bna-chanh-1612947-2392021-1632412204.jpg
Hiện đang là mùa thu hoạch chanh trên địa bàn các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên. Ảnh: Nguyên Châu

Gia đình ông Võ Trường Năng, xã Nam Kim, huyện Nam Đàn có hơn 100 gốc chanh. Đây là một trong những cây trồng mang lại thu nhập chính cho gia đình trong nhiều năm qua. Tuy nhiên năm nay, giá chanh xuống thấp kỷ lục khiến ông đứng ngồi không yên, nhìn những cây chanh trĩu quả nhưng không biết bán cho ai, ông Năng không khỏi ngậm ngùi.
Chanh giảm giá kỷ lục, người dân chẳng buồn thu hoạch

"Các năm trước, giá chanh dao động từ 20.000 - 25.000 đồng/kg tại vườn, đỉnh điểm có những thời điểm nắng nóng giá chanh lên đến 30.000 đồng/kg, hái đến đâu có người thu mua đến đấy nhưng năm nay thì thất thu nặng. Giá chanh hái tại vườn chỉ được 3.000 đồng/kg, loại đẹp thì được lên 5.000 đồng/kg, không bõ công hái...", ông Năng thở dài.

Không chỉ ông Năng mà đó còn là tâm trạng của hàng trăm hộ dân trồng chanh trên địa bàn xã Nam Kim, địa phương có diện tích chanh nhiều nhất trên địa bàn huyện Nam Đàn. Theo ghi nhận của P.V, các vườn chanh trên địa bàn đều đang trĩu quả tuy nhiên không có mấy người thu hoạch vì giá rẻ, một số quả già, héo úa trên cây.

bna-mua3267924-2392021-1632412539.jpg
Chanh năm nay được mùa nhưng giá giảm kỷ lục. Ảnh: Nguyên Châu

Ông Đặng Văn Điền, thương lái thu mua chanh trên địa bàn xã Nam Kim cho biết: "Năm nay thị trường tiêu thụ kém lắm, do đó, chúng tôi cũng không thể nhập với số lượng lớn được mà phải chọn lọc chanh loại 1 mới có thể có đầu ra. Chưa kể đến việc trong thời điểm dịch bệnh, việc vận chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn khi đi từ vùng này đến vùng khác, do đó, nhiều thương lái thu mua chanh hàng năm cũng đã tạm nghỉ rồi, việc chanh ùn ứ cũng là điều dễ hiểu".

Ông Trịnh Xuân Hưng - Chủ tịch UBND xã Nam Kim cho biết: "Trên địa bàn hiện có 240ha chanh, đây là cây trồng chủ lực của địa phương trong nhiều năm trở lại đây, tuy nhiên năm nay người trồng chanh thất thu, dù giá giảm mạnh tuy nhiên vẫn khó tiêu thụ. Chúng tôi cũng đang tiến hành kết nối với các doanh nghiệp, đơn vị để thu mua chanh cho bà con tuy nhiên việc tìm được đơn vị trong mùa dịch bệnh này là điều rất khó".

bna-hai9677937-2392021-1632412653.jpg
Do việc tiêu thụ khó khăn trong mùa dịch nên các thương lái cũng chỉ nhập chanh loại 1, hạn chế nhập đại trà như các năm trước. Ảnh: Nguyên Châu

Không chỉ tại huyện Nam Đàn mà tại Hưng Nguyên, giá chanh cũng đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Theo thống kê, toàn huyện Hưng Nguyên có 400 ha chanh, tập trung tại các xã Hưng Yên Nam, Hưng Yên Bắc, Hưng Trung, Hưng Tây... trong đó xã Hưng Yên Nam có diện tích lớn nhất với khoảng 200ha.

Bà Nguyễn Thị Yến, cán bộ Nông nghiệp xã Hưng Yên Nam cho biết: "Trước tình cảnh được mùa mất giá, trong thời gian qua, lực lượng đoàn viên thanh niên, hội nông dân, hội phụ nữ... đã kết nối với các đơn vị trên địa bàn huyện để chung tay giải cứu chanh cho người dân. Kết quả đến ngày 23/9 đã có gần 20 tấn chanh được thu mua kịp thời. Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài cần phải kết nối được các đơn vị để bao tiêu cho bà con".

bna-cuu3719281-2392021-1632412741.jpg
Các đơn vị chung tay giải cứu chanh cho người dân xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên. Ảnh: Nguyên Châu

Được biết, nguyên nhân khiến giá chanh trên địa bàn Nghệ An "chạm đáy" là do đang bước vào chính vụ thu hoạch, lượng cung vượt quá cầu, bên cạnh đó, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến việc tiêu thụ chanh khi hiện nay nhiều quán ăn, nhà hàng, các bếp ăn tập thể, các khu chợ... vẫn đang tạm dừng hoạt động. Việc thiếu vắng thương lái khiến người dân chỉ biết mang đi bán lẻ tuy nhiên lượng bán ra không đáng là bao so với sản lượng chanh trên địa bàn.

Tại TP.Vinh, theo khảo sát tại các chợ và các cửa hàng nông sản trong sáng 23/9, giá chanh hiện cũng chỉ dao động từ 7.000 - 10.000 đồng/kg tùy loại. Với việc dịch bệnh đang dần được kiểm soát, các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn chuẩn bị mở cửa trở lại do đó nhiều chủ quán đã tranh thủ mua chanh giá rẻ với số lượng lớn để tích trữ, phục vụ kinh doanh trong thời gian tới./.