VKSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và 85 bị can trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức liên quan.
Bị can Trương Mỹ Lan bị truy tố về 3 tội danh: “Tham ô tài sản”, “Đưa hối lộ”, quy định tại khoản 4 Điều 353; khoản 4 Điều 364 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 và tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", quy định tại khoản 3 Điều 179 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Các bị can còn lại bị đề nghị truy tố về các tội Tham ô tài sản, Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng. Trong đó, bị can Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II - Ngân hàng Nhà nước bị truy tố tội nhận hối lộ với số tiền lên đến 5,2 triệu USD.
Theo cáo trạng của VKSND tối cao kết luận, từ năm 2012 đến tháng 10 năm 2022, Trương Mỹ Lan đã thâu tóm, nắm giữ trên thực tế số lượng cổ phần gần tuyệt đối của Ngân hàng SCB (từ 85% đến 91,5% cổ phần), qua đó trở thành cổ đông có “quyền lực" để chỉ đạo, điều hành, thực chất là thao túng toàn bộ hoạt động của Ngân hàng SCB, phục vụ cho các mục đích khác nhau của mình.
Trương Mỹ Lan cùng nhiều đồng phạm đã thực hiện một chuỗi hành vi gồm: tuyển chọn, bố trí nhân sự thân tín của mình vào các vị trí chủ chốt tại Ngân hàng SCB; thành lập một số đơn vị thuộc Ngân hàng SCB chuyên trách cho vay, giải ngân theo yêu cầu của Trương Mỹ Lan; thành lập, sử dụng hàng ngàn Công ty “ma”, thuê nhiều cá nhân; câu kết với các cá nhân đứng đầu nhiều Doanh nghiệp liên quan để thực hiện tội phạm; thông đồng với nhiều Công ty Thẩm định giá để nâng khống giá trị tài sản bảo đảm.
Đáng chú ý, tạo lập số lượng rất lớn hồ sơ vay vốn khống để rút tiền từ Ngân hàng SCB; lập phương án rút tiền, “cắt đứt” dòng tiền sau giải ngân; bán nợ xấu, bán các khoản cấp tín dụng trả chậm để giảm dư nợ tín dụng, giảm nợ xấu, để che giấu sai phạm; mua chuộc, tác động người có chức vụ, quyền hạn trong Cơ quan Nhà nước làm trái công vụ.
Từ đó, Trương Mỹ Lan và đồng phạm, với những vị trí, vai trò khác nhau, thực hiện nhiều tội phạm xâm phạm về sở hữu, xâm phạm hoạt động của Ngân hàng, hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, trong đó nhiều tội phạm được thực hiện dưới dạng đồng phạm có tổ chức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, chiếm đoạt và gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn.
Trương Mỹ Lan và đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội trong một thời gian dài, trong khi Bộ luật Hình sự có sự thay đổi cơ bản về đường lối xử lý tại thời điểm trước và sau ngày 1/1/2018.
Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999, Bộ luật Hình sự năm 2015 và Nghị quyết số 41 ngày 20/6/2017 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, có hiệu lực thi hành tương ứng với thời điểm thực hiện hành vi phạm tội: Những hành vi phạm tội xảy ra trước ngày 1/1/2018 bị xử lý theo điều, khoản tương ứng (Điều 179) Bộ luật Hình sự năm 1999; những hành vi phạm tội xảy ra sau ngày 1/1/2018 bị xử lý theo các điều, khoản (Điều 353, Điều 206) Bộ luật Hình sự năm 2015, có xem xét đến nguyên tắc có lợi cho các bị can.
Trên cơ sở kết quả điều tra, kết quả công tố, các cơ quan tiến hành tố tụng đã rà soát, phân loại xử lý các bị can theo các tội danh cụ thể tương ứng với vị tri, vai trò, số lượng, tính chất, mức độ hành vi phạm tội và lỗi của từng bị can.
VKSND tối cao quyết định truy tố Trương Mỹ Lan và 85 bị can ra trước TAND TP HCM để xét xử.
Cáo trạng nêu rõ hành vi phạm tội của bị can Trương Mỹ Lan. Theo đó, từ ngày 1/1/2012 đến 7/10/2022, Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã lập một số lượng lớn các hồ sơ vay vốn khống để rút ra số tiền đặc biệt lớn.
Trong đó, từ 2012 đến 2017, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống 368 hồ sơ vay vốn để rút tiền của Ngân hàng SCB sử dụng vào các mục đích khác nhau, đến ngày 17/10/2022 còn dư nợ 132.247 tỷ đồng, không có khả năng thu hồi. Hành vi của Trương Mỹ Lan đã gây hậu quả thiệt hại cho Ngân hàng SCB số tiền hơn 64.621 tỷ đồng.
Từ ngày 9/02/2018 đến ngày 7/10/2022, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn, chiếm đoạt của Ngân hàng SCB số tiền hơn 304.096 tỷ đồng, gây thiệt hại số tiền 129.372 tỷ đồng.
Kêu gọi 5 bị can vụ Vạn Thịnh Phát đang bỏ trốn ra đầu thú
VKSND tối cao (Vụ 3) kêu gọi 5 bị can đang bỏ trốn đến Cơ quan Công an hoặc VKSND nơi gần nhất đầu thú, hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước và thực hiện quyền tự bào chữa theo quy định tại Điều 60 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; nếu tiếp tục bỏ trốn, VKSND tối cao coi đó là từ bỏ quyền tự bào chữa và bị truy tố, xét xử vắng mặt theo quy định của pháp luật.
Các bị can gồm: Đinh Văn Thành (SN 07/10/1971, nơi cứ trú: Số 1020 tỉnh lộ 43, khu phố 1, phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức, TP HCM), nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB;
Bị can Chiêm Minh Dũng (SN 5/10/1973, nơi cư trú: Chung cư Bàu Cát 2, Hồng Lạc, phường 10, quận Tân Bình, TP HCM), nguyên Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB;
Bị can Trầm Thích Tồn (SN 15/6/1961, nơi cư trú: Số 8 đường số 5C, khu dân cư Trung Sơn, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP HCM), Thành viên HĐQT Ngân hàng SCB;
Bị can Nguyễn Thị Thu Sương (SN 20/7/1974, nơi cư trú: Số 77 Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM), nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB;
Nguyễn Lâm Anh Vũ (SN 17/9/1969, nơi cư trú: Chung cư cao cấp Hoàng Anh Gia Lai II, 769-783 Trần Xuân Soạn, phường Tân Hưng, quận 7, TP HCM.