23h, tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 Pháp Vân – Cầu Giẽ (Hà Nội), Trung tá Mai Văn Hoà – Tiểu đoàn trưởng bộ đội địa phương huyện Phú Xuyên tranh thủ lúc không có xe lưu thông qua chốt, vào trong lán cầm cốc mì tôm ra phích nước nóng để pha ăn tạm cho đỡ đói.
Anh tâm sự rằng, một ca trực ở đây, lực lượng bộ đội chính quy chỉ có hai đồng chí, anh và một người nữa. Do lực lượng mỏng, mà chốt của anh ở đầu cửa ngõ phía Nam nhiều phương tiện qua lại nên anh em làm căng hết sức, ít khi có thời gian nghỉ ngơi. Chỉ có những lúc về đêm như thế này, một người gác, một người tranh thủ vào ăn tạm bát mì cho đỡ đói rồi lại thay nhau làm việc.
Sau đó, anh Hoà ra chốt để thay cho đồng đội mình vào ăn tạm chống đói buổi đêm. Tôi đi cạnh anh ra ngoài chốt cách lán chừng 200m, vừa đi anh vừa tâm sự: “Trước dịch khoảng hơn 1 tháng mình chưa về nhà rồi, hôm nhận nhiệm vụ ở chốt chỉ thông báo lại cho gia đình rồi từ đơn vị xuống thẳng đây luôn”.
Tại vị trí anh Hòa làm nhiệm vụ, ngoài anh và đồng đội còn có các chiến sĩ cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động, thanh tra giao thông, công an xã, dân quân tự vệ đang làm nhiệm vụ.
Nhiệm vụ hàng ngày của các anh là phối hợp với công an và lực lượng khác để hỗ trợ, hướng dẫn giúp đỡ người dân khai báo y tế, đo thân nhiệt và kiểm tra giấy tờ ra vào. Không ít trường hợp bức xúc khi phải quay đầu xe tại chốt, các anh cũng ra giải thích, vận động tuyên truyền cho bà con hiểu và chấp hành.
“Nhiều người đi từ xa về, nhưng đến đây là không đủ điều kiện để đi vào trong thành phố, phải quay đầu lại người ta cũng rất bức xúc, rồi buông những lời xúc phạm, nhưng mình ra giải thích một lúc là người ta cũng chấp nhận quay lại, không vào thành phố nữa. Khi mình tuyên truyền, vận động thì người ta cũng hiểu công việc chống dịch như thế nào. Bây giờ dịch bệnh không ai nhìn thấy, nên việc tăng cường tuyên truyền như vậy rất cần thiết”, Trung tá Mai Văn Hoà chia sẻ.
Đang dở câu chuyện với tôi thì có phương tiện lưu thông đến, anh lại đi đến kiểm tra giấy tờ và xác minh, sau khi đủ điều kiện thì mời họ lưu thông tiếp. Khi các phương tiện lưu thông đã mờ khuất, anh mới tiếp tục câu chuyện với tôi.
Anh bảo nhiều trường hợp người dân qua đây cũng có nhiều hoàn cảnh, thương họ nhưng không thể làm trái quy định được.
“Họ đứng gần đấy chờ từ sáng đến đêm để tiếp tục xin lực lượng chức năng. Do chờ lâu nên họ đói và run, mình và anh em lại mang sữa, mì tôm và nước ra cho họ. Cũng không ít trường hợp có con nhỏ trong thời tiết nắng nóng nên mình và mọi người để sẵn nước và sữa ở đây để giúp đỡ cho các cháu và gia đình”.
Khi tôi hỏi hậu phương có ủng hộ công việc của anh khi hàng ngày phải tiếp xúc với cả trăm người không, anh cười bảo "mình phải động viên lại gia đình cho yên tâm đấy". Vợ anh và cháu lớn thì biết rồi, nhưng cháu nhỏ thi thoảng gọi điện cho bố hỏi sao lâu thế không về, anh cũng chỉ trả lời là "bố đang thực hiện nhiệm vụ được giao, hết nhiệm vụ rồi bố sẽ về".
Anh bảo tại chốt kiểm soát số 1 này, có thể nói thời tiết nắng nóng, khói bụi rất khắc nghiệt. Chốt đóng ở nơi không có một bóng cây, nền nhiệt từ đường cao tốc lúc nào cũng phả hầm hập vào những người lính đang làm nhiệm vụ nơi đây. Chỉ đứng một lúc thôi là ướt sũng áo bên trong.
Có hôm về chiều trời nổi cơn dông lốc, lều bạt cứ muốn bốc tung, mọi người lại hò nhau chằng chéo, rồi ôm cột cho không bị bay đồ đạc bên trong. Những lúc ấy ai cũng cảm thấy mệt mỏi, nhưng mọi người đều cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Thấy đồng đội quay về chốt sau khi ăn tạm bữa đêm, anh liền quay ra giới thiệu với tôi. Người trực ca hôm nay với anh là Đại úy Hà Ngọc Chiến - Ban chỉ huy quân sự huyện Phú Xuyên.
Trò chuyện với Đại úy Chiến, anh cho biết, anh được Ban chỉ huy quân sự phân công làm nhiệm vụ từ ngày 14/7 đến nay. Bản thân anh và các đồng đội đều ăn ngủ tại chỗ và chưa về nhà từ hôm làm nhiệm vụ. Lương thực chủ yếu là mì gói do nhân dân xung quanh tiếp tế.
Tình cảm mà người dân xung quanh dành cho những người làm nhiệm vụ như chúng tôi nhiều lắm, thấu hiểu được nỗi vất vả của những đồng chí đứng canh chốt nên người thì mang hoa quả, bánh kẹo, người thì mang nước uống, sữa. Đặc biệt còn có thầy trụ trì chùa thôn Thượng xã Vân Từ, hàng ngày vẫn tiếp tế hoa quả, bánh kẹo, nước uống cho chúng tôi khiến chúng tôi cảm thấy xúc động vô cùng”.
Anh cũng cho biết, huyện ủy và Ban chỉ huy quân sự huyện vẫn thường xuyên xuống tận chốt thăm hỏi, động viên những người đang tuyến đầu chống dịch và các lực lượng chức năng khác.
Trò chuyện với chúng tôi, Trung tá Hòa và Đại úy Chiến đều chia sẻ, mong muốn lớn nhất là người dân hãy chấp hành quy định thật tốt để mọi người sớm quay trở lại với cuộc sống bình thường, để không uổng phí công sức của lực lượng quân đội và các lực lượng khác nơi tuyến đầu chống dịch.
00h, khi ngày mới đã đến, hai anh cùng các đồng đội ở các lực lượng khác bắt đầu điểm danh và bàn giao thay ca mới, mọi người vươn vai và hít một hơi dài. Bây giờ các anh lại trở về đơn vị của mình để nghỉ ngơi, sáng tiếp tục thực hiện công việc ở đơn vị và chờ đến giờ để thay ca, tiếp tục làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu chống dịch.
Theo Phòng Tuyên huấn, Cục chính trị, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, hiện nay, quân số trực tiếp của Bộ Tư lệnh Thủ đô tại các chốt trên địa bàn thành phố có 82 sĩ quan, 113 quân nhân chuyên nghiệp, 6.914 dân quân (thay đổi theo ngày) đang thực hiện nhiệm vụ được giao tại 2.735 chốt trên các xã, phường, thị trấn, 222 chốt huyện và 21 chốt trên địa bàn thành phố thành phố./.