Có tên là chả cua, hoặc cua, nhưng món ăn dân dã này của người dân các xã Thạch Tiến, Thạch Thanh, Thạch Ngọc, Thạch Vĩnh... (Thạch Hà, Hà Tĩnh) lại không hề sử dụng thịt cua làm nguyên liệu chế biến.
Nhiều cụ cao niên ở huyện Thạch Hà cũng không còn nhớ món chả cua có từ khi nào, tuy nhiên lại biết rõ nguồn gốc của tên món ăn này.
Theo họ, ngày xưa, khi giá cua biển vẫn còn chưa đắt đỏ như bây giờ, thi thoảng người dân các vùng trung du và đồi núi của huyện Thạch Hà vẫn có thể mua được chút ít loại hải sản này về để cải thiện bữa ăn cho gia đình. Cua biển sau khi lược hết phần thịt, người dân giữ lại phần mai cua, đem rửa sạch, để ráo rồi cất, chờ đến ngày lễ, tết mới đem ra làm món chả cua.
Nguyên liệu để làm món chả cua gồm thịt lợn nạc, miến gạo, lá nghệ, tỏi và các loại gia vị. Một vài người còn bỏ thêm rễ củ kiệu vào để dậy mùi thơm. Các bước chế biến món ăn này cũng rất đơn giản. Thịt nạc được bằm nhỏ, trộn đều với tỏi bằm, lá nghệ thái nhỏ, miến gạo khô vò nát rồi cho thêm chút hạt tiêu, mì chính, nước mắm hoặc bột canh. Chờ khoảng 10 phút để gia vị ngấm vào thịt rồi vắt thành từng viên bằng nắm tay cho vào mai cua, đặt lên xửng hấp cách thủy khoảng 20 phút là chín.
Thịt nạc, tỏi và lá nghệ là 3 nguyên liệu không thể thiếu trong món chả cua
Công đoạn ướp gia vị
Ông Lê Phi Sơn (57 tuổi, trú xã Thạch Thanh) cho biết: “Gia đình tôi nhiều đời làm nông. Ngày xưa phải đến ngày tết, giỗ, hoặc báo hỷ, cả nhà mới có ít thịt để ăn. Trong mâm cơm những dịp này thường có món chả cua, nhưng miến và lá nghệ luôn nhiều hơn thịt. Sau này, cũng vì giá cua đã cao hơn rất nhiều lần, người dân nông thôn ít khi được thưởng thức, nên không có mai cua cất trữ. Họ nghĩ ra cách dùng lá chuối tươi để thay thế cho thuận tiện”.
Các viên thịt được gói trong lá chuối
... rồi đem hấp cách thủy
.... khoảng 20 phút là chín
Để lá chuối mềm, dễ gói hơn, sau khi được chặt từ trên cây xuống, người dân đem cả tàu lá rửa sạch, để ráo, rồi hơ qua lửa, đến khi nào thấy lá chuyển sang màu xanh đậm là có thể gói thịt vào. Ở một số vùng khác, chả cua có thể không có lá nghệ nhưng được gói kèm với lá bưởi, khi hấp có mùi thơm rất đặc biệt. Ngày nay, người dân Thạch Hà vẫn giữ truyền thống làm món chả cua trên mâm cỗ ngày giỗ, tết..
Tên gọi độc đáo của món ăn này đôi khi cũng là khởi nguồn của những câu chuyện vui. Ông Sơn kể, có hôm bạn ở xa đến chơi, ông hào hứng giới thiệu về món chả cua “đặc sản” quê nhà. Cứ nghĩ là sẽ được thưởng thức món hải sản, nào ngờ đến bữa ăn không thấy cua đâu, người bạn thắc mắc liền hỏi: “Sao ông nói mời tôi ăn cua mà giờ không thấy con cua nào cả”. Sau khi nghe chủ nhà giải thích tường tận, cả hai ôm bụng cười ngặt nghẽo.
Sức hấp dẫn của món chả cua đến từ vị ngọt tự nhiên của nhân thịt hòa cùng vị thơm của tỏi, lá nghệ, nước mắm kết hợp với vị cay nồng của tiêu. Nhiều người chia sẻ, tuy đây là một món ăn dân dã nhưng là sự tổng hợp của nhiều nguyên liệu trong cách chế biến, rất hấp dẫn, khó có ai có thể cưỡng lại./.