Đại biểu Ksor H’Bơ Khăp (sinh năm 1982, tên thường gọi Ksor Phước Hà), hiện mang quân hàm Trung tá, Trưởng Công an thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai.
 
Nữ Trưởng Công an thị xã của Gia Lai
 
Vài ngày qua, các phát biểu và chất vấn, tranh luận với 3 Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công thương, Tài nguyên và Môi trường về diện tích rừng, xử lý pin năng lượng mặt trời, thủy điện... của nữ đại biểu Ksor H’Bơ Khăp (đoàn Gia Lai) đã gây ấn tượng mạnh, làm nghị trường Quốc hội sôi động.
 
Đại biểu Ksor H’Bơ Khăp (sinh năm 1982, tên thường gọi Ksor Phước Hà), hiện mang quân hàm Trung tá, Trưởng Công an thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai.
 
Bà là người dân tộc Jrai, quê ở xã Ia Trok, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai. Trình độ học vấn là trên đại học, trình độ chính trị là cao cấp lý luận chính trị, trình độ chuyên môn là thạc sĩ Luật.
 
Bà hiện là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIV nhiệm kì 2016-2021, thuộc đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Gia Lai, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội.
 
Trong một lần chia sẻ bên lề kỳ họp Quốc hội hồi cuối năm 2018, nữ đại biểu Ksor H’Bơ Khăp cho biết, sinh ra trong gia đình đều làm trinh sát, chồng cũng là trinh sát hình sự nên dịp Tết thường là dịp “ăn không ngon, ngủ không yên” vì thực hiện nhiệm vụ.
 

Nữ đại biểu Ksor H’Bơ Khăp.
 
Nói là Tết nhưng dường như căn nhà nhỏ của bà luôn đóng cửa vì cả 2 vợ chồng ngoài trực thì đều phải đi quanh địa phương nắm tình hình.
 
"Lúc ông bà, cha mẹ, bạn bè đến nhà thăm chúc Tết, vợ chồng tôi tranh thủ chạy về. Có lúc đi nửa đường hoặc chưa kịp cầm chén rượu lên lại nghe có tai nạn giao thông hay vụ việc nghiêm trọng là lại phải chạy đi.
 
Có hôm nửa đêm, chưa kịp ngủ đã lại phải dựng nhau dậy để ra hiện trường", bà Ksor Phước Hà nhớ lại.
 
Trung tá Phước Hà bày tỏ, có hôm 2 vợ chồng đều phải trực, con sốt cao phải gửi ông bà hoặc gửi vào làng và cũng chỉ có thể thỉnh thoảng ghé qua xem tình hình chứ ít khi ở lại chăm sóc được.
 
Những phát ngôn đáng chú ý của nữ Trung tá công an
 
Không chỉ gây ấn tượng với các tranh luận, chất vấn trong kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa 14 mà từ các kỳ họp đầu khóa 14, nữ đại biểu này đã có nhiều phát biểu đáng chú ý, nhận được sự đồng tình cao.
 
Trong đó, khi thảo luận về dự án Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) ngày 19/6/2017 bà từng phát biểu về thủy điện.
 
Khi đó bà nói: "Hàng loạt những công trình thủy điện lớn, nhỏ, trải dài theo những khe suối, con sông, với việc xả lũ đúng quy trình cho con trâu, con bò được trèo lên ngọn cây, mái nhà để chiêm ngưỡng. Vậy nên tôi đề nghị chấm dứt không cho xây dựng các công trình thủy điện nữa".
 
Đồng thời, nữ đại biểu cũng nêu về việc Tây Nguyên đang ngày càng bị sa mạc hóa. Bà cho rằng, không những rừng bị tàn phá nặng nề mà đến đất rừng cũng bị đào bới mang đi.
 
"Đất rừng còn bị mang đi bán thì trồng rừng bằng niềm tin hay sao? Ta có nên gọi đối tượng này là địa tặc hay không? Tôi đề xuất cần phải xử lý việc lấy đất rừng cũng như xử lý việc phá cây rừng", bà Ksor H’Bơ Khăp nêu.
 
Tại kỳ họp Quốc hội diễn ra vào ngày 11/6/2018, nữ Trung tá Ksor H’Bơ Khăp cũng thẳng thắn khi phát biểu câu nói về vấn đề giáo dục phải đào tạo con người có dũng khí, dám chịu trách nhiệm và phát biểu này tạo đồng tình cao trong dư luận.
 
