Ngày 3/10, GS Lê Văn Lan, cố vấn chương trình Đường lên đỉnh Olympia lý giải, "nhất thống" là từ cổ được sử dụng ở thế kỷ 18 và 19. Điều này từng được nghiên cứu và ghi rất rõ trong các công trình khoa học liên quan đến văn tự cổ. Ví dụ, thế kỷ 18 có "Hoàng Lê nhất thống chí" và thế kỷ 19 có "Đại Nam nhất thống chí".

Trong khi đó, đến thế kỷ 20, từ nhất thống được sử dụng phổ biến hơn và lưu truyền dân gian rộng rãi, dần dần người dân đổi dùng "thống nhất". "Bản chất nghĩa của hai từ này là như nhau, không khác biệt", GS Lê Văn Lan nói.

GS Lê Văn Lan cũng dẫn chứng trong tất cả các từ điển, phát biểu của các nhà khoa học vẫn chung ý niệm "nhất thống" và "thống nhất" là một nghĩa, giá trị sử dụng ngang nhau.

"Trong trận chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia, thí sinh này nói đúng được tinh thần, hàm nghĩa của đáp án, đúng kiến thức lịch sử, chỉ khác biệt về mặt câu chữ khi sử dụng thống nhất thay cho từ nhất thống. Do đó, tôi và chương trình chấp nhận cho điểm với đáp án của thí sinh", giáo sư Lê Văn Lan nói.

"Chấp nhận đáp án trên và cho điểm là cách khích lệ thí sinh, không nên quá khắt khe, cứng nhắc từng câu chữ và phù hợp với yếu tố nhân văn trong giáo dục", giáo sư Lan nói và cho biết đáp án cũng được các thành viên trong hội đồng cố vấn tán thành, "không có gì đáng để bàn cãi".

5453-a-1664847943.jpg
GS Lê Văn Lan. Ảnh: internet.

Kết thúc trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 22, nhiều người cho rằng đáp án một câu hỏi Lịch sử trong phần thi về đích của thí sinh Vũ Bùi Đình Tùng (Hải Phòng) chưa chính xác. Câu hỏi "Tấm bản đồ địa lý nào của nước ta vẽ khoảng năm 1838, ghi hai tên Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam?".

Thí sinh Đình Tùng trả lời "Đại Nam thống nhất toàn đồ". Tại trường quay, MC xin ý kiến ban cố vấn. Dù đáp án của chương trình là "Đại Nam nhất thống toàn đồ" nhưng GS Lê Văn Lan cho rằng, câu trả lời của thí sinh có thể chấp nhận và giành được điểm.

Nhiều người phản đối các cho điểm của chương trình và cho rằng "thống nhất" và "nhất thống" có ý nghĩa rất khác nhau.

Ngoài câu hỏi trên, phần thi Về đích cũng đang gây tranh cãi với câu hỏi dành thí sinh Anh Đức (Sơn La). Cụ thể: "Dân gian có những câu: 'Chu tri rành rành/ Cái đanh nổ lửa/ Con ngựa đứt cương/ Ba vương tập đế/ Cấp kế đi tìm/ Hú tim bắt ập'. Ở đây, Ba vương là ba vị vua nào?". Ban tổ chức đưa ra câu trả lời "Ba vương tập đế" là Hàm Nghi, Kiến Phúc và Hiệp Hòa.

Tuy nhiên, các chuyên gia sử học cho rằng, câu hỏi này không phù hợp. "Ba vương tập đế" là ba vị vua bất bình thường lên ngôi trong vòng 6 tháng gồm: vua Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc. Vua Hàm Nghi lên ngôi sau đó nên không có trong đáp án này./.