Trong bối cảnh, bức tranh an ninh, chính trị và các cuộc cạnh tranh quyền lực ở Trung Đông đang diễn ra phức tạp, đã có những tín hiệu lạc quan từ phía Iran và Saudi Arabi, hai cường quốc khu vực, có mối quan hệ thù địch với nhau trong nhiều năm và đang ủng hộ các bên đối địch nhau trong các cuộc xung đột tại Trung Đông. Hai nước gần đây đã đưa ra những tuyên bố thân thiện khác thường về đối thủ và tiếp tục duy trì các cuộc đối thoại trực tiếp kể từ khi quan hệ ngoại giao song phương bị cắt đứt cách đây 5 năm.
Chính sách đối ngoại theo hướng đối thoại
Thông tin về việc hai quốc gia thù địch Iran và Saudi Arabi nối lại đàm phán là một bất ngờ đối với khu vực và quốc tế. Nhưng đây cũng là tín hiệu tích cực cho sự ổn định của Trung Đông nói chung bởi vai trò và những ảnh hưởng lớn của cả Iran và Saudi Arabia trong khu vực. Trong tuyên bố cả hai nước đều bày tỏ mong muốn sẵn sàng đối thoại, đàm phán và hợp tác, phá bỏ rào cản giữa họ. Điều đó thể hiện chính sách đối ngoại mới và cởi mở của Iran và Saudia Arabi trong bối cảnh khu vực chịu nhiều tác động từ bên ngoài và những thay đổi từ các cường quốc như Mỹ, Nga.
Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman nói rằng: “Iran là một quốc gia láng giềng và tất cả những gì chúng tôi mong muốn có được là có một mối quan hệ tốt đẹp với Iran. Chúng tôi có lợi ích với Iran và họ cũng có lợi ích với chúng tôi. Công việc đang được thực hiện để tìm ra giải pháp khắc phục cho các vấn đề”.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Iran tuyên bố, hai bên có thể “gạt bỏ những khác biệt trước đây sang một bên và bắt đầu một chương hợp tác mới thông qua đối thoại mang tính xây dựng”.
Thứ nhất, cả Iran và Saudi Arabia đều nhận thấy rõ lợi ích buộc các bên phải tái thiết và họ đều nhận thấy sự thù địch dai dẳng chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến cả hai.
Thứ hai tình hình hiện tại rất khác khi chính quyền Tổng thống Mỹ Biden theo đuổi chính sách mới thúc đẩy tiến độ về hồ sơ hạt nhân. Chính quyền Mỹ hiện nay cũng được xem là đang từ bỏ các đồng minh ở Vùng Vịnh khi có những động thái xoa dịu Iran hay rút quân khỏi một số điểm nóng từ Syria, Iraq tới Afghanistan.
Thứ ba, những tiến bộ đạt được trong hồ sơ hạt nhân Iran đã khiến Saudi Arabia nghĩ đến việc giảm bớt bầu không khí căng thẳng và đối đầu với Iran.
Thứ tư, cuộc chiến ở Yemen đã trở thành gánh nặng đối với Saudi Arabia, đặc biệt là với mối đe dọa từ Houthi trong khi Mỹ gây áp lực buộc Liên minh Arab ngừng bắn. Do đó Saudi Arabia nhận thấy không thể giải quyết cuộc chiến này bằng quân sự và muốn rút khỏi cuộc chiến này mà không mất uy tín trong khi Iran vẫn bị cáo buộc là đứng đằng sau lực lượng Houthi.
Thứ năm, Saudi Arabi cũng nhận thấy trong những năm gần đây, các lực lượng Hồi giáo không còn ủng hộ nước này mà chuyển hướng ủng hộ Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.
Thứ sáu, Iran muốn hòa giải vì nước này nhận thấy rõ mối quan hệ hiệu quả với Saudi Arabia với thế giới Arab.
Thứ bảy, trong khi quan hệ đối tác giữa Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga rất hiệu quả, các liên minh của Riyadh ở Yemen và liên minh “chống khủng bố” đã bị chia cắt. Do đó, Saudi Arabia cũng phải thay đổi chính sách trong khu vực ngay cả với các nước vùng Vịnh như Qatar và gia tăng quan hệ với các nước trong khu vực.
Cuối cùng, cán cân quyền lực là động lực chính thúc đẩy các tính toán và hành vi chung trong khu vực và khu vực của hai nước. Do đó, chính sách của Mỹ càng kém cân bằng - trên nhận thức hay thực tế - thì cơ hội dàn xếp giữa hai bên càng ít.
Tác động đối thoại giữa Saudi Arabia và Iran tới vấn đề hạt nhân?
Cả Iran và Saudi Arabia đang thay đổi chính sách tiếp cận song phương và với các vấn đề của khu vực vì lợi ích của họ trên hết. Các vấn đề lớn mà hai bên cùng quan tâm và đang đối địch là thuận hạt nhân Iran năm 2015 và cuộc chiến ở Yemen. Đây cũng có thể coi là nội dung then chốt khiến hai bên thay đổi chính sách đối ngoại của mình để vừa đảm bảo lợi ích, đảm bảo cân bằng ảnh hưởng, vừa hạn chế các mối đe dọa hay những cản trở.
Khi cuộc đối thoại hạt nhân ở Vienna, Áo giữa Iran và các cường quốc bước qua nhiều vòng và đạt một số tiến triển, tình hình Trung Đông dường như bớt căng thẳng hơn, trong đó có cuộc chiến ở Yemen và các vụ tấn công của Houthi vào lãnh thổ Saudi Arabia cũng giảm hơn. Tuy nhiên, đó mới chỉ là khởi đầu của cuộc đối thoại giữa hai quốc gia thù địch.
Dư luận khu vực coi cuộc hòa giải giữa Saudi Arabia với Iran là giấc mơ không của riêng mỗi bên mà với toàn bộ Trung Đông, vốn đã bị ảnh hưởng trong thập kỷ trước bởi sự mở rộng của Iran. Trên bình diện chung có thể thấy rất khó để có một thỏa thuận nào đó giữa Iran và Saudi Arabia về những gì đang diễn ra ở Trung Đông.
Các cuộc đối thoại sẽ làm dịu bớt những căng thẳng ở khu vực?
Cả Iran và Saudi Arabia khó từ bỏ những ảnh hưởng mà họ đang có ở khu vực. Việc các bên đàm phán vì những lợi ích căn bản và sát thực buộc họ phải thay đổi chính sách đối ngoại. Đó là chưa kể đàm phán mới chỉ là khởi đầu còn kết quả và việc triển khai những cam kết lại là một việc khác.
Giới quan sát cho rằng, chính sách mới của Saudi Arabia và phản ứng của Iran cũng sẽ tạo thêm chiều hướng mới cho sự cạnh tranh trong khu vực. Syria, Qatar, Lebanon và Yemen là những nội dung chính trong quá trình chuyển đổi chính sách của Saudi Arabia và hướng đi mới của họ với Iran.
Chính trị và ảnh hưởng của Iran ở Trung Đông buộc Saudi Arabia phải thay đổi. Các hành động của Saudi Arabia đe dọa Iran và các hành vi trong khu vực của Iran đe dọa Saudi Arabia. Nếu vòng luẩn quẩn không được phá vỡ tại một thời điểm nào đó, tình huống này có thể dẫn đến xung đột. Đây là lý do tại sao các chính sách của Saudi Arabia cố gắng thay đổi hiện trạng và được thúc đẩy bởi các mục tiêu an ninh có thể phản tác dụng. Điều này cũng có thể dẫn đến sự mất cân bằng và khiến tình trạng bất ổn trầm trọng hơn./.