Thực hiện Kế hoạch của Bộ Công an về cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông, sau một tuần ra quân (từ 20/6 - 27/6/2022), lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) toàn quốc đã xử lý 7.640 trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới vi phạm về nồng độ cồn, phạt tiền gần 30 tỷ đồng. Đặc biệt, đã xử lý 2.696 phương tiện vận tải hàng hóa vi phạm quy định về “cơi nới” thùng xe chở hàng quá tải trọng, phạt tiền gần 12 tỷ đồng.
Tại Hà Nội, sau 1 tuần ra quân, CSGT toàn thành phố đã xử lý 167 trường hợp ô tô tải các loại vi phạm cơi nới thành thùng xe, chở quá trọng tải, quá khổ; 485 trường hợp người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn; 135 trường hợp người điều khiển ô tô, xe máy vi phạm chạy quá tốc độ quy định. Theo Phòng CSGT Công an Hà Nội, quá trình xử lý vi phạm xe quá khổ, quá tải, lực lượng CSGT gặp nhiều khó khăn như lái xe bất hợp tác, không xuất trình giấy tờ hoặc đóng cửa bỏ đi nơi khác... gây mất thời gian của tổ công tác. Đối với các trường hợp trên, cán bộ chiến sỹ sẽ báo cáo Ban chỉ huy cấp trên, niêm phong, cẩu xe và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Thống kê của Cục CSGT, thực hiện đợt cao điểm, từ ngày 20/6 - 27/6, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý 7.640 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền gần 30 tỷ đồng. Xử lý 6.509 trường hợp vi phạm về tốc độ, phạt tiền gần 10 tỷ đồng.
Có 2.696 trường hợp xe tải vi phạm cơi nới, chở quá tải, quá khổ bị xử lý, phạt tiền gần 12 tỷ đồng. Trong đó, chở hàng quá tải trọng 1.734 trường hợp; quá khổ giới hạn 335 trường hợp; tự ý cải tạo phương tiện 284 trường hợp.
Lực lượng CSGT đã cưỡng chế việc tháo, cắt thùng 118 xe; thông báo tới cơ quan đăng kiểm 45 trường hợp, hạ tải 535 xe.
Trên đường thủy nội địa, đã xử phạt 1.361 trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 1 tỷ đồng. Trong đó, chở quá vạch mớn nước an toàn 1.156 trường hợp, hành vi vi phạm khác 256 trường hợp.
Theo đó, thực hiện kế hoạch kiểm tra, xử lý xe quá khổ, quá tải của Bộ Công an, Công an tỉnh Bắc Ninh cũng đã chỉ đạo lực lượng CSGT toàn tỉnh đồng loạt ra quân kiểm tra, xử lý trên các tuyến đường. Qua đó, hàng chục lái xe, chủ phương tiện chở hàng quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng xe đã bị phát hiện, xử lý.
Điển hình, ngày 22/6, tại km 4, QL 38, TP Bắc Ninh, tổ công tác của Phòng CSGT Công an tỉnh Bắc Ninh phát hiện xe ô tô tải BKS 98C-196.62 có biểu hiện chở hàng quá tải đã yêu cầu lái xe cho kiểm tra tải trọng. Lái xe là Đặng Văn Xuân, SN 1990, trú ở Tân Dĩnh, Lạng Giang, Bắc Giang chưa chấp hành ngay mà gọi điện “cứu viện”. Sau khi biết không thể can thiệp, lái xe mới chấp hành lệnh kiểm tra. Kết quả, xe ô tô BKS 98C-196.62 vi phạm chở hàng vượt quá tải trọng cho phép 100% đến 150%. Tổ công tác đã lập biên bản vi phạm để xử lý.
Ngày 28/6, lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh Bắc Ninh đã ra quyết định xử phạt: 10 triệu đồng, tước GPLX 4 tháng đối với lái xe; buộc phải khắc phục hậu quả khôi phục tính năng kỹ thuật của phương tiện theo quy định. Cùng ngày, tổ công tác lập biên bản vi phạm hành chính đối với chủ xe trên là ông Đặng Văn Tâm, SN 1962, trú ở Hương Lạc, Lạng Giang, Bắc Giang với 2 lỗi là giao phương tiện cho người làm công điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm; đưa xe ô tô có kích thước thùng xe không đúng với thông số kỹ thuật được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe tham gia giao thông. Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh đã ra quyết định xử phạt mức phạt 24 triệu đồng. Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận kiểm định và tem kiểm định 2 tháng, yêu cầu chủ xe tự giác khôi phục kích thước ban đầu của thùng xe…
Được biết, trong hơn 10 ngày thực hiện đợt cao điểm, CSGT tỉnh Bắc Ninh đã phát hiện và xử lý 339 trường hợp chở hàng quá tải, 37 trường hợp cơi nới thành thùng, trong đó buộc chủ xe phải cắt bỏ thành thùng sai quy định gần 100 trường hợp. Nhờ ra quân đồng bộ, quyết liệt nên hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh không còn xe quá tải hoạt động.
Theo Thượng tá Đặng Thanh Phong, Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Bắc Ninh cho rằng: để nâng cao hiệu quả xử lý xe ô tô chở quá tải, phải thắt chặt quản lý, kiểm tra ngay tại những cảng cung cấp, xếp dỡ hàng hóa, để vi phạm được giải quyết ngay từ điểm xuất phát. Điều quan trọng là cần sự vào cuộc, phối hợp, đồng bộ của các sở, ngành, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng khác; đặc biệt là các cơ quan chức năng thuộc Bộ Giao thông vận tải cần kiểm soát chặt chẽ các vi phạm từ “gốc” tại đầu nguồn, bến bãi, không để các phương tiện vi phạm được phép đi ra đường. “Nếu không giám sát từ gốc thì tình trạng xe quá tải sẽ vẫn tiếp diễn bởi lực lượng CSGT không thể “căng” mãi 24/24 để kiểm soát trên đường”./.