"Mình luôn có ý nghĩ bế Bi lên tầng 4 và nhảy xuống. Mình luôn thích thú với điều ấy, cảm thấy vô cùng hả hê. Thế nhưng mọi thứ qua đi mình lại sợ hãi", Nhung chia sẻ.
 
Có muôn vàn lý do khiến người ta nghĩ đến cái chết và chỉ khi vượt qua cửa tử người ta mới biết trân quý cuộc sống hơn. Nhung Nguyễn cũng từng rơi vào hoàn cảnh như thế, thậm chí cô cũng đã 2 lần định tự tử và rồi, mọi đau khổ đã giúp bà mẹ đơn thân trưởng thành 1 cách mạnh mẽ hơn.
 
Cảm giác đáng sợ - cứ nghĩ đến tự tử là thấy hạnh phúc, được giải thoát
 
Tình yêu của vợ chồng Nhung quả thật rất đặc biệt. Một cô gái còn non trẻ chấp nhận kết hôn với người đàn ông 1 đời vợ và đã có con riêng nhưng vẫn bị mẹ chồng không "ưng mắt".
 
Nhung chia sẻ: "Mình có 2 lần nghĩ đến cái chết. Lần đầu tiên là thời điểm mình sinh Bi. Lúc mình sinh con rất đau, phải chịu đựng cơn gò suốt 15 tiếng. Vì quá mất sức nên mình tiêm mũi gây tê màng cứng để đỡ đau hơn. Chồng mình là người kí.
 
Về phòng thì mẹ chồng mình chẳng hỏi han đâu. Bà trách: Việc sinh con ai cũng làm được mà sao phải gây tê màng cứng, vừa tốn tiền, vừa ảnh hưởng cháu bà. Lúc ấy mình rất tủi thân. Mình kiệt sức vì không được ăn uống gì, mình trải qua các bước cũng rất mệt, mất sức. 
 
Lúc con bắt đầu ti mẹ mình còn đau hơn vì cơ thể đang yếu, con lại háu ăn nên mút rất khỏe. Lúc cho con bú mình phải bấm chân xuống giường vì đau quá. Mẹ chồng mình tỏ ra khó chịu, như thể mình đang làm quá vấn đề.
 
'Sao nó có thể xấu như thế nhỉ?', đó là câu đầu tiên khi bà nhìn thấy bầu ngực của con dâu. Mẹ chồng vẫn tiếp tục chê bai, dùng những từ khó nghe và tự hào rằng ngày xưa mình không như thế. Mình tủi thân vô cùng. 
 
Đến khi mình sinh xong được xuất viện thì mẹ chồng cũng về quê, để 'tự chăm nhau'. Ngay từ trước khi sinh mình cũng xác định thế rồi.
 
Bi được 15 ngày thì mẹ chồng mình gọi điện trách 'dâu trưởng mà không thăm nom, không hỏi han bố mẹ chồng'. Mình trả lời luôn: 'Con chưa hết cữ, Bi rất cần sự chăm sóc và con cũng vậy'.
 
 
Đỉnh điểm là khi mẹ chồng mình gửi đồ ăn lên 2 lần. Lần đầu mình gọi điện cảm ơn bà ngay nhưng lần thứ 2 nhà thay hệ thống lọc nước nên mình bận rồi con nhỏ lại quấy khóc. Hôm sau bà mắng mình là vô ơn...
 
Sau lần đó mình khóc và cảm giác uất nghẹn. Mình gọi cho chồng kể lại và khóc thì anh có nói: 'Thôi từ nay không nhận gì của ông bà nội nữa'. Chồng mình là người rất hiểu biết và thương vợ con.
 
Thời gian đó mình rất dễ tủi thân. Suốt 1 tháng sau sinh mình liên tục bị rơi vào trạng thái như vậy. Nhưng vì nghĩ đến việc làm con thì không nên giận bố mẹ và mình đã quyết định về thăm bố mẹ.
 
Khi mới thông báo mẹ chồng mình đã rào trước 'không có ai cơm nước phục vụ đâu'. Tối hôm ấy chồng mình trông con, mình quấn nem, mẹ đẻ giết gà gửi xuống. Đồng thời mình phải nhờ cô bạn ở trên Thái Nguyên đến hỗ trợ cơm nước, dọn dẹp. Mình cảm nhận người ta không có tình thân, tình thương, sự đối đãi tử tế với mình".
 
Có quá nhiều thứ dẫn đến sự bùng nổ trong Nhung. Những câu nói xấu con dâu, những lời miệt thị, những hành động tàn nhẫn dồn nén khiến cô trở nên trầm cảm.
 
"Mình luôn có ý nghĩ bế Bi lên tầng 4 và nhảy xuống. Mình luôn thích thú với điều ấy, cảm thấy vô cùng hả hê. Thế nhưng mọi thứ qua đi mình lại sợ hãi".
 
Nhung tự nhận cô vẫn còn may mắn hơn người khác ở chỗ chồng cô rất tốt với vợ, hết lòng vì gia đình. Khi thấy con gái có những biểu hiện nguy hiểm, mẹ Nhung đã luôn bên cạnh động viên cô, rằng giờ cô chết chỉ có con cô khổ, bố mẹ cô khổ chứ người làm đau cô đâu có khổ.
 
Và Nhung đã vượt qua bằng lời động viên của mẹ, bằng sự chăm sóc tận tình của chồng.

Lần thứ 2 muốn kết thúc cuộc đời : "Con trả mạng của con cho mẹ"...

