Mặt bằng nằm đợi nhà đầu tư
Tại nhiều đoạn công trường dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, việc thi công diễn ra lác đác ở một số vị trí nhất định. Đoạn dự án đi qua xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An rất vắng vẻ, ảm đạm. Thời tiết không mưa, khô ráo tuy nhiên công trường không có công nhân làm việc. Máy móc nằm phơi mưa, nắng. Một số đoạn còn có mồ mả chưa được di dời, trâu bò được người dân chăn thả trong khu vực thi công cao tốc.
Tại khu vực thi công có biển của Công ty Cổ phần LICOGI 16 thuộc xóm Phúc Điền 1, xã Hưng Tây, đơn vị chỉ mới dựng lều lán để công nhân ở, sinh hoạt. Nhiều diện tích đất chưa bóc phong hóa. Hệ thống đường điện trung, hạ thế chưa di dời. Thậm chí, một số vị trí, công nhân không làm việc mà ngồi trong câu cá ở một ao thuộc phạm vi công trường,…
Đại diện UBND huyện Hưng Nguyên cho biết, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn huyện Hưng Nguyên có chiều dài khoảng 25,8km (qua 11 xã và 1 thị trấn). Trong đó, đoạn qua đất nông nghiệp khoảng 23,4km; đoạn qua đất khu dân cư khoảng 2,4km; Khoảng 211 hộ dân bị ảnh hưởng đất ở, tái định cư 12 khu đất ở, 2 khu mồ mả. Vốn đã cấp cho dự án là 760 tỷ đồng, trong đó vốn bố trí năm 2021 là 160 tỷ đồng.
Tương tự, dọc phạm vi dự án từ Diễn Châu đến huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, PV ghi nhận, mặc dù mặt bằng dự án đã cơ bản được giải phóng, địa phương đã bàn giao cho nhà đầu tư nhưng rất ít vị trí có công nhân, máy móc hoạt động.
Khu vực xã Thanh Bình Thịnh (huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh), điểm cuối của tuyến cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt, dù đang trong thời điểm “vàng” để gấp rút đáp ứng tiến độ thi công, nhưng công trình trọng điểm cũng vắng bóng công nhân. Thời điểm PV có mặt, có khoảng trên 10 công nhân Công ty TNHH Hoà Hiệp dựng cột thép, làm đường ống tại điểm cuối nút giao quốc lộ 8 với cầu vượt cao tốc. Đáng nói, máy móc của đơn vị này bỏ không tại lán, một máy cẩu hư hỏng đang được sửa chữa.
Ông Đoàn Ngọc Hường, Chủ tịch UBND xã Thanh Bình Thịnh (huyện Đức Thọ) cho biết, tuyến cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt đến xã là điểm cuối. Với tuyến này địa phương đã giải phóng xong mặt bằng và chờ đơn vị thi công thực hiện dự án. Theo ông Hường, từ Tết đến nay đơn vị thi công mới tập trung đưa máy móc, nhân công về, nhưng chỉ rầm rộ, tập trung ở điểm nút giao quốc lộ 8, còn những đoạn khác thì chưa thi công.
Chậm do khách quan?
Ông Hà Huy Nguyên, Phó chỉ huy công trường Công ty TNHH Hoà Hiệp lý giải, do thời tiết hai hôm nay có mưa nên một số công nhân xin nghỉ. Còn những ngày trước làm việc bình thường. Mỗi ngày phân thành 2 tốp làm việc cả ngày lẫn đêm, mỗi tốp thợ có khoảng 20 công nhân. Theo ông Nguyên, đơn vị đang triển khai công trình nút giao quốc lộ 8 với cầu vượt cao tốc cự ly khoảng 1km, tổng kinh phí đầu tư gần 200 tỷ đồng. Hiện mặt bằng địa phương đã bàn giao xong, nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành nút giao đường 8 vào cuối năm 2022.
