Mọi người gàn nhưng mẹ chồng vẫn không cho bố em lên. Bố em sượng sùng không dám lên xe: "Ông không đủ tư cách ngồi đây, ông về đi".
Nhà em ở quê nghèo nên em xác định học xong đi làm sau này sẽ lấy người ở quê thôi chứ chả dám trèo cao với tới mấy anh ở phố. Bạn em nhiều đứa cũng trèo cao ngã đau, cưới xong bị nhà chồng khinh cho chẳng coi nhà mình ra gì. Đẻ đái họ cũng không cho bế con về. Có nhà mẹ chồng ghê gớm quá cuối cùng phải ra tòa vì không chịu đựng nổi.
Cuối cùng em cũng gặp được người đàn ông phù hợp. Nhà anh cũng chỉ nhỉnh hơn nhà em thôi chứ không phải giàu, nhà ở thị trấn cách nhà em chừng 20km. Mỗi lần về quê cũng tiện chứ 1 chốn 4 quê thì cũng mệt lắm. Cưới xong bọn em sẽ lại lên Hà Nội làm. Em dự định sau bảo anh chuyển công việc khác chứ hiện tại anh làm nhàn nhưng lương thấp lắm, chỉ bằng 1/3 lương em thôi. Em thấy đàn ông thu nhập thế phí lắm.
Gần ngày cưới bố mẹ bảo với em là hay để bố mẹ vay mượn tiền mua cho em chỉ vàng trao cho con gái về nhà chồng cho em đỡ tủi. Kể ra nếu đợt vừa rồi bố em không ốm nằm viện tốn mất 60 triệu thì cưới em bố mẹ cũng không phải lo lắng gì. Nhưng vì bố thế nên đợt này em cưới cỗ bàn là cũng phải chờ tiền mừng cưới trả sau chứ bố mẹ chả có mà lo trước. Số tiền em tiết kiệm được cũng lo thuốc thang cho bố nên chẳng còn bao nhiêu. Nhưng vì lỡ xem và định ngày cưới từ trước nên vẫn đành tổ chức.
Bố mẹ có cho là tốt, không có mình phải chịu. (Ảnh minh họa)
Em gạt đi bảo bố mẹ không cần trao. Bố mẹ có cho là tốt, không có mình phải chịu. Nhà chồng em chẳng khá giả gì nhưng làm cỗ lại linh đình lắm. 200 mâm liền cơ, lúc đầu em tưởng ông bà có tiền sau thấy người yêu em bảo câu này em mới điếng người:
- Dù không có cũng không để người ta biết mình không có được. Cả đời người mới cưới 1 lần phải làm cho nó tinh tươm, sau bóc phong bì trả nợ.
- Thế lỡ tiền phong bì chẳng đủ trả nợ thì sao?
- Thì sau cày trả nợ.
- Vậy thì em nghĩ khoản xe dâu, rồi xe nhà trai không cần hoành tráng quá đâu. Xe hoa anh đừng thuê xe xịn thì giá được giảm 1 nửa rồi, thay vì thuê 2 xe 45 chỗ anh thuê 1 xe thôi, mọi người đi xe máy thêm cũng được mà. Cỗ thì đừng đặt mâm 2 triệu vì giờ em thấy ở quê họ đi có 200 nghìn, 1 mâm thu được có 1,2 triệu thì mình lỗ nặng anh à.
- Tính như em đúng là cách tính của nhà quê, con nhà nghèo, cả đời không khá được đâu.
Đến lúc này em thấy bất đồng quan điểm lắm rồi chẳng lẽ lại hủy hôn. Sau cũng tự an ủi mình là thôi kệ nhà anh vì dù sao thì nhà trai lo, bố mẹ anh lo các khoản đấy chứ có phải em lo đâu.
Nhưng không ngờ hôm cưới lại xảy ra một sự việc kinh khủng khiến đám cưới của em đã không thể đi đến cuối cùng. Hôm đó dù em đã nói không lấy nhưng bố mẹ vẫn vay mượn trao cho em 1, 5 chỉ vàng, còn anh em thì chủ yếu mừng tiền chứ không mừng vàng nên số vàng em được cho không nhiều. Phía nhà gái thì hiểu chuyện vì biết bố em mới ốm nặng nhưng bên nhà trai bắt đầu xì xào. Chỗ em có tục sẽ cho con gái hồi môn luôn tại nhà chứ không trao ở họ nhà trai như các nơi khác.
Sợ nhất là lúc bố em định đưa em về nhà chồng thì bị mẹ chồng đuổi luôn xuống khỏi xe hoa:
- Ông không đủ tư cách ngồi đây, ông về đi. Con gái đi lấy chồng mà cho được tí ti ti vàng cưới nào, tôi mà biết thế này còn lâu tôi mới hỏi cưới.
Mọi người gàn nhưng mẹ chồng vẫn không cho bố em lên. Bố em sượng sùng không dám lên xe, em đã ngồi yên trong xe hoa rồi nhưng khi nghe mà thấy cảnh này thì không chịu nổi lao luôn xuống:
- Không được xúc phạm bố tôi như thế, không cưới thì thôi, các người mang hết đồ nhà các người về đi.
Em ném luôn cái tráp nhà trai mang đến lúc đón dâu trả lại. Lúc đó mẹ anh ta vẫn còn bảo:
- Mày về trả hết nợ cỗ bàn cho nhà tao đã rồi đi đâu thì đi.
- Cỗ đấy nhà tôi không ai ăn tôi không phải trả.
Ôi hóa ra là làm cỗ to để mong em về trả nợ đấy ạ. May mà sự cố kia xảy ra em làm tanh bành luôn không thì đời em còn đau nữa. Nghèo sống đúng với vị trí của mình đi thích làm sang để mắc nợ có phải khổ không. Nghĩ thương bố quá mọi người à, bố em buồn bản thân vì không lo được cho con để người ta khinh khiến con không có đám cưới trọn vẹn nên lăn ra ốm nặng hơn. Nghĩ đến em thấy vừa có lỗi vừa thương bố đến nghẹt thở./.