùng ký hợp đồng với Công ty S.T thì cũng cho biết có người mất cả tiền cọc, có người mất vài trăm USD cũng với kiểu như trên.
“Đối với những người không chủ động cho Công ty S.T một khoản tiền thì công ty này cũng ngỏ lời xin “vài trăm đô la” vì đã tốn một số phí để lo thủ tục và hầu như ai cũng chấp nhận để sớm lấy lại tiền cọc.
Trước đó, Vietnam Airlines đã từng khuyến cáo về thủ đoạn lừa đảo bán vé máy bay cho công dân về nước. Hãng lưu ý người dân không mua vé máy bay về nước từ những đối tượng không rõ danh tính hay các lời đề nghị không rõ nguồn gốc; không chuyển tiền cho các tài khoản đứng tên cá nhân.
Công dân trong danh sách về nước sẽ nhận được thông báo từ một nguồn duy nhất là Đại sứ quán Việt Nam hoặc cơ quan đại diện Việt Nam có thẩm quyền tương đương ở nước sở tại.
Các cơ quan này nhận thông tin về chuyến bay, giá vé, cách thức thanh toán… từ Vietnam Airlines để thông báo cho công dân bằng email chính thức. Các thông tin nếu do Vietnam Airlines trực tiếp gửi sẽ xuất phát từ địa chỉ email có đuôi @vietnamairlines.com.
Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco cũng đã có nhiều khuyến cáo nêu rõ: Thời gian qua, trên mạng xã hội, một số cá nhân, tổ chức đăng tải các quảng cáo, thông tin thất thiệt về “bán vé” các chuyến bay đón công dân về nước.
Để tránh các thiệt hại không đáng có cho công dân và ngăn chặn các hành vi lừa đảo, công dân có nhu cầu về nước cần tìm hiểu thông tin về các chuyến bay hỗ trợ đưa công dân về nước.
Việc đăng ký thông tin cá nhân về nước và thực hiện các thủ tục liên quan theo hướng dẫn của cơ quan đại diện, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam được đăng tải tại mục “Đăng ký nguyện vọng về Việt Nam” trên website của TLSQ và cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam./.