Mới đây, tại Vũng Tàu, một chủ quán ăn nhận được cuộc gọi từ một số điện thoại lạ yêu cầu đặt món ăn để tiếp khách. Sau đó, đối tượng nhờ mua 2 triệu đồng tiền thẻ điện thoại gửi qua Zalo để biếu khách dự tiệc. Vì tin tưởng lời giới thiệu là công an nên nạn nhân đã mua thẻ cào điện thoại rồi chuyển cho đối tượng 5 thẻ trị giá 1.000.000 đồng. Do có chút nghi ngờ nên nạn nhân không tiếp tục gửi số thẻ còn lại và đến trụ sở công an phường để tìm hiểu thì biết là mình bị lừa.

Cũng như vậy, thủ đoạn lừa đảo “thả tép, bắt tôm” tại một nhà hàng kinh doanh thịt dê cũng đã bị phát giác. Sau khi gọi điện đặt tiệc và thỏa thuận giá cả, thực đơn bàn tiệc, đối tượng lạ đã chỉ định một loại rượu để yêu cầu nhà hàng cung cấp trong bữa tiệc, đồng thời chuyển cho nhà hàng 1 triệu đồng tiền đặt cọc. Do tin tưởng vì đã nhận tiền đặt cọc, nên nhân viên nhà hàng đã chuyển 9,1 triệu đồng tiền mua rượu vào tài khoản do kẻ lừa đảo chỉ định. Sau đó, nhà hàng chờ mãi không thấy bên bán giao rượu như đã hẹn, số điện thoại gọi đặt bàn không liên lạc được, tài khoản đã chặn liên lạc và không có khách nào đến!

mm-1696816473.png
Ảnh minh hoạ

Trên đây là một vài trong số rất nhiều hình thức lừa đảo thường xuyên diễn ra trên không gian mạng hiện nay. Theo đó, các đối tượng sử dụng số điện thoại (trong nước, nước ngoài, đầu số lạ…) giả danh cơ quan chức năng, công an, nhà mạng viễn thông… để tiến hành gọi điện thoại cho nạn nhân thông báo và yêu cầu chuyển khoản. Mục tiêu cuối cùng của các hành vi này đều là để chiếm đoạt tài sản, đánh vào tâm lí nhẹ dạ cả tin, thiếu sự xác thực thông tin của một số người dân.

Theo ghi nhận từ Cổng Cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam, năm 2022 đã ghi nhận hơn 12.935 trường hợp lừa đảo trực tuyến, trong đó lừa đảo tài chính chiếm đến 75,6%.

Để bảo vệ người dân, cộng đồng trước vấn nạn lừa đảo trực tuyến, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng đã triển khai nhiều biện pháp kĩ thuật và bước đầu mang lại hiệu quả nhất định. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản với nhiều hình thức như: Tuyên truyền trên các cơ quan báo chí; cảnh báo trực tiếp đến người dân, tuyên truyền trên các trang mạng xã hội...

Tuy nhiên, mọi biện pháp phòng ngừa đều sẽ không mang lại hiệu quả cao nếu không nâng cao được nhận thức của người dân. Người dân cần đề cao tinh thần cảnh giác và lưu ý không chuyển tiền, nộp tiền vào bất kì tài khoản ngân hàng của cá nhân, tổ chức nào khi chưa biết rõ họ là ai; không thực hiện yêu cầu chuyển tiền thông qua tin nhắn của các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Viber… kể cả là của người thân, bạn bè. Cần gọi điện thoại xác nhận nếu người đó là người thân, bạn bè nhằm tránh trường hợp người thân, bạn bè bị hack tài khoản. Hết sức cảnh giác để bảo vệ tài sản của chính mình và góp phần bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn dân cư.