Chiến lược của EU mang tên “Một châu Âu kết nối toàn cầu” nhằm thúc đẩy chính sách phát triển kinh tế và đối ngoại, đồng thời đảm bảo lợi ích an ninh và các giá trị của châu Âu.

Ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) vừa nhất trí triển khai kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng toàn cầu kết nối châu Âu với thế giới. Đây là bước đi mới nhất sau các thỏa thuận đạt được với Ấn Độ và Nhật Bản cũng như cam kết tương tự của Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).

Châu Âu tung chiến lược “Một châu Âu kết nối toàn cầu”, đối trọng với BRI của Trung Quốc
Trụ sở EU tại Brussels (Bỉ) (Ảnh : L’epresse).

Chiến lược của EU mang tên “Một châu Âu kết nối toàn cầu” nhằm thúc đẩy chính sách phát triển kinh tế và đối ngoại, đồng thời đảm bảo lợi ích an ninh và các giá trị của châu Âu. Mặc dù kế hoạch cơ sở hạ tầng toàn cầu của châu Âu không hề nhắc đến Trung Quốc nhưng giới phân tích nhận định, toàn bộ kế hoạch này là chiến lược mới của châu Âu nhằm đối trọng với Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc.

Bước đi đầu tiên của châu Âu

Kế hoạch “châu Âu kết nối toàn cầu” là một kế hoạch rất tham vọng của Liên minh châu Âu về cơ sở hạ tầng ở quy mô toàn cầu, mà như Hội đồng châu Âu tuyên bố thì mục đích là nhằm kết nối châu Âu với thế giới thông qua các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, kết nối số, tạo lập các tiêu chuẩn kinh doanh dựa trên luật lệ, đề cao tính minh bạch về tài chính, bảo vệ môi trường, cũng như lan tỏa các giá trị của châu Âu.

Tuy nhiên, kế hoạch tham vọng này hiện nay mới chỉ dừng ở mức đưa ra ý tưởng, chứ hoàn toàn chưa có bất cứ lộ trình cụ thể nào. Dự kiến, các quan chức ngoại giao và kinh tế hàng đầu của EU sẽ dành 9 tháng tới để xem xét, đánh giá và lên một danh sách các dự án “có tầm ảnh hưởng cao và thực tế”, tức là những dự án mà EU cho rằng có đủ khả năng tạo ra các ảnh hưởng lớn, đủ sức đối trọng với các dự án của Trung Quốc.

Nhìn chung, đây mới chỉ là những bước đi đầu tiên của châu Âu trong việc tạo dựng một kế hoạch cơ sở hạ tầng toàn cầu và EU còn rất nhiều việc phải làm để cụ thể hóa kế hoạch đầy tham vọng này, trong đó trọng tâm có lẽ sẽ là quy mô tài chính của kế hoạch, cơ chế hợp tác giữa các bên, mức độ mở rộng của các dự án cùng hàng loạt các yếu tố kỹ thuật khác. Ngay trước mắt, giới phân tích cho rằng EU cần phải xây dựng được một chiến lược truyền thông lớn cho kế hoạch này, để có thể quảng bá một cách hiệu quả, thu hút trên phạm vi toàn cầu.

Đối trọng với Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc

Tại cuộc họp của các Ngoại trưởng EU hôm 12/07 để chính thức tung ra kế hoạch này, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas có đưa ra nhận định rằng hiện tại Trung Quốc đang dùng các phương tiện kinh tế và tài chính của mình để tạo ảnh hưởng khắp thế giới, rõ nhất chính là thông qua Sáng kiến “Vành đai và Con đường” và để đối phó với chiến lược đó của Trung Quốc, các lời lẽ chỉ trích Trung Quốc sẽ không có giá trị nào mà điều quan trọng nhất là châu Âu cần phải đưa ra được một giải pháp thay thế, phải chứng minh cho các nước đang phát triển tại châu Á, Trung Đông, châu Phi, châu Mỹ Latin rằng kế hoạch của châu Âu mang lại các lợi ích lớn hơn cho các nước đó.

