Chiếm đoạt sim số điện thoại để lấy mã OTP từ ngân hàng

Một trong những chiêu thức lừa đảo mới xuất hiện gần đây của tội phạm công nghệ đó là chiếm đoạt quyền kiểm soát sim của chủ thuê bao di động để lấy mã OTP từ ngân hàng. Thủ đoạn chung là mạo danh nhân viên nhà mạng, gọi điện thoại giới thiệu đang có chương trình "hỗ trợ chuyển đổi sim từ 3G lên 4G", hoặc đổi sim để nhận ưu đãi. 

Đối tượng sẽ hướng dẫn chủ sim số điện thoại soạn tin theo cú pháp. Sau khi thực hiện thao tác soạn và gửi tin nhắn, ngay lập tức sim số điện thoại đã bị đánh cắp. Kẻ gian dùng chính sim đó lấy mã OTP từ ngân hàng gửi về sử dụng các dịch vụ tín dụng, vay tiền online… dưới danh nghĩa nạn nhân.

Theo khuyến cáo của Vinaphone và MobiFone, người dùng cần cảnh giác với các cuộc gọi, tin nhắn từ số lạ với các nội dung, như đề nghị hỗ trợ thay sim, nâng cấp sim hoặc thông báo trúng thưởng. Khi gặp các hiện tượng bất thường, như mất tín hiệu, bị vô hiệu hóa số điện thoại không rõ nguyên nhân, nhiều số điện thoại lạ gọi vào máy trong cùng một khoảng thời gian, người dùng nên liên hệ tổng đài chăm sóc khách hàng. 

Ngoài ra, người dùng không truy cập vào các đường link gắn kèm trong nội dung tin nhắn lạ; không thực hiện thao tác trên điện thoại theo các cú pháp được hướng dẫn bởi người lạ.

Gọi điện thoại giả danh CSGT gửi thông báo phạt nguội

Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an cũng khuyến cáo người dân cần cảnh giác trước thủ đoạn một số đối tượng lợi dụng công tác xử lý vi phạm qua hình ảnh để lừa đảo, đánh cắp thông tin tài khoản.

Theo cơ quan công an, rất nhiều người dân nhận được cuộc gọi từ các thuê bao có đầu số +870, +601, +084… Trong thời gian qua, các đơn vị chức năng đã tiếp nhận nhiều trường hợp người dân đến phản ánh về việc nhận các cuộc gọi đến thông báo cho chủ phương tiện biết đã có hành vi vi phạm luật giao thông đường và hướng dẫn cách chuyển khoản để đóng tiền phạt.

Bản chất của thủ đoạn lừa đảo trên là các đối tượng tội phạm lợi dụng việc phạt nguội là người vi phạm giao thông không bị xử lý ngay, mà sẽ có thời gian xử lý. Các đối tượng tội phạm lợi dụng vào khoảng thời gian mà lực lượng CSGT cần để hoàn tất việc thực hiện quy trình xử phạt nói trên, đã tạo dựng thông tin giả mạo gửi tới các chủ phương tiện nhằm mục đích lừa đảo chủ phương tiện đóng tiền phạt.

Hiện việc xử phạt nguội vi phạm giao thông chỉ được thực hiện duy nhất là chủ phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện vi phạm giao thông trực tiếp đến trụ sở Phòng CSGT, được cán bộ thông báo công khai, minh bạch lỗi vi phạm, thời gian, địa điểm vi phạm và hướng dẫn, giải quyết, xử lý xử phạt nguội vi phạm giao thông.

Cần làm gì để tránh mắc bẫy lừa đảo trên mạng?

Để tránh mắc bẫy lừa đảo, khi có người nhắn tin hỏi vay tiền, nhờ nạp tiền điện thoại...  mọi người cần phải gọi điện trực tiếp kiểm tra, xác minh. Không tin vào những chiêu trò nhận thưởng qua mạng với yêu cầu nạp tiền qua thẻ điện thoại hoặc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để làm thủ tục nhận thưởng.

Tuyệt đối không truy cập các đường link, liên kết trong tin nhắn, email lạ hoặc không rõ nguồn gốc. Giữ bí mật thông tin cá nhân, không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở, thông tin về tài khoản ngân hàng, tài khoản các dịch vụ trên Internet... cho bất kỳ người lạ nào gọi đến.

Trong mọi trường hợp, mọi người không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân như: Căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu hoặc thẻ ngân hàng, không bán, cho mượn, cho thuê tài khoản ngân hàng, không nhận chuyển khoản ngân hàng hay nhận tiền chuyển khoản của ngân hàng cho người không quen biết... 

Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người bị hại cần bình tĩnh, kịp thời thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.