Dù PV xuất trình giấy giới thiệu nhưng cho rằng PV chưa có thẻ Nhà báo nên Chánh án TAND huyện An Lão (Bình Định) không cho PV tác nghiệp.
 
Nhận được phản ánh của ông Dương Đức Hải Nam (bút danh Hải Nam) - PV Báo Công lý về việc bị Chánh án TAND huyện An Lão (Bình Định) cản trở trong quá trình tác nghiệp.
 
Cụ thể, đầu tháng 3, PV Hải Nam nhận được đơn cầu cứu của ông Văn Công Chi (thôn Xuân Phong Nam, xã An Hòa, huyện An Lão) về việc tranh chấp đất "ranh giới giữa các bất động sản liền kề" với ông Thái Hào. Ngày 4/5, TAND huyện An Lão có giấy báo đề nghị ông Văn Công Chi đến tham dự và chứng kiến việc xem xét tại chỗ và định giá tài sản tranh chấp trong vụ án tranh chấp ranh giới giữa hai bất động sản liền kề được tiến hành vào sáng ngày 8/5 do bà Huỳnh Thị Giàu - Chánh án TAND huyện An Lão ký.
 
Nắm thông tin vụ việc mà mình đang theo dõi, PV Hải Nam đã liên hệ trước với bà Huỳnh Thị Giàu - Chánh án TAND huyện An Lão để tác nghiệp chụp hình hiện trường việc thẩm định tại chỗ thửa đất đang tranh chấp gia đình ông Văn Công Chi và ông Thái Hảo để tác nghiệp theo quy định.
 
Tuy nhiên, sáng ngày 8/5 tại hiện trường, khi PV Hải Nam xuất trình Giấy giới thiệu do Tổng biên tập Báo Công lý cấp ngày 7/5/2020 (có hiệu lực đến ngày 7/6/2020) và giấy tờ tùy thân đề nghị được ghi hình quá trình Hội đồng thẩm định và định giá tài sản do TAND huyện An Lão thành lập đo đạc tại thửa đất trên thì bà Huỳnh Thị Giàu – Chánh án TAND huyện An Lão kiểm tra “tư cách báo chí” và không cho tác nghiệp vì “ theo Luật báo chí, chúng tôi không làm việc với giấy giới thiệu?”
 
Mặc dù PV đã giải thích “phóng viên” trong Luật Báo chí được hiểu là chức danh “phóng viên” nhưng chưa đủ điều kiện để cấp thẻ Nhà báo. Phóng viên là người đến cơ sở, thông qua các biện pháp nghiệp vụ của mình khai thác, xử lý thông tin viết bài đăng báo. Thông thường phóng viên chưa có thẻ nhà báo khi đến cơ sở, phóng viên có thể dùng giấy giới thiệu của cơ quan và một số giấy tờ chứng minh nhân thân là đủ điều kiện làm việc bởi Luật Báo chí và các văn bản dưới Luật cũng quy định đơn vị tác nghiệp dùng giấy giới thiệu của cơ quan báo chí cử đi.
 
Tuy nhiên, bà Huỳnh Thị Giàu vẫn yêu cầu phải có thẻ nhà báo mới làm việc, "còn giấy giới thiệu chúng tôi không làm việc và yêu cầu không được quay phim, chụp hình tại hiện trường".
 
Sau khi nhận được phản ánh, PV đã liên hệ với bà Huỳnh Thị Giàu - Chánh án TAND huyện An Lão qua điện thoại để tìm hiểu sự việc. Bà Giàu nghe máy nhưng hỏi "ai vậy" rồi tắt máy! PV tiếp tục liên hệ nhưng không nhận được phản hồi.


 
Hội đồng thẩm định tại chỗ do TAND huyện thành lập tại hiện trường thửa đất đang tranh chấp
 
Theo Luật sư Lê Văn Anh – Đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng, từ thực tiễn hoạt động báo chí cho thấy vẫn có nhiều phóng viên, nhà báo đang bị cản trở, gây khó khăn khi đi làm việc tại một số đơn vị, tổ chức. Có nhiều trường hợp, khi phóng viên được cơ quan báo chí cử đi đến một số đơn vị, tổ chức làm việc, nhất là về vấn đề tiêu cực, các cơ sở thường đòi hỏi ngoài giấy giới thiệu thì yêu cầu phải có thẻ nhà báo.
 
Tuy nhiên, đó là một số ít những người thiếu am hiểu pháp luật nên không nắm được việc này, vẫn phân biệt nhà báo với phóng viên dẫn đến có thái độ coi thường và không hợp tác để phóng viên tác nghiệp đúng luật.
 
Luật sư Anh cũng cho biết, có những ý kiến cho rằng phóng viên phải có thẻ nhà báo là để đảm bảo về trình độ của người tác nghiệp, nhưng họ không hiểu hoạt động báo chí có đặc thù riêng, chất lượng bài báo không phụ thuộc vào việc họ đã được cấp thẻ nhà báo hay chưa mà phần lớn được điều chỉnh bởi khả năng phát hiện đề tài, phân tích thông tin.
 
Hơn nữa, khi cơ quan báo chí có giấy giới thiệu cử phóng viên đi xác minh thông tin viết bài là đã có sự cân nhắc, lựa chọn những người có đủ năng lực, trình độ, bởi phía sau mỗi bài báo của phóng viên được cử đi lấy thông tin viết bài còn có trách nhiệm của cả Ban biên tập tờ báo đó. Nếu các đơn vị tổ chức còn nghi ngờ không đúng người được cử đi tác nghiệp thì đề nghị cung cấp giấy tờ chứng minh nhân thân là đủ.
 
Theo Luật sư Anh, Luật Báo chí sửa đổi năm 2016 có hiệu lực từ ngày 01/01/2017 đã quy định bảo vệ quyền tác nghiệp của phóng viên chưa có thẻ nhà báo, phóng viên tác nghiệp bằng giấy giới thiệu của cơ quan báo chí. Cụ thể, tại Khoản 12, điều 9 Luật Báo chí sửa đổi năm 2016, quy định: Nghiêm cấm các hành vi “đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”.