"Mình là một người con miền Trung. Dân mình hay nói nhiều về ngày mai. Bởi trong từng cơn tuyệt vọng, bọn mình đều cố thoát ra để vươn tới những ngày mới tốt đẹp hơn, cố chạm tới những sự đổi khác, sự hồi sinh để tạo dựng lại cuộc sống ôn hoà với vụ mùa bội thu hơn", Lê Quang Long chia sẻ.
 
Lê Quang Long sinh ra và lớn lên tại Quảng Nam. Sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.HCM, anh chuyển hướng sang nhiếp ảnh, hiện đang làm việc tại TP.HCM. Long tập hợp các bạn trẻ có cùng đam mê và nhiệt huyết, thành lập nhóm "Những bước chân xanh", với mục tiêu chính giúp đỡ trẻ em và người lao động vùng cao, vùng gặp nhiều khó khăn.
 
Cứu trợ đồng bào miền Trung vốn nằm ngoài phạm vi hoạt động của nhóm. Tuy nhiên, Long quan niệm, đã là từ thiện thì không có sự phân biệt. Bản thân anh và các bạn trong nhóm đều sinh ra ở dải đất miền Trung, việc quay về giúp đỡ quê hương là điều hiển nhiên.
 
"Kể cả khi nhóm không thể đồng hành cùng mình, bản thân mình cũng sẽ tự đứng ra để hành động, chỉ đơn giản bởi vì miền Trung sinh mình ra, thì nay miền Trung cần nên mình trở về", Long nói.
 
Đã hơn 15 ngày từ khi Long và "Những bước chân xanh" có mặt tại các tỉnh miền Trung cứu trợ đồng bào lũ lụt. Hiện, nhóm đang đặt chân đến Quảng Nam, khi mà chỉ ít giờ nữa, bão số 9 được dự báo đặc biệt nguy hiểm sẽ đổ bộ.
 
Hãy cùng lắng nghe câu chuyện của Long và "Những bước chân xanh"!
 

 
Lê Quang Long, nhiếp ảnh trẻ sinh ra tại Quảng Nam đã quyết định cùng những người bạn quay về quê hương giúp đỡ đồng bào
 
"15 ngày dầm mình trong mưa lũ, quê hương cần nên bọn mình trở về"
 
"Lũ lớn quá, nhà bà bị cô lập rồi" giọng run run của bà Vũ, 85 tuổi, Quảng Nam làm mình rưng rưng nước mắt.
 
Đây là tình cảnh chung của gần 200 hộ dân vùng ngập nặng nhất ở Quảng Nam vào ngày 13/10. Họ đã phải ngâm mình trong nước hơn 1 tuần và bị cô lập hoàn toàn. Chúng mình buộc phải di chuyển bằng xà lan để viện trợ nhu yếu phẩm cho bà con. Người dân khắp Quảng Nam khi đó vẫn trong cảnh "màn trời chiếu đất", họ mong muốn nhận được sự quan tâm của cộng đồng.
 
Ngày thứ 6 có mặt tại miền Trung, mình nhớ mãi câu nói khiến mình nhói lòng và quyết định bỏ hết công việc để đồng hành cùng bà con: "Cơm mà có thêm tí nước mắm cũng dễ nuốt". Trải qua từng cung bậc cảm xúc tại nơi đây, mình mới thấy thiên tai thật ác liệt, còn con người thật mạnh mẽ, họ vẫn lạc quan vượt qua và khắc phục mọi thứ.
 
Dù hoàn cảnh rất khó khăn, cái ăn cái mặc cũng đang bấp bênh nhưng họ vẫn phụ nhau, dìu dắt nhau để cùng chống lụt. Nhà nào công việc đã ổn định thì sang nhà khác để giúp đỡ, mỗi người phụ nhau một ít chờ nước rút.
 
Bão chồng bão, lụt chồng lụt, nhìn mà cứ tưởng như thiên nhiên đang đùa với con người. Bà con vừa mới ngẩng đầu lên được, nay lại phải chiến đấu tiếp đợt sau, khổ lại chồng thêm khổ.
 





 
15 ngày dọc các tỉnh miền Trung, Long cùng nhóm đã đến với bà con những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất
 
Ngày 17/10, 8 ngày, 4 lần chạy lũ, một cảnh tượng thật kinh khủng.
 
