Từ bỏ con đường học hành đang còn dang dở, chàng trai khiếm thị lên Sài Gòn bán đậu phộng phụ cha mẹ nuôi em ở quê.
Cuộc sống mưu sinh vốn dĩ rất khó khăn, để có được đồng tiền trang trải cuộc sống, những người lao động chân tay thậm chí phải đánh đổi cả mồ hôi, xương máu lẫn sức khỏe. Khó khăn là vậy, nhưng đối với người bị tật bẩm sinh thì khó khăn ấy lại nhân lên gấp bội.
Mới đây, mạng xã hội xuất hiện câu chuyện cảm động về chàng trai bán đậu phộng dù bị khiếm thị nhưng luôn chăm chỉ, tự dùng chính sức lao động của bản thân để kiếm tiền lo cho mình cũng như gia đình.
Bài viết được chia sẻ trên mạng xã hội.
Theo đó, chủ bài đăng chia sẻ, chàng trai được nhắc đến tên Tuấn, 23 tuổi và bị khiếm thị từ nhỏ. Vốn lớn lên từ vùng quê Hà Tĩnh nhưng vì cuộc sống đưa đẩy, anh phải lưu lạc vào Sài Gòn kiếm sống.
Tại đây, Tuấn được nhận vào học tại một trường THPT đặc biệt. Tuy nhiên vì sức khỏe không đảm bảo và một vài lý do khác, anh phải tạm ngừng con đường học tập của mình.
Tá túc trong căn phòng trọ ở quận 9 cùng một số người bạn, cứ có công việc nào phù hợp là Tuấn đều xin làm. Gánh nặng mưu sinh đã khiến chàng trai ấy thêm mạnh mẽ và luôn tự động viên bản thân kiên trì vượt qua.
Một tháng trở lại đây, đoạn đường qua ngã tư vòng xoay Phạm Văn Đồng – Kha Vạn Cân (phường Linh Đông, quận Thủ Đức, TP.HCM) người dân đã dần quen với hình ảnh chàng trai khiếm thị ngồi bán đậu phộng mỗi tối.
Những bịch đậu phộng được bạn cùng phòng gói giúp.
Hình ảnh chàng trai khiếm thị bán hàng khiến nhiều người xót thương.
Tuấn chia sẻ, mỗi tối anh đều mua đậu phộng của người quen rồi nhờ bạn cùng phòng bỏ vào từng bọc nhỏ đem đi bán. Hôm nào bán hết hàng, Tuấn thu về được 100.000 - 130.000đ tiền lời, số tiền đó Tuấn dành dụm rồi gửi về cho gia đình.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, có lẽ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 mà Tuấn không còn bán được hàng như trước nữa, nhiều người thương tình đã kêu gọi, chào hàng giúp để cậu sớm hết hàng.
"20 ngàn/bịch, tôi không biết đắt hay rẻ, ngon hay dở, nhưng chỉ mong mỗi tối chỗ vòng xoay này đừng mưa để ai đó có thể ghé mua giúp chàng trai khiếm thị một bịch đậu. Dịch bệnh người thường đã khổ nói chi đến người khuyết tật."