Làm việc với PV báo Tiền Phong ngày 24/3, ông Nguyễn Quốc Việt, Giám đốc Cty đầu tư Phúc Thành Hưng - Nhà đầu tư thực hiện dự án cho biết, mấy ngày qua cùng với thời tiết không ủng hộ các nhà thầu cũng đang tập trung chuẩn bị thi công tổng thể tại 4 gói thầu.
Về thông tin dự án chậm tìm được đối tác giải ngân cho dự án so với quy định của hợp đồng BOT, ông Việt thông tin, đến giữa tháng 2 vừa qua, đơn vị đã ký hợp đồng giải ngân phần vốn BOT đối với 4 ngân hàng. Đến thời điểm hiện nay, dự án không còn gặp khó khăn về vốn.
Lý giải vì sao sau gần một năm khởi công, đến nay mới thi công được 1,7% khối lượng, ông Việt cho rằng: Theo Luật Đối tác công tư (PPP), nhà đầu tư dự án được phép có từ 12 đến 18 tháng để huy động vốn, tuy nhiên cao tốc Bắc - Nam là dự án đặc thù nên Quốc hội chỉ cho phép 6 tháng. Trong khi đó năm 2021 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh mất 3 tháng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, toàn bộ hoạt động tại dự án bị dừng. Nhà đầu tư (NĐT) không đủ thời gian để đàm phán, thỏa thuận các điều khoản với ngân hàng. “Với lý do bất khả kháng, nhà đầu tư đã kiến nghị với Bộ GTVT cho thêm thời gian để thực hiện nội dung này”, ông Việt phân trần.
Đề cập tiến độ dự án là tháng 5/2024 phải hoàn thành theo hợp đồng BOT, ông Việt cho biết, hiện NĐT đã có phương án thi công tổng thể toàn dự án, phương án này giúp NĐT “đuổi” lại thời gian bị chậm. “Hiện phương án thi công tổng thể này đã được NĐT báo cáo Ban Quản lý dự án 6 (PMU6) và Bộ GTVT. Theo phương án này, NĐT vẫn hoàn thành dự án đúng tiến độ là tháng 5/2024”, ông Việt khẳng định.
Đánh giá về việc thi công không đạt tiến độ và chậm huy động được hợp đồng tín dụng cho dự án, chủ đầu tư xác nhận, dù yếu tố khách quan hay chủ quan thì đây cũng là trách nhiệm của đơn vị thực hiện dự án và đại diện NĐT xin tiếp thu, rút kinh nghiệm.
Lãnh đạo Bộ GTVT: Yêu cầu rút ngắn tiến độ 3 tháng
Sau khi báo Tiền Phong ngày 24/3 đăng cụm bài “Cao tốc Bắc - Nam ì ạch: Mỏi mòn chờ tiền”, ngay trong ngày đại diện lãnh đạo Bộ GTVT đã có phản hồi với báo Tiền Phong và cho biết: Thực trạng thi công chậm trễ, không đạt yêu cầu tại dự án thành phần Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt là thực tế. Suốt thời gian qua Bộ GTVT đã chỉ đạo rất quyết liệt tại dự án này, với Ban Quản lý dự án 6 (PMU 6) - đơn vị được giao quản lý dự án Bộ GTVT đã yêu cầu lập ban chỉ huy tại công trường. Cho đến nay, mọi khó khăn, trở ngại tại dự án đã được giải quyết, liên danh các nhà đầu tư đang tập trung thi công đẩy nhanh tiến độ dự án. Theo cam kết của nhà đầu tư, dự án vẫn đảm bảo tiến độ hoàn thành là tháng 5/2024. Tuy nhiên, trong văn bản số 2680 trả lời về cam kết tiến độ của nhà thầu, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn thay mặt Bộ GTVT ký, yêu cầu: “Theo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính dự án phải hoàn thành đúng tiến độ và đề xuất giải pháp rút ngắn hoàn thành trước 3 tháng theo kế hoạch”.P.V