Theo xuồng máy, mình và nhóm ngược dòng sông Vu Gia, Quảng Nam để tiến vào thôn 10 Đại Cường. Sau 1 tiếng, chúng mình tiếp cận được vùng đang bị cô lập hoàn bởi dòng lũ. 200 phần quà quyên góp được từ các nhà hảo tâm nhanh chóng được chuyển tới tận tay người dân.
 
Trời mưa rất to, gió lớn kèm theo các hồ chứa xả lũ nên việc di chuyển và viện trợ cũng khá khó khăn. Lần đầu tiên đi ngược dòng nước chảy siết gần 1 tiếng đồng hồ dưới mưa chắc là kỉ niệm nhớ mãi của nhóm mình, cảm giác cứ bay bổng khó tả. Lúc ấy, mọi người thường im lặng, quan sát xung quanh. Ai cũng lo sợ… nước lũ cuốn trôi.
 
Dưới dòng nước bì bõm, những nghĩa tình trao nhau làm mọi người cũng thấy vui lòng.
 
Đêm 17/10 là một đêm kinh hoàng với người dân Quảng Trị. Những tin nhắn cầu cứu trong đêm nghe sao mà xót xa, nước lên rất nhanh và chảy xiết. 21h50 nước bắt đầu chạm nóc khiến mọi người phải lao đao tránh nạn, đêm thì mưa như trút nước, già trẻ lớn nhỏ đều co ro trong cái lạnh buốt giữa cô lập.
 
Đêm hôm sau, đến lượt người dân Quảng Bình kêu cứu. Nước lũ dâng lên vượt mốc lịch sử, bà con thức trắng chống chọi. Cả nhóm bắt đầu lên đường tới Hưng Thủy, Quảng Bình - xã chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
 
Sáng hôm đó, 5 chiếc cano được chuẩn bị sẵn để chở hàng vào các xã. Tiếng người gọi, tiếng cano chạy, tiếng sóng vỗ, tiếng gia súc gia cầm kèm theo tiếng mưa tạo nên một bầu không khí hỗn độn lo âu bao trùm.
 
Dù được sự hỗ trợ nhiệt tình của người dân địa phương và chính quyền nhưng do lũ lớn và thời tiết quá khắc nghiệt nên việc cứu hộ và tiếp tế nhu yếu phẩm gặp rất nhiều khó khăn. Cầm được trên tay gói mì tôm, người dân run run chưa kịp nói thành lời đã xé ăn để lấy sức vì quá đói. Cụ bà thèm cơm đến nỗi mở ra ăn ngay vì đã nhiều ngày không có hột cơm trong bụng. Những đứa nhỏ ướt mưa người run cầm cập đưa những ánh mắt buồn bã trong mưa.
 
Lũ vẫn vô tình trôi, có nơi cao hơn 3m cuộn thành sóng, cano vẫn cố gắng di chuyển để sơ tán người dân.
 
 
Nhóm của Long có "biệt tài" săn những nụ cười của người dân, lần này cũng không ngoại lệ, chỉ có điều đặc biệt hơn
 
Ngày thứ 12 ướt đẫm trong mưa gió bên cạnh người dân miền Trung. Một ngày thật kinh khủng, lạnh buốt người trong mưa do mất sức, đói mà mệt quá ăn không nổi, thiếu ngủ nên cặp mắt của chúng mình cứ lờ đờ. Nhưng chúng mình vẫn cố gắng, vì người dân đang rất cần chúng mình. Cứ vậy đó, cả nhóm động viên nhau cùng chung sức vì miền Trung.
 
Ngày 21/10, nước cao kèm gió tạo sóng liên tục làm sập nhà dân tại Quảng Bình. Nước rút bớt gần 2m nhưng vẫn quá đầu người. Giữa mênh mông biển nước, sóng vỗ liên hồi, đôi lúc phải nhìn cột điện để chuẩn bị tâm lý thoát thân, nhưng mọi thứ vẫn rất đẹp khi tất cả lương thực đã tiếp cận được với người dân ở đây.
 
"Nhà anh mất trắng rồi em ơi!" - một người dân nghẹn ngào.
 