Tại kỳ họp thứ 10, sau khi nghe Bộ trưởng Bộ NN&PTNT báo cáo về tổng diện tích rừng tự nhiên là 10,3 triệu ha, tăng lên là 1,3 triệu ha so với 30 năm trước, bà đã đứng lên bày tỏ: "Con số Bộ trưởng đưa ra là vô lý và "có gì đó thực sự là sai sai".
 
Theo bà, ít nhất trong nhiệm kỳ này, mỗi kỳ họp chúng ta đều được nghe các dự án, công trình chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, tức là chuyển đổi rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ (rừng tự nhiên).
 
"Làm gì có chuyện rừng tự nhiên lại có thể tăng lên được, làm gì có con số 14 triệu ha rừng ấy! Với cây cao su, cây cà phê, cây tiêu cũng được tính vào tỷ lệ che phủ rừng hay sao?", nữ đại biểu đề nghị Bộ trưởng nghiên cứu lại các dự án phải điều chỉnh diện tích rừng tự nhiên.
 
Tiếp đó, trong phần tranh luận về pin mặt trời sau những phát biểu của Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh tại Quốc hội, ĐBQH Ksor H'Bơ Khăp cho rằng, Bộ trưởng không thể đổ thừa cho địa phương, cũng không thể nói rằng có quy định của luật về việc xử lý hoặc là chủ đầu tư sẽ có trách nhiệm xử lý pin năng lượng mặt trời.
 
Theo đại biểu, cái nhân dân cần là người đứng đầu ngành Công Thương phải đưa ra được phương án gì đối với vấn đề liên quan đến pin năng lượng mặt trời.
 
Bà nói, hiện nay cán bộ và nhân dân địa phương rất hoang mang với những vấn đề liên quan đến pin năng lượng mặt trời.
 
"Ngay cả bản thân tôi cũng rất lo lắng với việc phát triển tràn lan pin năng lượng mặt trời ở Gia Lai. Bởi sau này, pin đó hết hạn sử dụng thì để làm gì?
 
Những tấm pin đó được xử lý thế nào? Đưa lên mặt trăng hay để nướng bò một nắng - đặc sản ở Gia Lai chúng tôi hay sao?", bà nêu vấn đề,
 
Trong phiên chất vấn chiều 6/11, nữ đại biểu đã nêu lại phần giải trình của Bộ trưởng Trần Hồng Hà trước Quốc hội cho rằng, bão lũ, sạt ở miền Trung những ngày qua do trời mưa, địa chất bị đứt gãy…
 
"Nghĩa là thời gian tới, Bộ trưởng tiếp tục ủng hộ xây dựng, phát triển thủy điện nhỏ đúng không?", đại biểu băn khoăn.
 
Bà đề nghị Bộ trưởng giải thích, "ông trời, mẹ thiên nhiên" và rừng có quan hệ gì với thực trạng bảo vệ rừng hiện nay ở Việt Nam? Với tư cách chuyên gia, đơn vị tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng thấy mình có trách nhiệm như thế nào với thực trạng đó?.
 
Sau phần trả lời của Bộ trưởng TN&MT với nội dung rừng rất quan trọng "quan trọng còn hơn cả trời" thì nữ đại biểu Ksor H’Bơ Khăp tiếp tục đứng lên tranh luận, bà nói: "
 
"Câu hỏi của tôi, Bộ trưởng chưa trả lời. Tôi hỏi Bộ trưởng có ủng hộ tiếp tục xây dựng thuỷ điện nhỏ nữa hay không? Câu hỏi có hoặc không chứ không có nhưng", nữ đại biểu nêu.
 
Bà nêu, trách nhiệm của Bộ trong việc đánh giá vấn đề môi trường đối với các dự án, công trình rõ ràng là có sai sót nên mới gây ra hậu quả như ngày hôm nay.
 
"Với tư cách chuyên gia, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng thấy trách nhiệm như thế nào trong việc bảo vệ môi trường hiện nay ở Việt Nam? Câu này Bộ trưởng cũng chưa trả lời", đại biểu đặt vấn đề.
 
Trước phần tranh luận này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cười tươi, tay cầm mic với mong muốn được giải trình ý kiến này.
 
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ trưởng Trần Hồng Hà trao đổi kỹ lại để đại biểu nắm rõ thông tin, dành thời gian cho các đại biểu chất vấn những vấn đề khác./.