 
 
Lần thứ 2 Nhung muốn tự tử là khi chồng cô qua đời. Anh là chỗ dựa, niềm tin, tình yêu của cô vậy mà...
 
Anh mất nơi đất khách quê người sau 1 cơn tai biến giữa đêm. Nhớ về những kí ức kinh hoàng ấy, Nhung không khỏi xót xa: "Anh đã phải tìm bao nhiêu căn nhà mới được 1 căn ưng ý ở Singapor để đón mẹ con mình sang, mua sắm đầy đủ từng bộ dao dĩa, dụng cụ nhà bếp.
 
Chẳng được bao lâu, chồng mình đã qua đời khi sức khỏe trước đó còn rất bình thường, chiều vẫn tập thể dục, tối chơi cùng con. Mình gào lên rằng chồng mình khoẻ mạnh lắm, đi khám sức khoẻ bác sĩ luôn nói anh ấy có trái tim khoẻ mạnh cơ mà. Ăn uống thì khoa học và tập luyện thể thao mỗi ngày. Tôi dày vò chính tôi, ngửa mặt lên trời nước mắt ầng ậc, tôi hỏi ông trời vì sao đem anh ấy đi mà không đem tôi đi theo luôn".
 
Trong 1 tuần lo làm thủ tục đưa tro cốt chồng về nước, Nhung ngất lên ngất xuống, đứng không vững phải có bố mẹ bên cạnh làm chỗ dựa.
 
Sau khi lo hậu sự cho chồng xong, mẹ chồng Nhung có nói 1 câu mà suốt đời này cô cũng không quên được: "Có mỗi việc chăm nuôi chồng mà để chồng ốm, chồng chết là không chấp nhận được, không thể tha thứ được".
 
Trải qua 1 tuần bị dày vò bởi những câu nói tàn nhẫn của nhà chồng, Nhung rơi vào bế tắc, muốn buông xuôi tất cả, cô bảo rằng đó là thời khắc cùng kiệt của sự chịu đựng và cô chỉ nghĩ đến việc kết thúc cuộc đời mình để chấm dứt mọi dày vò.
 
"Nó là hành động bộc phát. Mình tháo khăn tang, tuyên bố: 'Con trả lại mạng cho mẹ'. Rồi mình lao ra ngoài và bị ngã vì tinh thần không còn minh mẫn suốt tuần qua. Còn những người khác, họ đứng ở sân hoặc chẳng thèm quan tâm. Họ nói: 'Mặc kệ bà ấy, cho bà ấy nhảy, xem có dám nhảy không?'. Mình mất chồng, con mình mất cha đã đủ đau đớn chưa? Gán thêm cho mình tội không chăm lo để chồng chết, mình chưa quên thì gần đây mình biết, bà nội của con mình vẫn nói với mọi người y như hôm nói với mình".
 
Vẫn là chỉ có bố mẹ là ở bên Nhung, kéo cô lại từ tăm tối, cho cô biết cái chết chỉ khiến nhiều người khổ đau chứ không thể giải thoát bản thân.
 
1 tháng sau khi chồng mất Nhung cố vực dậy bởi cô còn 2 đứa con làm động lực sống. Nhung quay lại dạy Yoga, cô được học viên quý mến nên các khóa học rất đông người tham gia. Cô khuyến khích cho các con học cùng.
 
Đừng nghĩ chết sẽ được ở bên nhau mãi mãi, chỉ cần còn được thở, hãy trân quý từng giây
 
Nhung đã trải qua quá nhiều đau khổ. Khi cô tìm đến cái chết, chỉ có bố mẹ là yêu cô, con trai cô cần cô còn những người là lý do để cô tìm đến cái chết lại vô tâm, vô tình.
 
"Bản thân mình là cái phao, cái phao không còn hơi để nâng đỡ cho chính nó thì làm sao con mình có thể bấu víu, để nổi lên", bà mẹ mạnh mẽ khẳng định.
 
"Mẹ đừng chết, đừng bỏ con. Con không tự nuôi con được đâu, bố đã chết rồi mẹ đừng chết", đó là câu nói ám ảnh Nhung vô cùng khi cô ngất đi của cậu con trai bé bỏng. Đấy là lý do khiến Nhung muốn cố gắng vì chính bản thân mình. Nhung phải sống tốt gấp nhiều lần, kể cả phần của chồng nữa.
 
 
Từng cảm nhận những điều tồi tệ, Nhung muốn nhắn nhủ: "Tử tự với bất cứ lý do gì cũng là điều sai trái. Ai cũng chỉ 1 lần được sống nên phải sống trọn vẹn với cuộc đời này.
 
Nhiều người nghĩ rằng việc tự tử như 1 sự giải thoát. Nhưng không phải mà nó kéo theo nhiều niềm đau cho người ở lại. Ngày nay với nhiều bạn trẻ, mạng xã hội có quá nhiều thứ tiêu cực kéo theo các bạn ấy, đến chính họ cũng không hiểu được hết họ cần gì, phải làm như thế nào.
 
Thực ra các bạn yêu nhau thường nghĩ sẽ không ai thay thế được người ấy. Nhưng tình yêu kì diệu lắm, khi bạn yêu 1 người mới bạn sẽ có những cảm giác mới. Càng sống tốt, càng giữ thái độ tích cực thì bạn càng có những điều bất ngờ, tốt đẹp chờ đón phía trước.
 
Hãy yêu bản thân, yêu những người yêu mình 1 cách xứng đáng chứ đừng hi sinh vô nghĩa vì người không tử tế với mình. Chết không khó, sống 1 cách ý nghĩa mới cần bạn phải nỗ lực"./.