Đã 15 ngày liên tiếp chúng mình tắm mưa lội nước, đồng hành cùng bà con miền Trung, là 15 ngày đáng nhớ trong cuộc đời. Bằng sức lực của tuổi trẻ, mình và nhóm sẽ mang nụ cười đến với miền Trung.
 
Ngày 27/10, mình trở về quê nhà Quảng Nam, sẵn sàng đón đầu cơn bão số 9, mạnh nhất trong vòng 20 năm qua.
 
"Dân mình hay nói nhiều về ngày mai"
 
Luôn luôn có những kỷ niệm đi kèm mỗi hành trình mà mình đi qua. Những ngày vừa qua khá nhiều việc và mình cũng không có nhiều thời gian để trăn trở, nhưng chắc chắn sau khi trở về mình sẽ tổng hợp lại tất cả những khoảnh khắc đáng nhớ nhất.
 
Chỉ là, sau tất cả, điều mình nhớ nhất có lẽ là sự kiên cường vốn có của người dân quê mình. Mọi thứ khó khăn và dường như đều đã tuyệt vọng nhưng không một ai bỏ cuộc, bản năng sống mạnh mẽ và nghị lực bao đời của dân mình không có cơn lũ nào cuốn trôi được. Vẫn chân tình, vẫn cởi mở, vẫn lạc quan, vẫn không ngừng gửi lời dặn dò cho bọn mình khi di chuyển đến những vùng tiếp theo.
 
Mình là một người con miền Trung. Dân mình hay nói nhiều về ngày mai. Bởi trong từng cơn tuyệt vọng, bọn mình đều cố thoát ra để vươn tới những ngày mới tốt đẹp hơn, cố chạm tới những sự đổi khác, sự hồi sinh để tạo dựng lại cuộc sống ôn hoà với vụ mùa bội thu hơn.
 
Đây không phải lần đầu lũ cuốn trôi tất cả, nhưng cứ hễ lũ cuốn đi thì sau đó lại tiếp tục lao động gầy dựng lại. Còn sống là còn tất cả, chẳng ai bỏ cuộc, vẫn bám đất giữ nhà.
 
Khi chấp nhận bước trên hành trình này, mình biết cuộc sống và công việc ở TP.HCM bị ảnh hưởng nhiều. Nhiều dự án đang chờ mình về để bắt đầu hoặc tiếp tục. Các bạn khác cũng có nhiều việc dang dở. Tuy nhiên, chúng mình quan niệm, rằng miền Trung sinh ra bọn mình sức dài vai rộng, thì mình trở về gánh vác phụ miền Trung.
 

 
Một người đi nhanh, nhưng nhiều người sẽ đi xa. Đây chính là niềm tin hoạt động của quỹ. Luôn luôn hân hoan chào đón sự sát cánh và cộng hưởng của tất cả những người có sự quan tâm đến quỹ. Với tôn chỉ truyền tải thông điệp giáo dục và các giá trị nhân văn đến cộng đồng, mình tin bước khởi đầu này sẽ mở ra một chặng đường mới suôn sẻ cho cả nhóm để lan tỏa các điều tích cực đến cho xã hội bằng các hoạt động thực sự mang tính thiết thực.
 
Mình nghĩ bọn mình đều còn trẻ, làm được gì giúp sức cho xã hội thì cứ làm, biết đâu mai sau già đi, sẽ nhận lại những sự giúp đỡ từ xã hội. Nếu không có những hành động cụ thể, thiết thực thì câu chuyện cho và nhận vẫn là một điều lý tưởng nhưng xa vời, phải bắt tay vào làm, phải có người tiên phong và không ngại gian khó. Nếu tuổi trẻ mà ngại khó ngại khổ không làm việc đó thì thế hệ nào mới đủ sức làm được đây?
 
Nhóm chúng mình vẫn sẽ tiếp tục cho đến khi nào bão lũ đi qua, người dân có thể ổn định cuộc sống trở lại!
 







 
Những ngày sắp tới trước ảnh hưởng của cơn bão số 9, Long và nhóm "Những bước chân xanh" đã có mặt tại Quảng Nam, sẵn sàng ứng cứu bà con khi cần thiết./.