"Lúc đi phải trốn, tôi khi về cũng phải trốn. Chưa kể 9 tháng ở bên Trung Quốc, tôi luôn nơm nớp sợ bị bắt", người đàn ông ở huyện miền núi Nghệ An nhớ lại.
 
Câu chuyện đã xảy ra 15 năm nhưng vẫn ám ảnh người đàn ông 32 tuổi cho đến tận bây giờ. Qua 9 tháng chui lủi ở xứ người mong đổi đời, rút cục, anh chỉ muốn được bảo toàn được tính mạng để về quê hương.
 
"Hồi đó tôi 17 tuổi. Ở quê không có việc làm, tuổi trẻ chưa trải sự đời, tôi đã nghe bạn bè rủ sang Trung Quốc. Vì nghe nói bên đó dễ tìm được việc làm. Tôi đã vay mượn được 1 triệu đồng đưa cho "cò" để đi", người đàn ông đề nghị giấu tên bắt đầu câu chuyện về một kỷ niệm hãi hùng của mình.
 
Lúc chuẩn bị lên đường, anh háo hức bao nhiêu thì khi vượt qua biên giới, nỗi lo lắng càng tăng lên bấy nhiêu. Sau hành trình dài dằng dặc, anh và những lao động cùng quê khác được "cò" đưa vào một xưởng sản xuất tồi tàn. Giao người cho chủ xưởng, nhận tiền xong "cò" cũng biến mất.
 
 
Qua 9 tháng lao động "chui" ở Trung Quốc là thời gian phải đối mặt với nhiều rủi ro đối với người đàn ông này.
 
Công việc của những lao động này là phân loại bao bì phế liệu, giặt sạch, phơi khô trước khi cho vào máy cán nhỏ để tạo thành các hạt nhựa.
 
Theo người đàn ông này, xưởng có 20 người lao động Trung Quốc và Việt Nam. Công việc nặng nhọc, độc hại, cường độ làm việc cao nhưng không được trang bị đồ bảo hộ đầy đủ. Mọi người làm việc quần quật bởi chỉ lười nhác thì không những bị bỏ đói mà còn bị đuổi ra khỏi xưởng.
 
"Mới nhập cảnh và không biết tiếng, không biết đường, bị đuổi thì biết đi đâu? Công việc như thế nhưng chủ chỉ trả cho mỗi người 600 nhân dân tệ, quy ra tiền Việt Nam hồi đó là tầm 1,5 triệu đồng", người đàn ông kể tiếp.
 
Ngoài nỗi lo bị đuổi, bị quỵt lương, bị tai nạn rủi ro do môi trường làm việc không đảm bảo an toàn, những lao động Việt Nam ở đây luôn phải trong trạng thái sẵn sàng chạy trốn nếu lực lượng chức năng nước bạn kiểm tra, truy lùng. Cuộc sống chui lủi khiến được ngủ trọn giấc đối với họ cũng là điều xa xỉ.
 
Được 7 tháng, làm chỉ đủ ăn tiêu, lại quá vất vả, khi đã biết được chút ít tiếng Trung Quốc, người đàn ông này tìm cách "nhảy việc". Chỗ làm việc mới của anh là xưởng chuyên sản xuất đệm mút ô tô, mức lương có khá hơn trước.
 
Tuy nhiên, thời điểm đó lực lượng chức năng địa phương truy lùng gắt gao các lao động bất hợp pháp trên địa bàn. Các lao động "chui" luôn để sẵn tiền bạc, tư trang trong người, kể cả khi ngủ.
 
 
Lao động Nghệ An tại một điểm tập kết ở khu vực biên giới phía Bắc để chuẩn bị vượt biên sang Trung Quốc (ảnh H.T).
 
"Đang ngủ, nghe hô "công an đến", mắt nhắm mắt mở, chúng tôi lao ra khỏi lán, mỗi người một hướng, cứ thế mà chạy. Nếu không may để cảnh sát bắt được chắc chắn sẽ bị giam. Ít thì vài tháng, dài thì cả năm mới được thả ra.
 
Tưởng đi có công ăn việc làm, có thu nhập nhưng ai dè cực hơn. Sau một lần suýt bị bắt, tôi và một người bạn đồng hương quyết định trở về quê", anh kể tiếp.
 
Trở về cũng đâu dễ dàng khi họ không có một giấy tờ hợp pháp. Bao nhiêu tiền tích góp được đều phải đưa cho "cò" để được đưa về nước. Phải thêm một hành trình mà người đàn ông này nói "như chạy nạn" anh mới đặt chân được về địa phận Việt Nam.
 
"Suốt những ngày chạy trốn ra khỏi đất Trung Quốc, anh em chỉ dám ăn bánh mỳ cầm hơi, còn ít tiền phải để dành phòng bất trắc. Về đến Nghệ An, trong túi tôi còn đúng 160 nghìn đồng", người đàn ông chua chát kể về "thành quả" 9 tháng quần quần ở nước ngoài trong thân phận của lao động "chui".
 
"Dẫu sao tôi cũng may mắn bình an trở về. Giờ tôi ở nhà làm rẫy, làm tất cả công việc chính đáng khác để nuôi sống bản thân và gia đình. Phụ hồ, cửu vạn, chặt keo... công việc nặng nhọc nào tôi cũng làm rồi. Vất vả một tí nhưng bù lại được sống gần gia đình, gần cha mẹ, vợ con, không phải nơm nớp lo sợ như quãng thời gian ở bên kia nữa.
 
Ra nước ngoài kiếm tiền không hề dễ dàng như "cò" vẽ ra. Nếu không có trình độ, không hợp pháp thì cái giá phải đánh đổi rất lớn", anh nói./.