Các phiên chất vấn và trả lời chất vấn được "kéo" từ cuối tuần trước đến đầu tuần này. Đây là cuộc chất vấn cuối cùng của Quốc hội khóa XIV, do đó Quốc hội không chất vấn theo nhóm vấn đề như thông lệ.
 
Đây là cuộc "tái chất vấn" mang tính tổng hợp nhiều nội dung, nhiều lĩnh vực, sau khi Chính phủ, chánh án TAND Tối cao, viện trưởng Viện KSND Tối cao báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII. Thậm chí, có đại biểu chất vấn cả chủ tịch Quốc hội.
 
Với phạm vi rộng như vậy, có đến chục lãnh đạo bộ, ngành thuộc diện phải trả lời. Các đại biểu Quốc hội có sự quan tâm khác nhau nên nhiều vấn đề cùng được đặt ra.
 
Vì vậy người theo dõi trực tiếp sẽ có cảm giác "mệt" vì đôi khi phiên chất vấn bị "vụn", bị "loãng" bởi có nhiều vấn đề được đặt ra, thậm chí khó theo dõi, khó nhớ nội dung và diễn biến, khó nhớ tên của đại biểu và người trả lời. Đặc biệt có lúc đại biểu muốn hỏi dài, muốn trình bày kỹ vấn đề chất vấn nhưng thời gian chỉ có một phút nên đọc rất nhanh. Và trong một số tình huống, người trả lời cầm cả văn bản đọc một mạch!
 
Có những vấn đề được đặt ra, đại biểu tranh luận để "đeo bám" nhưng vẫn chưa có cảm giác "đi đến cùng" bởi sau đó cuộc chất vấn lại "trượt" sang nội dung khác, trong đó có một số câu hỏi được chờ đợi nhưng chưa được trả lời.
 
Người theo dõi cũng cảm nhận được "sức nóng" từ nghị trường bởi trách nhiệm của một số đại biểu Quốc hội trước những vấn đề cấp bách của đời sống. Thiên tai, rừng, môi trường, vụ xử lý ở Trường đại học Tôn Đức Thắng... là những chủ đề được "đeo bám" khiến phiên chất vấn thu hút dư luận./.