Nói cách khác, sau nhiều năm hoài nghi, chỉ trích, e ngại, thậm chí sử dụng các chiến dịch truyền thông lớn để hạ thấp sáng kiến của Trung Quốc, thì các nước phương Tây nói chung và châu Âu nói riêng hiểu rằng, cách duy nhất để đối phó với tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc là phải cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc trên sân chơi này. Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc đã được triển khai từ năm 2013, thu hút gần 70 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia, với tổng số vốn huy động đã trên 2.500 tỷ USD.

Bất chấp một số ý kiến tiêu cực về sáng kiến này, như “bẫy nợ” hay việc tác động xấu đến môi trường, rõ ràng là Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc cũng đã tạo nên nhiều tác động tích cực, giúp các nước nghèo đang phát triển xây dựng được các hệ thống cơ sở hạ tầng lớn như cầu-đường, bến cảng, đường sắt cao tốc… Đấy là các lợi ích rõ ràng mà các nước phát triển nhận được khi tham gia sáng kiến của Trung Quốc, vì thế để lôi kéo các nước khác khỏi quỹ đạo của Trung Quốc, châu Âu sẽ phải chứng minh mình mang lại lợi ích lớn hơn, một cách thực tế bằng hành động, chứ không phải bằng các cam kết suông.

Việc châu Âu tung ra kế hoạch kết nối toàn cầu thể hiện khối này đã có thay đổi nhận thức căn bản, đồng thời cũng đang ngày càng quan ngại hơn về tầm ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc tại nhiều khu vực trọng yếu với châu Âu, như Balkan, châu Phi hay châu Mỹ Latin. Cần lưu ý thêm rằng trong EU cũng đã có 2 thành viên tham gia Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc là Hy Lạp và Italy, vì thế EU càng cần phải nhanh chóng hành động nhằm ngăn chặn sự chia rẽ trong nội bộ khối.

Mục tiêu tham vọng của các nước châu Âu

Bên cạnh ý định rõ ràng và công khai của châu Âu về việc đối trọng, ngăn chặn tầm ảnh hưởng của Trung Quốc, kế hoạch “châu Âu kết nối toàn cầu” cũng là một động thái khác cho thấy, EU không từ bỏ ý định theo đuổi một sự tự chủ chiến lược của mình. Kế hoạch này của EU được công bố sau kế hoạch tương tự mang tên “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn” (B3W) được các nước G7 đưa ra tại thượng đỉnh tại Anh đầu tháng 06/2021 và về cơ bản, hai kế hoạch này có các tiêu chí và cách tiếp cận tương đồng nhau, từ việc đề cao tính minh bạch tài chính, bảo vệ môi trường lẫn chú trọng vào một quan hệ hợp tác toàn diện và bền vững. Việc châu Âu tung ra một kế hoạch tương đồng với Mỹ là biểu hiện rõ ràng của việc châu Âu không muốn phụ thuộc toàn bộ vào Mỹ trong cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa các cường quốc của thế kỷ 21.

Trên thực tế, những hội nghị Thượng đỉnh G7, NATO, Mỹ-EU diễn ra trong tháng 06/2021 cho thấy mặc dù châu Âu hoan nghênh nước Mỹ dưới thời ông Joe Biden quay trở lại đề cao quan hệ đồng minh chiến lược liên Đại Tây Dương, tái cam kết với chủ nghĩa đa phương… nhưng châu Âu, và đặc biệt là hai đầu tàu Đức-Pháp, cũng rất cảnh giác trước việc bị Mỹ kéo sâu vào một cuộc đối đầu trực diện kiểu “Chiến tranh Lạnh” với Trung Quốc. Các quan chức lãnh đạo Pháp-Đức ý thức rõ việc Mỹ muốn sử dụng các thiết chế như G7 hay NATO để phục vụ cho việc đối đầu quyết liệt với Trung Quốc nên không muốn châu Âu bị kéo theo một cách bị động. Việc đề xuất ý tưởng tổ chức thượng đỉnh EU-Nga rồi việc tung ra kế hoạch kết nối cơ sở hạ tầng toàn cầu này, trên thực chất là đã được thai nghén từ lâu, khẳng định ý muốn của châu Âu trong việc xây dựng một tư duy chiến lược riêng của khối này. Dù còn phải chờ đợi các kết quả cụ thể nhưng điều này cho thấy châu Âu đã trưởng thành lên nhiều về mặt địa chính trị, với quyết tâm không bị kẹt lại và bị tổn hại trong cuộc chiến siêu cường Mỹ-Trung./.