Từ ngày 5/7, hàng loạt địa phương lân cận TP HCM bắt đầu áp dụng quy định yêu cầu người vào địa bàn, kể cả các lái xe vận tải chở hàng hóa phải có xét nghiệm âm tính.
Để triển khai, các chốt kiểm soát được lập ngay trên QL1, QL51... kiểm soát người, phương tiện ra/vào. Ai có giấy xét nghiệm âm tính mới được đi tiếp, ai không có giấy phải quay đầu xe. Tuy nhiên, bất cập đã xảy ra ngay từ ngày đầu.
Tỉnh Đồng Nai lập chốt trên QL1, ngay trạm BOT cầu Đồng Nai để kiểm soát người, phương tiện từ TP HCM, Bình Dương vào địa bàn. Thế nhưng, theo quan sát, số lượng người được kiểm soát chỉ là một phần nhỏ lưu lượng phương tiện chạy trên QL1. Có rất nhiều phương tiện vẫn lưu thông qua chốt mà không bị yêu cầu kiểm tra vì lực lượng mỏng.
Ở hướng khác, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng lập chốt trên QL51. Ngay địa phận TX Phú Mỹ, nơi giáp ranh với tỉnh Đồng Nai, các phương tiện khi qua đây đều phải dừng lại để kiểm tra “giấy thông hành”. Hậu quả là cả tuyến đường độc đạo này ùn tắc kéo dài hơn 5km.
Tăng cường các biện pháp để phòng, chống dịch lây lan là cần thiết. Tuy vậy, việc chặn các tuyến quốc lộ huyết mạch lại để kiểm tra thủ công như hiện nay có lẽ cần được xem lại.
Bởi như QL1 là tuyến đường huyết mạch, xương sống của cả nước. Hàng ngày có hàng trăm nghìn chuyến hàng vận chuyển lương thực, nông sản, hàng hoá… lưu thông xuyên suốt Bắc - Nam. Địa phương nào cũng ngăn quốc lộ để kiểm tra tài xế thì khác nào chặt đứt mạch xương sống này? Nói là không “ngăn sông cấm chợ”, nhưng ai không có giấy xét nghiệm âm tính buộc phải quay về thì đâu có khác gì?
Giá cả hàng hoá tại các chợ, siêu thị ở TP HCM bắt đầu tăng lên kể từ khi các địa phương tăng cường kiểm soát các phương tiện lưu thông. Đã có ai thống kê vì yêu cầu tài xế phải có giấy xét nghiệm âm tính mới được lưu thông khiến cho bao nhiêu chuyến hàng bị chậm trễ, doanh nghiệp và chính tài xế phải gánh thêm chi phí? Điều này liệu có phù hợp với chủ trương của Chính phủ là vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế?
Có thể khẳng định rằng, lực lượng của các tỉnh chắc chắn không đủ để kiểm soát hết toàn bộ phương tiện trên đường và suốt 24/24h. Chưa kể, lưu thông đi lại giữa các địa phương đâu chỉ có các tuyến quốc lộ huyết mạch, khi những tuyến đường “tiểu ngạch” hàng ngày người dân vẫn qua lại bình thường.
Vì thế, việc lập chốt kiểm tra giấy xác nhận xét nghiệm âm tính của các tài xế, tưởng như sẽ đảm bảo an toàn, song trên thực tế là khó khả thi.
Một số ý kiến cho rằng, thay vì chặn các quốc lộ, địa phương nên kiểm soát tại các đường tỉnh, liên huyện, trực tiếp đi sâu vào trong địa bàn. Hoặc có thể giao trách nhiệm về cho các doanh nghiệp, bến cảng, nhà máy… nơi tài xế ra vào giao, nhận hàng hoá, còn địa phương tăng cường giám sát, hậu kiểm.
Còn theo bác sỹ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM, cần áp dụng các giải pháp công nghệ để làm “giấy thông hành” cho tài xế.
Cụ thể, hiện nay tất cả xét nghiệm Covid-19 của người dân, kể cả xét nghiệm tầm soát và xét nghiệm dịch vụ đều đã được đưa lên hệ thống của ngành Y tế.
Nên cấp cho người dân một mã số và họ tự tra trên hệ thống để lấy kết quả xét nghiệm. Khi đi qua các chốt kiểm soát, chỉ cần đưa mã và quét qua là biết người này xét nghiệm hay chưa, kết quả ra sao. Điều này còn tránh được tình trạng làm giấy xác nhận âm tính giả để qua mắt các chốt kiểm soát.
Hoàng Minh