Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An tổ chức thi học sinh giỏi môn Ngữ Văn, có hai câu hỏi cho phần “Nghị luận xã hội (8 điểm)” và “Nghị luận văn học (12 điểm)”, với tổng thang điểm 20. Trong đó, câu hỏi nghị luận xã hội được các thầy cô và học sinh đánh giá cao, đòi hỏi hội tụ nhiều kiến thức của một học sinh lớp 9.

tu-con-kien-leo-len-buc-tuong-den-bai-van-giai-nhat-co-hoc-tro-lop-9-7-1648775978.jpg
Đề thi giỏi Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An cho các em THCS

Nội dung đề thi học sinh giỏi Văn tỉnh Nghệ An năm học 2021 - 2022 như sau: “Một con kiến muốn leo lên bức tường bằng sứ, nhưng mỗi lần leo lên đều thất bại rơi xuống đất. Tuy nhiên, nó vẫn cố trèo lên trên. Một người sau khi nhìn thấy cảnh đó liền nói: “Thật là một con kiến vĩ đại, thất bại rồi nhưng vẫn không chịu thoả hiệp, tiếp tục hướng đến mục tiêu phía trước”. Một người khác nhìn lại nói: “Thật là một con kiến đáng thương, thật là hồ đồ, giả dụ nó thay đổi phương thức khác, có lẽ nó đã đạt đến đích rồi”. Suy nghĩ của em về hai ý kiến ở trên”.

Phạm Thanh Huyền (SN 2007), Trường THCS xã Nghi Ân (TP Vinh) đạt 16,75 điểm ở môn ngữ Văn là một trong 5 học sinh đạt giải Nhất.

Em Huyền chia sẻ về phần thi câu hỏi ở trên rất nhanh: “Em đọc đề xong thì thấy khá hay và sát với thực tế của cuộc sống. Khi đứng trước khó khăn thì mình có nhiều cách để lựa chọn và ứng phó. Đối với đề thi này em thấy thật sự rất là mới mẻ, sáng tạo hơn so với câu hỏi của những năm trước.

Từ câu chuyện của con kiến ý đầu đã mở ra cho người đọc suy nghĩ về giá trị trong cuộc sống, cách mà mỗi chúng ta đối mặt với áp lực và khó khăn. Với tư cách là một thí sinh tham dự kỳ thi, em đang dần tự hoàn thiện bản thân thì đây thật sự là một trải nghiệm đáng ghi nhớ, để học hỏi và trưởng thành nhiều hơn”.

tu-con-kien-leo-len-buc-tuong-den-bai-van-giai-nhat-co-hoc-tro-lop-9-5-1648776010.jpg
Em Phạm Thanh Huyền là một trong 5 em đạt giải nhất môn ngữ Văn cấp tỉnh Nghệ An - Ảnh: Quốc Huy

Em Huyền nhìn nhận dưới gọc độ “con kiến leo lên rồi lại rớt xuống thất bại”. Đây là thể hiện quyết tâm, nỗ lực không ngừng, nhẫn nại, kiên trì và đó là điều chúng ta đáng phải học hỏi. Tuy nhiên, lúc đứng trước các thử thách thì chúng ta không chỉ riêng nỗ lực bền bỉ, mà còn phải biết về tinh thần ứng xử với nhiều góc nhìn. Từ đó để bản thân tiết kiệm cả về thời gian và công sức.

“Hình ảnh con kiến leo lên nhiều lần có thể chưa thành công trong chốc lát, nhưng đó là bài học giá trị cho đoạn đường sau này đối với con kiến” – em Huyền cười vui nói.

Tự liên hệ bản thân mình, em Huyền thấy trong công việc học hành cũng có bóng dáng của “con kiến”. Do đó, em luôn có cách nhìn mới, sáng tạo để phù hợp với hoàn cảnh. Tuy nhiên, không phủ nhận bản thân mình luôn phải kiên trì và nỗ lực thật nhiều.

“Không ngừng nỗ lực học tập hết mình mà cần có cách nhìn đa chiều, linh hoạt trong khi trao đổi với thầy cô, bạn bè. Từ đó để nhận biết mình còn thiếu ở điểm nào và không ngừng hoàn thiện bản thân trong học tập” – em Huyền tự tin nói.

Khi đặt mình vào hoàn cảnh của con kiến, Huyền nhận chia sẻ rằng: “Em sẽ vận dụng cả hai ý ở trên của con kiến và sử dụng thêm ý chí, tinh thần nghị lực để di chuyển. Tuy nhiên, nếu khi di chuyển mà không nỗ lực, sáng tạo, thích nghi với khó khăn, các biến cố tác động từ bên ngoài thì sẽ khó thành công”.

Ngoài việc học ở trường, Huyền về nhà còn phụ giúp 3 em chăm lo học hành và bố mẹ trong buôn bán, kinh doanh nhỏ.

Chia sẻ với PV, thầy Uông Đình Dương giáo viên dạy môn ngữ Văn ở Trường THCS Nghi Ân trực tiếp bồi dưỡng, dẫn dắt em Phạm Thanh Huyền đánh giá: “Đề thi học sinh giỏi tỉnh Nghệ An năm nay rất hay, mở rộng kiến thức và tầm nhìn cho các em học sinh cuối cấp. Các em từ việc học lý thuyết đến thực hành, đối diện khó khăn thực tiễn hàng ngày. Đề thi này có giá trị kiến thức thực tế rất lớn đối với các em. Từ đó rút ra được nhiều bài học quý giá, bổ ích trong cuộc sống ở tương lai”.

tu-con-kien-leo-len-buc-tuong-den-bai-van-giai-nhat-co-hoc-tro-lop-9-4-1648776036.jpg
Thầy Uông Đình Dương giáo viên dạy môn ngữ Văn ở Trường THCS Nghi Ân - Ảnh: Quốc Huy

Theo thầy Dương, trong nhiều tháng trước khi diễn ra kỳ thi, cả thầy và trò phải trải qua nhiều ngày vất vả ôn luyện. 

“Do dịch dã nên thầy trò phải học online, nhiều bữa đang học thì mạng kém bị ngắt quãng. Không còn cách nào khác thầy gọi điện thoại di động, mỗi lần gọi trao đổi hơn 1 tiếng đồng hồ. Đây thật sự là kỷ niệm rất đáng nhớ trong sự nghiệp dạy học của tôi chưa từng diễn ra” – thầy Dương nhớ lại.

Hiệu trưởng Trường THCS Nghi Ân (TP Vinh) Bành Thị Thúy Hà cho biết, nhà trường ở vùng ven thành phố, điều kiện học trực tuyến gặp rất nhiều khó khăn. Trong hơn 10 năm qua nhà trường không có giải nhất cấp tỉnh nào, đặc biệt là môn ngữ Văn.

“Từ lớp 8 các giáo viên đã phát hiện em Huyền có tố chất với môn ngữ Văn và bắt đầu rèn luyện. Do tính chất địa phương, phụ huynh làm nông nghiệp là chủ yếu, điều kiện nuôi dạy con chưa đồng đều. Các giáo viên ở trường chỉ mới dám nghĩ đạt được thành tích cấp thành phố đã khó, ít ai nghĩ đến học trò đạt giải cao hơn”– cô Hà chia sẻ./.